“Dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo” theo mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được khởi động vào sáng 19.12.
Thành công dự án nhờ vai trò thương lái
Bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc – Giám đốc dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo (Công ty cổ phần chỉ số Nông nghiệp - Agri Index) cho biết, việc thành công của dự án chính là nhờ vai trò của thương lái hay còn gọi là doanh nghiệp thương mại.
“Khi nhận ra vài trò của doanh nghiệp thương mại, chúng tôi đã bắt đầu vận hành thử nghiệm dự án. Tính đến ngày 19.12, đã quy tụ được 125 đơn vị phía Nam và 8 đơn vị phía Bắc tham gia thử nghiệm các tính năng giao dịch trên sàn với khối lượng chào bán thử nghiệm do các doanh nghiệp đề xuất là 20.000 tấn/tháng với tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 40% và khả năng xử lý 100 giao dịch thành công/ngày”, bà Ngọc nói.
Bà Ngọc thông tin thêm, dự án sẽ chính thức hoạt động (dự kiến tháng 3.2023), hiện sàn thương mại giao dịch điện tử đang trong quá trình nộp hồ sơ xin cấp phép tại Cục kinh tế điện tử (Bộ Công thương).
“Khi sàn được cấp phép và chính thức đi vào hoạt động dự kiến sẽ là cầu nối cho 300 doanh nghiệp giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50 - 100% các giao dịch đều đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai và đúng pháp luật”, bà Ngọc nhận định.
Theo tìm hiểu, “Dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo” được ra mắt đầu tiên của Việt Nam, được hình thành với mục tiêu kết nối tất cả các thành phần tham gia trong vòng tuần hoàn lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung, với các đầu mối thương mại trên cả nước.
Khi dự án chính thức đi vào hoạt động sẽ vận hành với tên miền sanphamphupham.vn và tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn cho ngành lúa gạo và mang lại các lợi ích thiết thực cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn. Trong đó, nổi bật là việc cung cấp thông tin thị trường, xác lập uy tín giao dịch, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tối ưu chi phí kho bãi và vận chuyển, cung cấp các giải pháp tài chính đảm bảo giao dịch an toàn và đúng pháp luật.
Điểm khác biệt của dự án chính là 100% các đơn vị tham gia dự án đều được chuyên viên của Agri Index hỗ trợ xây hồ sơ năng lực và đảm bảo tính xác thực của nhu cầu mua và bán sản phẩm.
Tích hợp công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Bigdata) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người mua, người bán giao dịch hiệu quả hơn với các tính năng: Phân tích số liệu và dự báo thị trường; Đánh giá năng lực nhà cung cấp, gợi ý đơn hàng phù hợp, theo dõi vận đơn và tối ưu chi phí vận chuyển với mạng lưới đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển được phân bố tại các vựa gạo lớn của miền Tây.
Ngoài ra, khi sàn chính thức đi vào hoạt động còn cung cấp các dịch vụ như: giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ổn định hàng hóa, thanh toán linh động thông qua các gói đảm bảo tài chính từ ngân hàng liên kết.
Khởi động
Vào sáng 19.12, trong chuỗi sự kiện Mekong Start Up lần thứ 1 được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, "Dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo” theo mô hình kinh tế tuần hoàn đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được khởi động.
Phát biểu tại lễ công bố khởi động, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cao sự tuần hoàn trong các mối quan hệ, trong đó, đặc biệt là việc khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khi cùng nhau liên kết lại để làm ăn chung; câu chuyện ngoài kia gió đang thổi; tập trung phát triển yếu tố con người, vì con người tạo ra hạt gạo; cùng nhau bàn chuyện làm ăn, chuyện sống…
“Khi chúng ta thấy người Nhật, họ xem nông nghiệp là sự tôn sùng, đam mê, gửi hồn vào. Người nông dân chỉ tập trung vào việc chăm chút hạt gạo, sản xuất hữu cơ, sức khỏe của người tiêu dùng, từ đó làm ra hạt gạo chất lượng.
Vì vậy, chúng ta phải xây dựng “Thương hiệu” có nghĩa là “hiệu để người ta thương” làm nông nghiệp tử tế, làm ăn đàng hoàng, uy tín, cộng với việc tập trung vào sự đa dạng sinh học trong ngành nông nghiệp; áp dụng công nghệ vào kinh doanh để kết nối người cần mua và người cần bán thì sẽ giúp chúng ta tạo ra giá trị bền vững cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Được biết, buổi lễ khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo còn có hơn 40 doanh nghiệp đại diện cho 125 doanh nghiệp đến từ 14 tỉnh, thành trên cả nước đang hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh gạo, phụ phẩm gạo, các sản phẩm chế biến sâu như dầu cám gạo, trấu viên, doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản, doanh nghiệp tài chính, doanh nghiệp logistic... với cam kết đồng hành cùng dự án.