Nhiều người đặt vấn đề về trách nhiệm của những người làm công tác xây dựng công trình khi để những “hố tử thần” tênh hênh như bẫy người đi đường. Nhiều ý kiến cho rằng, sao phải đợi khi tai nạn xảy ra mới truy trách nhiệm? Những tai nạn thương tâm do hố ga, miệng cống, cần cẩu đổ sụp, gạch rơi vào đầu… đều do không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong xây, sửa công trình, thiếu tinh thần trách nhiệm của đơn vị thi công, quản lý.
Cuối cùng thì TP.HCM vẫn là đơn vị xem xét các vấn đề của mình cách nghiêm túc, kể cả khuyết điểm. Tôi muốn nói trường hợp ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập của TP.HCM đã tự nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về việc một người dân lọt cống chết trên đường Kinh Dương Vương.
Đó là những tai nạn rình rập khắp mọi nơi khiến người dân đang sống an lành bỗng mất mạng trong tíc tắc. Vấn đề là những cái bẫy tử thần này lại được tạo ra bởi sự thiếu trách nhiệm phổ biến và chưa bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn…
Hy vọng với nhận thức mới từ TP.HCM về vấn đề trách nhiệm trong quản lý đô thị, những cái chết do tai nạn “từ trên trời rơi xuống” hoặc “đất nứt chui lên” may ra mới giảm bớt…
Đón xe buýt cũng chết vì lọt cống
13 giờ 40 ngày 21.10.2016, một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã bị rơi xuống hố ga đang thi công nhưng không có nắp đậy và rào chắn an toàn, trước số nhà 388 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Theo một số nhân chứng có mặt tại thời điểm xảy ra tai nạn, người đàn ông đang chạy theo xe buýt để bắt xe chạy tuyến về miền Tây thì bị vấp ngã rơi xuống hố ga đang thi công.
Sau khi người dân tri hô, kêu cứu, khoảng 10 phút sau tốp công nhân thi công mới chạy đến bắc thang xuống hố ga kéo nạn nhân lên nhưng nạn nhân đã tử vong. Được biết, độ sâu của cống khoảng 2m, nước dưới cống màu đen, bốc mùi hôi thối. Việc ứng cứu quá chậm chạp dù toán công nhân đang thi công chỉ cách hố cống 20m, chưa kể người trên xe buýt có thể đã thấy người đàn ông đón xe lọt cống nhưng cũng bỏ mặc…
Sau khi xảy ra tai nạn, hố ga mới được che đậy, rào chắn xung quanh.
Một số người dân sống gần khu vực cho biết có thấy đơn vị thi công ống cống làm việc tại đây từ chiều 21.10, nhưng không có hàng rào chắn bảo vệ, cũng không có che đậy. Lo sợ nguy hiểm nên người dân đang tìm số gọi báo chính quyền. Chưa kịp báo thì vụ việc xảy ra.
Hố ga này do công nhân Công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC thi công. Thời điểm người đàn ông bị nạn, công nhân công ty đang thi công ở hố ga khác cách đó chừng 20m.
Trong clip trích xuất từ camera một nhà dân ở ngay trước hố ga, có thể thấy rõ người đàn ông đang đứng gần hố ga đón xe buýt đi từ hướng mũi tàu Phú Lâm về hướng miền Tây. Khi chạy theo xe, không để ý nên bị vấp ngã.
Miệng cống nuốt trẻ em
Tối 16.10, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn Bình Dương và hàng trăm người dân đã đổ đi tìm kiếm một em bé mất tích vì nước cuốn trong lúc đang tắm mưa tại khu vực miệng cống trên đường số 4, trung tâm hành chính Dĩ An. Nạn nhân được xác định là em Hoàng Xuân Hiếu, 8 tuổi, ngụ P.Dĩ An.
Theo người nhà nạn nhân cho biết khoảng 14 giờ cùng ngày, bé ra ngoài chơi, do trời mưa lớn nên bất ngờ bé bị nước cuốn trôi xuống miệng cống.
Theo ghi nhận tại hiện trường, khu vực bé trai bị nước cuốn là một hố ga thoát nước. Hố ga này có nắp đậy bằng bê-tông nhưng thành bên cạnh để thoát nước không có vỉ sắt mà mở rộng miệng khoảng 30cm.
Phía dưới hố ga là đường ống cống rất lớn, rộng khoảng 1m. Mọi người nhận định nạn nhân có thể bị cuốn theo đường ống này xuống dưới hạ nguồn nên công tác tìm kiếm đã chuyển xuống phía hạ nguồn để giăng lưới vớt nạn nhân.
Một số nhân chứng tại hiện trường cho biết thời gian xảy ra vụ việc, có khoảng 4 em bé từ 8-10 tuổi chơi tại hiện trường. Khi xảy ra vụ tai nạn thì người dân kéo được 3 bé khỏi dòng nước. Riêng bé Hoàng Xuân Hiếu 8 tuổi bị nước cuốn không cứu kịp.
Mãi đến hai ngày sau người ta mới tìm thấy thi thể của bé trai này ở hạ nguồn, cách miệng cống mà bé bị nuốt vào 3km.
Trước đó, cũng tại Bình Dương, vào tháng 9.2014, hai bé trai tại thị xã Tân Uyên và thị xã Thuận An cũng bị nước cuốn xuống cống thiệt mạng.
Ngày 4.10, một phụ nữ cũng bị nước cuốn xuống cống tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Thủ Dầu Một nhưng rất may được cứu sống.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nguyên nhân những cái chết đột ngột nêu trên thì đã rõ, công trình công cộng đang vận hành không có hành lang, rào cọc, nắp bảo hiểm; công trình thi công cẩu thả, không tuân theo các quy trình an toàn lao động… nhưng cuối cùng thì chẳng ai chịu trách nhiệm và người dân có thể chuyển sang “từ trần” bất cứ lúc nào, do hên xui.
Cho dù là ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay đô thị nào, vào những ngày mưa to và triều cường, người dân chạy trên đường vẫn phải lo sợ không biết có vấp phải cái bẫy tử thần nào hay không, những hàm cá mập, hàm cá sấu khắp nơi, chưa kể có thể bị giàn dáo rơi xuống đầu khi đi qua các công trình thi công trên cao. Cho dù tai nạn chết người xảy ra dồn dập trong tháng 10 và những tháng gần đây nhưng rất nhiều tuyến đường, hố ga, miệng cống nguy hiểm vẫn “trơ trơ” và không có ai xử lý để bảo đảm an toàn.
Nhiều người đặt vấn đề về trách nhiệm của những người làm công tác xây dựng công trình khi để những “hố tử thần” tênh hênh như bẫy người đi đường. Nhiều ý kiến cho rằng, sao phải đợi khi tai nạn xảy ra mới truy trách nhiệm? Những tai nạn thương tâm do hố ga, miệng cống, cần cẩu đổ sụp, gạch rơi vào đầu… đều do không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong xây, sửa công trình, thiếu tinh thần trách nhiệm của đơn vị thi công, quản lý. Phải xử lý đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, sữa chữa các tuyến đường trong thành phố.
Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận rằng khi sự cố xảy ra, cách xử phạt chưa nghiêm, chưa rốt ráo. Cơ quan chức năng cho rằng vì người bị hại không khởi kiện nên không thể xử lý.
Thực tế thì không phải gia đình nạn nhân không muốn đòi bồi thường, đòi lại sự công bằng nhưng do hoàn cảnh, điều kiện không thể đeo đuổi một vụ kiện nên dễ dàng bỏ qua hoặc thỏa thuận nhanh với chủ công trình với một số tiền nào đó.
Vì vậy những cái bẫy tử thần vẫn tồn tại khắp nơi, có xảy ra chết người thì chủ công trình bỏ ra ít tiền bồi thường, nó vẫn ít tốn kém hơn là làm công trình đàng hoàng, an toàn.
Nhưng, nếu người nhà nạn nhân không khởi kiện thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính những đơn vị tắc trách, gây hậu quả nghiêm trọng là mất mạng người thì mới ngăn chận được tình trạng xem thường sinh mạng con người nêu trên.
Nhiều nước trên thế giới, ngay khi phát hiện mặt đường, công trình xây dựng… có khả năng gây hại cho phương tiện, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình thì người dân hoàn toàn có thể khởi kiện đòi quyền lợi chứ không phải đến khi xảy ra hậu quả đau lòng mới tính đến vấn đề truy trách nhiệm, đòi bồi thường.
Một chuyên gia về xử lý rủi ro cho rằng dù nạn nhân có bất cẩn hay không thì trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về đơn vị thi công, quản lý công trình. “Các hố ga và miệng cống không khác gì đang chờ "nuốt” mạng người. Lẽ ra công trình do anh xây dựng, anh sửa chửa, anh quản lý thì anh phải luôn có phương án bảo đảm an toàn cho người dân. Chứ đợi đến khi tai nạn xảy ra thì anh mới cho người đến lắp đặt các thanh chắn, vỉ chắn thì đã quá muộn màng”, vị này nhận xét.
Đối với những công trình đang thi công hoặc đã thi công xong nhưng chưa bàn giao cho Nhà nước trực tiếp quản lý thì khi xảy ra sự cố, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án.
Chủ đầu tư phải có cơ chế thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ giai đoạn khảo sát đến thiết kế, thi công xây dựng công trình để bảo đảm các nhà thầu thực hiện đúng, đầy đủ các quy định. Riêng những trường hợp người dân bị lọt xuống hố ga, lọt vào cống thoát nước vừa qua đã thể hiện rõ sự vi phạm quy định về xây dựng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành quản lý hoạt động xây dựng như Sở Xây dựng, Phòng Quản lý xây dựng của địa phương nơi xảy ra tai nạn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do sự thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động xây dựng dẫn đến các sai phạm, thiếu sót của chủ đầu tư, nhà thầu không được phát hiện kịp thời.
Nếu tai nạn gây chết người, tức gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan cảnh sát điều tra có quyền kiểm tra, xác minh thông tin, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan này có quyền khởi tố vụ án, bị can để tiếp tục điều tra, truy tố đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan chứ không nhất thiết phải có đơn tố cáo của gia đình nạn nhân vì các tội phạm vi phạm quy định về xây dựng không thuộc nhóm tội khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại (căn cứ Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Nhưng trước hết vẫn là lương tâm chức nghiệp, lương tri của con người. Một khi người công chức làm hết trách nhiệm của mình, chủ đầu tư, người công nhân đảm bảo an toàn lao động cho chính mình và cho cộng đồng thì may ra những tai nạn chết người rình rập mới được kéo giảm.
Hoàng Linh