Đó là một trong những quy định mà Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đưa vào trong nội quy, quy chế của đơn vị mình nhằm đảm bảo môi trường làm việc không khói thuốc lá.
Chi hơn 2,3 tỉ đồng để phòng, chống hút thuốc lá
Tại Hội nghị triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2018 ở TP.HCM hôm 20.3, ông Huỳnh Ngọc Thành – Phó giám đốc Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM) cho biết trong năm 2018 này, các quận – huyện sẽ chi hơn 2,3 tỉ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; riêng TP sẽ chi khoảng 650 triệu để phục vụ cho công tác này.
Trong số hơn 2,3 tỉ đồng chi cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại 24 quận – huyện thì chi tổ các lớp chức tập huấn tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của quận- huyện và phường – xã là cao nhất, chiếm đến hơn 1 tỉ đồng; kế tiếp là chi tập huấn cho giáo viên các trường học: 342.240.000 đồng; chi tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình nhà hàng-khách sạn không khói thuốc: 342.240.000 đồng; chi truyền thông cho cộng tác viên, điều hành khu phố và cộng đồng dân cư: 215.040.000 đồng...
Ông Thành cho biết mục tiêu trong năm 2018 này 100% quận – huyện tự tổ chức giám sát kiểm tra quy định phòng chống tác hại thuốc lá trong nội bộ và địa phương; 97% người dân trong cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 70% người dân trong cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra và 65% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Trước mắt để đảm bảo không khói thuốc lá trong các phường - xã và cộng đồng dân cư, bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, phụ trách chương trình phòng chống tác hại thuốc lá TP.HCM (Trung tâm Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe TP.HCM) đề nghị UBND các phường-xã khi tổ chức các buổi sinh hoạt, hội họp, đám tiệc... không mua thuốc lá đãi và không hút thuốc lá trong những hoạt động trên.
“Chủ tịch phường-xã phải vận động người kết hôn, khai tử... thực hiện không hút thuốc lá trong đám tiệc, đám tang của gia đình mình”, ông Hiệp nói.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề nghị các địa phương phải xây dựng 7 nhóm nội dung tập huấn truyền thông phổ biến về phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó tập trung truyền thông, phổ biến về tác hại thuốc lá; xây dựng các mô hình không thuốc lá, khói thuốc lá; cai bỏ thuốc lá; xử phạt về phòng chống tác hại thuốc lá...
Xử lý cả trường hợp không nhắc nhở người vi phạm hút thuốc
Theo ông Hiệp, điểm yếu lâu nay trong việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá chính là công tác giám sát và xử phạt. Hiện nay mức xử phạt cho hành vi hút thuốc là còn quá thấp, chỉ từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng đối với các cá nhân vi phạm hút thuốc lá; còn đối với các đơn vị thì chỉ từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, trong khi đó việc giám sát thì còn quá lỏng lẻo.
Trong năm 2017 vừa qua, TP.HCM chỉ mới xử phạt được 6 cá nhân vi phạm về hút thuốc lá với mức phạt mỗi người 200 nghìn đồng và 3 đơn vị.
“Trong thời gian tới ngoài kiểm tra định kỳ, chúng ta cần tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm ra ngoài giờ”, ông Hiệp cho biết.
Ông Hiệp cho biết các cơ quan, đơn vị phải xây dựng nội quy, quy chế nội bộ không khói thuốc lá. Trong đó phải quy định rõ nghiêm cấm uống rượu bia, hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan, đơn vị đối với tất cả công chức, viên chức, người lao động và khách.
Đối với xây dựng nội quy không khói thuốc lá, ông Hiệp lưu ý các cơ quan, đơn vị chú ý đến việc xử lý, chế tài. “Việc xử phạt, chế tài không chỉ thực hiện đối với cán bộ, viên chức, người lao động vi phạm hút thuốc lá nơi cấm mà cả với cán bộ, viên chức, người lao động thấy người vi phạm hút thuốc lá nơi cấm mà không nhắc nhở cũng phải xử lý”, ông Hiệp đề nghị.
Để giám sát hành vi hút thuốc lá trong các cơ quan, đơn vị, ông Hiệp đề nghị ngoài phân công các tập thể (phòng, đội, tổ...) phụ trách giám sát ở từng khu vực trong đơn vị nên giao cho các viên chức, công chức, người lao động giám sát, nhắc nhở đồng nghiệp, nhắc nhở khách vào cơ quan... không được hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong khuôn viên, khi phát hiện có hành vi hút thuốc lá.
“Tuy nhiên chìa khóa để loại bỏ thuốc lá ra khỏi đời sống chính là các địa phương phải có kế hoạch và tổ chức thực hiện vận động người dân cai nghiện thuốc lá. Để người dân cai nghiện thuốc lá thành công ngoài sự hiểu biết, lòng quyết tâm của họ cần phải có sự hỗ trợ của những người làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá”, ông Hiệp chia sẻ.
Hồ Quang