Tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200-3.500 USD.

Khó đạt mục tiêu GDP đầu người 3.200-3.500 USD vào 2020

22/10/2018, 20:09

Tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200-3.500 USD.

Nhiều mục tiêu không đạt - ảnh minh họa

Nhiều thành tựu, lắm thách thức

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, nổi bật là cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong 3 năm liên tiếp, thu hút FDI gia tăng...

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP chiếm 34%; năng suất lao động toàn nền kinh tế còn rất thấp so với các nước trong khu vực.

Ủy ban này nhận định, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành này đang dần chững lại. Đóng góp cũng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công với giá trị gia tăng thấp.

Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao và thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, còn tình trạng dư thừa cục bộ một số sản phẩm nông nghiệp tiếp tục đòi hỏi phải giải cứu. Xuất khẩu và bán lẻ còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa bền vững. Thu ngân sách cơ bản mới đủ cho chi thường xuyên, trả nợ lãi và một phần tích lũy cho đầu tư.

“Hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác, làm cơ cấu vận tải chưa dịch chuyển đúng hướng và tăng chi phí logistic cho doanh nghiệp. Theo đánh giá, một số chỉ tiêu đối với lĩnh vực giao thông vận tải khó hoàn thành vào năm 2020”, báo cáo nêu.

Cùng với đó, tình trạng vốn xây dựng cơ bản được phân bổ nhưng không giải ngân hết, làm giảm hiệu quả trong khi vốn đầu tư công còn hạn hẹp; giao vốn cho dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giao vốn ODA vượt kế hoạch.

“Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN vẫn chậm và chưa đạt được kế hoạch đề ra. Việc sử dụng vốn thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn từ DNNN chậm được triển khai làm tồn đọng vốn trong lúc vẫn phải phát hành trái phiếu Chính phủ để phục vụ đầu tư”, Ủy ban nêu.

Ngoài ra, việc cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này.

Mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu (gồm cả nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) xuống dưới 3% vào năm 2020 còn nhiều thách thức. Tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết dứt điểm.

Một số lĩnh vực chưa được cải thiện, nhiều chi phí tuân thủ hành chính còn rất cao. Tình trạng thanh tra chuyên ngành còn chồng chéo, nhiều lần trong một năm. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn còn kéo dài; một số vụ việc vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội chậm được xử lý.

Nhiều mục tiêu khó đạt

Đánh giá khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, ủy ban này cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019-2020 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2018.

Lý do là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019-2020 xuất phát từ phía cầu vẫn chủ yếu do tăng tiêu dùng nội địa, tăng xuất khẩu nhưng đầu tư trong nước có đóng góp đáng kể hơn, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, động lực tăng trưởng từ phía cung có sự dịch chuyển dần từ công nghiệp chế biến, chế tạo sang dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Năng suất lao động dần cải thiện hơn trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế do cân đối ngân sách sẽ khó khăn hơn, trong khi đầu tư từ các nguồn vốn khác dự báo cũng không tăng nhiều.

Kiểm soát lạm phát cũng có khả năng đối mặt với nhiều áp lực hơn. Mặc dù vậy, với chính sách điều hành chủ động và linh hoạt của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia nhận định có thể đạt được cơ bản các chỉ tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa chắc đã đạt được, đó là tỷ lệ GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2016-2018 chỉ tăng bình quân 4,7%/năm, năm 2018 ước đạt 2.540 USD/năm trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 là từ 3.200-3.500 USD.

Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng chậm, chỉ đạt 86%, trong khi mục tiêu đề ra là tỷ lệ này đạt 95% vào năm 2020; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân/năm giảm 0,5%, trong khi mục tiêu đề ra là 1-1,5%.

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ GDP năm cuối kỳ mới đạt 75,61% tăng không nhiều so với giai đoạn 2011-2015 (72,98%), trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 85%.

Bên cạnh đó, khi quan sát mức thay đổi điểm % tỷ lệ lao động qua đào tạo trong giai đoạn 2016-2018, cũng có ý kiến lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu này đến năm 2020.

Chỉ tiêu tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đến nay vẫn chưa có số liệu báo cáo, trong khi đó mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 95-100% (thực hiện của giai đoạn 2011-2015 là 86%).

Ngoài ra, thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó đạt mục tiêu GDP đầu người 3.200-3.500 USD vào 2020