Tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện nhiều tranh luận nhằm tìm ra nhiều “vũ khí thương mại” chống lại Mỹ ngoài biện pháp thuế quan.
Tổng thống Donald Trump đầu tuần này ra lệnh áp thuế suất 10% với hàng hóa Trung Quốc có tổng giá trị 200 tỉ USD (có hiệu lực kể từ ngày 24.9).
Cùng với đợt đánh thuế 50 tỉ USD trước đó, gần một nửa hàng nhập khẩu từ cường quốc châu Á bị ảnh hưởng. Nhà lãnh đạo Mỹ còn đe dọa kích hoạt kế hoạch 267 tỉUSD, khiến toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc đều phải chịu thuế.
Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 5 -10% với 60 tỉ USD hàng Mỹ. Khi vòng đánh thuế này chính thức có hiệu lực, 110 tỉ USD trong tổng số 150 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ chịu thuế.
Nếu nền kinh tế châu Á muốn đánh thuế cả 40 tỉ USD hàng hóa còn lại, chủ yếu là sản phẩm quan trọng cho ngành sản xuất ví dụ như thiết bị bán dẫn, thì chính doanh nghiệp thuộc ngành chế tạo của họ sẽ chịu thiệt hại
Arthur Kroeber, đồng sáng lập công ty dịch vụ tài chính Gavekal, đánh giá những chiến thuật trước đây của giới lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm ngỏ ý nhập thêm một số mặt hàng của Mỹ, mời Tổng thống Trump sang thăm và nỗ lực đạt thỏa thuận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, đều thất bại.
“Trung Quốc sẽ đáp trả bằng thuế quan, làm khó doanh nghiệp Mỹ khi có thể, tiến hành một cuộc chiến làm suy yếu đối phương”, theo ông Kroeber.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại không có triển vọng sớm kết thúc và thuế quan sắp không sử dụng được, tại Trung Quốc bắt đầu xuất hiện tranh luận nhằm tìm ra “vũ khí” mới gây hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quan chức chính phủ cùng giới truyền thông Trung Quốc đã đề xuất một số biện pháp. Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc) ngày 19.9 vừa đăng một xã luận khẳng định Trung Quốc không thể trả đũa tương xứng với Mỹ về số lượng trong cuộc chiến thuế quan, nhưng có thể “chọn lựa từng trận chiến” và “đánh” theo cách của riêng mình.
Theo tờ báo này, cường quốc châu Á có thể áp mức thuế tương đối thấp với những nguyên vật liệu nhập từ Mỹ mà nước này khó tìm được nguồn cung thay thế. Tuy nhiên nguyên vật liệu có nguồn thay thế, xa xỉ phẩm, hàng tiêu dùng không thiết yếu cũng như sản phẩm chế tạo cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất Trung Quốc phải chịu mức thuế cao hơn.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vỹ trong một hội nghị doanh nghiệp hôm 16.9 từng phát biểu nước này có thể dùng hạn chế xuất khẩu mặt hàng có vai trò quan trọng với Mỹ như biện pháp đáp trả, bên cạnh thuế quan đã áp đặt.
Ông cho biết: “Chúng ta có thể chọn những mặt hàng mà Washington không đưa vào danh sách áp thuế bổ sung, hoặc những mặt hàng được đưa ra khỏi danh sách sau khi có sự phàn nàn của các doanh nghiệp Mỹ”.
Trong kế hoạch 200 tỉ USD, nỗ lực vận động hành lang của doanh nghiệp Mỹ đã giúp gần 300 loại hàng hóa Trung Quốc ra khỏi danh sách bị đánh thuế, trong đó có kim loại đất hiếm. Ngoài ra còn có đồng hồ thông minh, thiết bị Bluetooth, sản phẩm y tế, mũ bảo hiểm, ghế cho trẻ em,…
“Không ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại, nhưng với những sản phẩm xuất khẩu này thì thiệt hại biên sai (thiệt hại do không bán được hàng) của Trung Quốc sẽ ít hơn nhiều so với Mỹ”, theo cựu Bộ trưởng Lâu.
Bên cạnh đó, Nhân dân Nhật báo còn cho rằng Trung Quốc có thể tranh thủ chiến tranh thương mại để thay thế hàng ngoại nhập bằng hàng nội địa.
Phần lớn thuế trả đũa của Bắc Kinh đều nhắm vào sản phẩm nông nghiệp và năng lượng, vốn được sản xuất tại những tiểu bang ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Nhà lãnh đạo này mới đây chỉ trích Trung Quốc cố gắng tác động cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới bằng cách gây thiệt hại cho những người ủng hộ ông. Ông đe dọa sẽ nhanh chóng tiến hành đáp trả bằng kinh tế.
Cẩm Bình (theo SCMP)