Cử tri kiến nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; phải ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để cán bộ vi phạm phân tán tài sản cho người nhà.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15.
Cử tri kiến nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; phải ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để cán bộ vi phạm phân tán tài sản cho người nhà.
Trả lời cử tri vấn đề này, TTCP cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp với thực tiễn Việt Nam; nghiên cứu đề xuất cơ chế xử lý hình sự với hành vi làm giàu bất hợp pháp nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng; hoàn thiện quy định nhằm tăng cường thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án…
Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. TTCP đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong phòng chống tham nhũng nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 56 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Cử tri cũng kiến nghị áp dụng hình thức xử lý cao hơn, nặng hơn và nhanh chóng hơn với những trường hợp cố ý làm trái để trục lợi đối với cán bộ tham nhũng.
TTCP cho rằng người có hành vi tham nhũng giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Người có hành vi tham nhũng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng… thì được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
“Việc xử lý các hành vi này theo pháp luật hiện hành là rất nghiêm khắc và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân người vi phạm. Một số hành vi vi phạm được quy định trong luật thì người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình”, TTCP nêu.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra đã triển khai gần 3.300 cuộc thanh tra hành chính và hơn 80.700 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Các đơn vị phát hiện vi phạm về kinh tế khoảng 31.000 tỉ đồng, 1.760 ha đất và đã kiến nghị thu hồi hơn 7.000 tỉ đồng và 644 ha đất.
Cơ quan thanh tra cũng ban hành 65.800 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với 2.500 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 851 tập thể và 2.000 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 132 vụ, 63 đối tượng.
Nhờ các biện pháp nói trên, Thanh tra Chính phủ đánh giá kết quả thu hồi tài sản “năm sau cao hơn năm trước”. Dù vậy, cơ quan này nhận định, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là “một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng”.
Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do “số tiền phải thu hồi rất lớn, song người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu...
Ngoài ra, còn có vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn…”.