Như đã thông tin, liên quan đến vụ việc TPBank bị tố thu hồi nợ kiểu cướp giật tài sản, mới đây, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Không đồng tình với quyết định này, bà Chu Thị Vân đã khiếu nại tới Công an TP.Hà Nội và Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội.
Theo Công an quận Thanh Xuân, việc bà Chu Thị Vân tố giác nhóm nhân viên TPBank có hành vi cướp tài sản liên quan đến chiếc ô tô Mazda 3, BKS 30F-30106 xảy ra ngày 7.8.2019 tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội là không có dấu hiệu tội phạm.
Đối với số tiền 200 triệu đồng và sợi dây chuyền mặt Phật đá đỏ trị giá 30 triệu đồng để trong cốp trước ghế phụ như trong đơn tố giác của bà Chu Thị Vân, công an Thanh Xuân cho là không có căn cứ; còn chiếc kính mắt vẫn còn trong ô tô.Do đó, cơ quan công an không khởi tố hình sự đối với tố giác của bà Chu Thị Vân.
Cơ quan công an cũng cho biết, chiếc xe ô tô trên là của anh Chu Hữu Cường (SN 1988, trú tại tổ dân phố Hạ 9, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), là em trai bà Chu Thị Vân. Chiếc xe được anh Cường mua và vay số tiền 531 triệu đồng của TPBank theo hợp đồng cho vay kiêm thế chấp xe đã ký với TPBank.
Theo Công an quận Thanh Xuân, quá trình thực hiện, anh Cường vi phạm hợp đồng với TPBank nên ngày 27.7.2019, TPBank đã có quyết định thu giữ tài sản đảm bảo. Theo đó, khi TPBank phát hiện chiếc xe tại đường Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội do bà Chu Thị Vân đang sử dụng nên có tiến hành thu giữ.
Công an quận Thanh Xuân cho rằng việc TPBank thu giữ chiếc xe là tranh chấp về dân sự. Hiện chiếc xe ô tô đang được TPBank giữ. Công an Thanh Xuân đề nghị bà Vân gửi đơn ra tòa án để giải quyết theo pháp luật.
Theo bà Vân, việc Công an quận Thanh Xuân nhận định anh Chu Hữu Cường vi phạm hợp đồng với TPBank là không đúng thẩm quyền, bởi chỉ tòa án mới có quyền quyết định việc này.
Trước quyết định không khởi tố vụ án, bà Chu Thị Vân đã khiếu nại Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra quận Thanh Xuân.
Bà vân cho biết, việc Cơ quan Công an quận Thanh Xuân không khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố bị can để xử lý hành vi cướp tài sản của đám người tự xưng là nhân viên TPBank là không đúng quy định của pháp luật.
“Việc này xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích, tài sản hợp pháp của tôi được pháp luật bảo vệ, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, xâm phạm vào sự nghiêm minh của pháp luật hay nói cách khác là chà đạp lên pháp luật, dung túng cho hành vi cướp tài sản của công dân”, bà Vân nói.
Vì vậy, bà Vân khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án, đồng thời đề nghị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội sớm điều tra, xử lý “nhóm côn đồ” đã thực hiện hành vi cướp tài sản của tôi ra trước pháp luật theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Buộc trả lại và bồi thường thiệt hại về tài sản cho bà.
Trước đó, như đã thông tin, Theo bà Chu Thị Vân, vào chiều 7.8, khi bà đang điều khiển xe ô tô Mazda 3, BKS 30F - 301.06 tại địa bàn phường Nhân Chính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội thì bị một nhóm khoảng 20 người lạ mặt chặn và xích bánh xe lại.
“Dù không quen tôi nhưng nhóm người này bắt đầu chửi bới và yêu cầu tôi xuống xe để giao ô tô cho họ kiểm soát. Trong tình thế như vậy, tôi vô cùng sợ hãi nên phải gọi lực lượng 113 hỗ trợ. Sau đó, cả 2 bên được đưa về Công an phường Nhân Chính giải quyết sự việc”, bà Vân nói.
Theo đó, tại trụ sở Công an phường Nhân Chính, bà Vân được biết nhóm người kia là người của TPBank đi thu hồi nợ. “Tôi không nợ nần ai và không vay nợ gì của TPBank. Tôi đã có đơn trình báo và ghi lời khai tại Công an phường Nhân Chính về việc chiếc xe tôi đang đi là mượn của em trai tôi Chu Hữu Cường. Còn ông Cường mua xe và vay nợ thế nào tôi không biết”, bà Vân chia sẻ.
Cũng theo bà Vân, sau khi lập biên bản ngăn chặn, Công an phường Nhân Chính yêu cầu các bên ra về. “Tuy nhiên, những người này vẫn tiếp tục chửi bới, dọa dẫm, đòi thu xe của tôi. Họ luôn miệng chửi bới và dọa sẽ đánh, giết tôi nếu không giao xe. Họ còn dọa sẽ đến nhà hành hung các con cùng người thân của tôi. Tôi buộc phải để xe lại để thoát thân vì là phụ nữ, giữa đêm hôm bị dọa dẫm thì tôi không thể chống lại được”.
Bà Vân cho hay, ngoài xe ô tô trị giá 600.000.000 đồng, trên xe còn có số tiền mặt 200.000.000 đồng; 1 kính mắt trị giá 7.000.000 đồng; 1 dây chuyền vàng 30.000.000 đồng cùng nhiều giấy tờ.
Bà Vân cho rằng hành vi ngang nhiên cướp tài sản của nhóm côn đồ đã thể hiện sự hung hăng, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác. Hành vi nêu trên đã phạm vào tội cướp có tổ chức được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết ngân hàng có quyền tự mình thu giữ tài sản bảo đảm và tiến hành định giá, bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ mà không cần thông qua thủ tục khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, trước thời điểm thu giữ tài sản bảo đảm, ngân hàng phải gửi văn bản thông báo cho bên bảo đảm và UBND cấp phường, xã nơi tiến hành thu giữ tài sản.
Ông Hùng cho rằng, việc thu hồi tài sản hay nợ khi chưa có bản án quyết định của toà án chỉ được khi khách hàng đồng ý, tự nguyện giao tài sản và có thỏa thuận. Nếu khách hàng không đồng ý thì ngân hàng phải khởi kiện ra toà án để giải quyết theo đúng trình tự, không được ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản và làm công việc thay cơ quan nhà nước.
“Việc đàm phán, thu hồi nợ thì có quyền nhưng ngân hàng không có quyền cưỡng chế buộc giao tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa, uy hiếp vì hành vi này có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Do vậy việc ngân hàng có hành vi như trong đơn theo tôi là chưa tuân thủ pháp luật”, ông Hùng nói.
Hoài Lam