Cho phép nhân viên Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng góp vốn cổ phần nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch ở suối nước Moọc, sông Chày-Hang Tối chưa lâu, UBND tỉnh Quảng Bình lại ký quyết định giao các điểm vàng du lịch này cho một công ty không có kinh nghiệm làm du lịch, mà không thông qua qua đấu thầu, khiến tài nguyên công có nguy cơ thất thoát, hàng trăm nhân viên đang có việc làm ổn định hoang mang lo mất việc.

Khi tài nguyên vàng du lịch không được đấu thầu công khai

Nguyễn Đình Vy - CTV bác Xuyên | 03/07/2017, 07:00

Cho phép nhân viên Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng góp vốn cổ phần nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch ở suối nước Moọc, sông Chày-Hang Tối chưa lâu, UBND tỉnh Quảng Bình lại ký quyết định giao các điểm vàng du lịch này cho một công ty không có kinh nghiệm làm du lịch, mà không thông qua qua đấu thầu, khiến tài nguyên công có nguy cơ thất thoát, hàng trăm nhân viên đang có việc làm ổn định hoang mang lo mất việc.

Có lãi vẫn bị thu hồi

Ngày 26.8.2014, UBND tỉnh Quảng Bình ra văn bản 1651/VPUBND-XDCB thông báo đồng ý chủ trương của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho phép Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bànghuy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để thực hiện công trình hệ thống đu dây tại khu vực Hang Tối, Trộ Mợng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng).

Từ đó Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng huy động vốn trong nhân viên khoảng 6 tỉ đồng với thời hạn 10 năm, đầu tư hệ thống Zipline, thuyền kayak trên sông Chày-Hang Tối, nhà hàng, cầu đi bộ, chòi ngắm cảnh, nghỉ ngơi tại suối nước Moọc. Lượng du khách đến các khu vực trên hằng năm tăng lên hàng chục vạn, nộp ngân sách mỗi năm 7 tỉ đồng, hơn 100 cán bộ nhân viên phục vụ có thu nhập tăng thêm nhiều lần, đời sống khấm khá hơn trước.

Vào năm 2016, UBND tỉnh Quảng Bình lại có chủ trương cổ phần hóa Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, cán bộ nhân viên ở đây xem đó là chủ trương đúng đắn với hy vọng họ có thể đấu thầu mua cổ phần kinh doanh các hạng mục khác như động Phong Nha, hang Tiên Sơn. Tuy nhiên niềm hy vọng đó đã bị dập tắt khi ngày 3.4.2017 UBND tỉnh Quảng Bình lại ra quyết định 1130/QĐ-UBND đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Thương mại du lịch Phù Sa Đỏ (gọi tắt công ty Phù Sa Đỏ) đầu tư trên nguyên trạng các hạng mục mà cán bộ, nhân viên trung tâm này đã góp vốn vào tài nguyên vàng Sông Chày - Hang Tối và suối Nước Moọc.

Một nhân viên ở đây cho biết: “Đề án xây dựng kinh doanh 10 năm, chúng tôi mới làm được 3 năm, ổn định tình hình, tạo việc làm cho cả trăm con người nhưng quyết định của UBND tỉnh không hề nhắc đến số phận chúng tôi là một sự bất bình đẳng. Nếu nơi này làm ăn thua lỗ, giao lại cho đơn vị nào thì không thành vấn đề, nhưng đang làm ăn có lãi, lại giao một đơn vị rất lạ thì chúng tôi lo lắng”.

Cần phải đấu thầu tài nguyên vàng

Khu vực suối nước Moọc, sông Chày-Hang Tối… là tài nguyên vàng về du lịch, thu hút lượng rất lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Các đơn vị lữ hành đánh giá để không bị thất thu nguồn lực tài chính thì UBND tỉnh Quảng Bình phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, không thể giao bằng một quyết định hành chính.

Tuy nhiên mọi điều đều ngược lại. Theo Sở KH-ĐT Quảng Bình, ngày 15.9.2016, công ty Phù Sa Đỏ được thành lập, có địa chỉ tại số 11 đường Linh Giang, phường Hải Thành, TP.Đồng Hới (Quảng Bình); hơn một tháng sau, ngày 25.10.2016, công ty này được nhận quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Hữu Hoài phê duyệt chủ trương đầu tư Khu phức hợp Du lịch sinh thái và Vui chơi thể thao dưới nước với số vốn 39 tỉ đồng, trên diện tích 12 ha gần Sông Chày-Hang Tối.

Ngày 3.4.2017, ông Nguyễn Hữu Hoài ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hệ thống Zipline đa phương thức dài nhất thế giới và tổ hợp các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, vốn đầu tư 300 tỉ đồng, trên diện tích 35 ha, chồng lên các điểm du lịch mà cán bộ, viên chức Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng góp vốn đầu tư ở suối Nước Moọc và sông Chày-Hang Tối.

Số liệu của ngành thuế Quảng Bình cho thấy Phù Sa Đỏ mới nộp 25 triệu tiền thuế môn bàivà thuế đất, các hạng mục thuế khác đều đang hiển thị con số 0 đồng. Đây là công ty quá mới mẻ, chưa có kinh nghiệm đầu tư phát triển, kinh nghiệm làm du lịch nhưng được ưu ái trao tay tài nguyên vàng về du lịch một cách chóng vánh bất thường.

Nhiều doanh nghiệp trong nước mạnh về du lịch và đầu tư đánh giá: Với tài nguyên hiếm có này, tỉnh Quảng Bình cần đưa ra đấu thầu quyền kinh doanh ở đây để tạo được sự minh bạch và bình đẳng nhằm tránh thất thoát nguồn thu ngân sách.

Nơi Phù Sa Đỏ xây dựng làm du lịch

Zipline ở suối Nước Moọc

Một phần thắng cảnh suối Nước Moọc

Phù Sa Đỏ nhận quyết định chủ trương đầu tư chỉ sau hơn một tháng thành lập

Việc xây dựng sẽ ảnh hưởng cảnh quan quanh Hang Tối

Khu vực Phù Sa Đỏ xây dựng đang ảnh hưởng tới cảnh quan Hang Tối, khu vực trên thu hút lượng lớn du khách đến ngắm cảnh và ngắm các đàn Voọc kéo về cửa hang mỗi ngày. Khi các bức tường của khu vực này được xây lên, cảnh quan của cửa Hang Tối bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng không một cơ quan chức năng có trách nhiệm nào đưa ra khuyến cáo mà lại nhanh chóng phê duyệt thông qua một cách lạ thường.

Nguyễn Đình Vy


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi tài nguyên vàng du lịch không được đấu thầu công khai