Đại biểu quốc hội đề nghị không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các cổ vật, bảo vật để bảo vệ (mà chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước) để khuyến khích họ tham gia hồi hương cổ vật.
Theo dòng thời sự

Không nên đánh thuế nhà sưu tập tư nhân khi hồi hương bảo vật quốc gia

Sơn Lam 29/10/2024 15:07

Đại biểu quốc hội đề nghị không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các cổ vật, bảo vật để bảo vệ (mà chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước) để khuyến khích họ tham gia hồi hương cổ vật.

Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Băn khoăn áp thuế GTGT 5% với phân bón

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thời gian qua.

Điều này đặt trong xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới từ 2015 đến trước thời điểm dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp trong nước lỗ lớn, phải thu hẹp sản xuất. Ngược lại, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào.

Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

manh-1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo

Ông Mạnh cho biết có ý kiến lo ngại khi chuyển phân bón sang chịu thuế 5% thì người nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, nếu các doanh nghiệp trong nước cấu kết với tư thương bán hàng nhập khẩu, nâng giá bán gồm cả phần thuế GTGT phải nộp làm tăng mặt bằng giá phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Mạnh, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế GTGT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.

Đại biểu Bình cho rằng trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là cần thiết. Nếu áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá thành nông sản tăng, có thể giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón trên thị trường và điều này sẽ tác động không nhỏ đến ngành nông nghiệp và người nông dân. Trong khi đó, ngành nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn bấp bênh, đầu ra sản phẩm nông nghiệp vẫn còn cạnh tranh khó khăn với các sản phẩm nước ngoài.

Đề xuất miễn thuế nhập khẩu với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Bàn về chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với di vật, cổ vật, và bảo vật quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) cho rằng việc miễn thuế cho các đối tượng này là cần thiết để khuyến khích hồi hương tài sản văn hóa có giá trị của Việt Nam.

manh-dong-3.jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) phát biểu

Đại biểu cho hay hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các cổ vật có giá trị để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, dự thảo luật hiện nay chỉ miễn thuế GTGT cho di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu mà bỏ qua đối tượng là tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Đông nhấn mạnh việc hồi hương các cổ vật về Việt Nam, đặc biệt là các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, chứng minh được những giá trị văn hóa dân tộc lịch sử truyền thống của dân tộc thì nhà nước hay tư nhân đều được hưởng vì những người quan tâm, đầu tư cho đối tượng này đã là những người yêu văn hóa, tâm huyết với văn hóa.

“Họ mong muốn đưa những giá trị văn hóa đó về với lại quốc gia, dân tộc của mình để xác định chủ quyền văn hóa đối với những sản phẩm, những di vật cổ vật đó, điều đó cần phải khuyến khích”, đại biểu Đông nêu.

Theo đó, đại biểu của Bạc Liêu đề nghị ưu đãi theo mức không đánh thuế đối với các nhà sưu tập tư nhân khi họ hồi hương các di vật cổ vật để bảo vệ và chỉ đánh thuế khi họ buôn bán trong nước để khuyến khích họ tham gia cùng với nhà nước để đưa di vật cổ vật đó hồi hương.

Đại biểu Đông cũng lưu ý cần tránh tư duy không quản được thì cấm, tạo nên những rào cản cho các tổ chức, cá nhân thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa.

Sàn giao dịch điện tử nộp thuế thay cho người kinh doanh

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) bày tỏ quan tâm về quy định nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại khoản 5 điều 4.

Trước ý kiến cho rằng quy định này sẽ đặt thêm gánh nặng cho các sàn giao dịch điện tử, ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, đại biểu Hiếu nêu quan điểm rằng quy định này có những điểm hợp lý.

manh-hieu-2.jpg
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)

Theo ông Hiếu, về mặt kỹ thuật, các nhà quản lý sàn giao dịch điện tử, nhà quản lý nền tảng số có điều kiện thuận lợi nhất trong việc nắm giữ thông tin, dữ liệu về các giao dịch thông qua sàn giao dịch của mình.

Thêm vào đó, ông Hiếu đánh giá quy định này đúng là có thể đặt ra những gánh nặng chi phí cho các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ làm giảm chi phí của toàn xã hội trong việc kê khai, nộp thuế, quản lý thuế, đặc biệt là khi có sự kết nối dữ liệu giữa người nộp thuế, sàn giao dịch thương mại điện tử và cơ quan thuế.

“Việc thực hiện theo phương thức này đang là xu thế trong việc phát triển thương mại điện tử ở các nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cần có những quy định cụ thể về lộ trình triển khai thực hiện cụ thể, bảo đảm phù hợp với việc triển khai kết nối, hoàn thiện các hệ thống thông tin; hỗ trợ các sàn giao dịch điện tử thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Hiếu nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không nên đánh thuế nhà sưu tập tư nhân khi hồi hương bảo vật quốc gia