Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Duke (Mỹ) chỉ ra rằng mức độ hiệu quả trong giảm nguy cơ lây lan COVID-19 của các khẩu trang làm từ vật liệu khác nhau là không giống nhau, thậm chí có loại còn phản tác dụng.
Họ xem xét 14 loại: khẩu trang phẫu thuật 3 lớp, khẩu trang N95 có van thở, khẩu trang vải dệt kim, khẩu trang vải polypropylene 2 lớp, khẩu trang kết hợp vải cotton và polypropylene, khẩu trang Maxima AT 1 lớp, khẩu trang vải cotton 2 lớp kiểu nếp gấp (phân thành 3 loại riêng), khẩu trang vải cotton 2 lớp kiểu Olson, khẩu trang vải cotton 1 lớp kiểu nếp gấp, khăn che từ cổ lên mặt, khăn vuông 2 lớp, khẩu trang N95 không van thở.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm nhà khoa học sử dụng hộp đen phủ tia laser và có máy quay điện thoại. Một người đeo khẩu trang nói chuyện vào hộp, máy quay sẽ ghi lại lượng giọt bắn.
Kết quả cho thấy khẩu trang N95 - loại không van thở ngăn được 95% tác nhân cực nhỏ xâm nhập hoặc thoát ra ngoài - hiệu quả nhất. Khẩu trang phẫu thuật 3 lớp và khẩu trang vải cotton tự làm cũng có tác dụng.
“Khẩu trang vải cotton che phủ tốt, ngăn được lượng giọt bắn đáng kể khi trò chuyện thông thường”, theo nhóm nghiên cứu.
Khăn vuông 2 lớp, khẩu trang dệt kim nhìn rất thời trang nhưng hầu như chẳng ngăn được bất kỳ giọt bắn nào. Khăn che từ cổ lên mặt tệ hơn cả việc không đeo khẩu trang.
Cụ thể, khăn che từ cổ lên mặt khiến giọt bắn lớn chạm vào vỡ thành giọt bắn nhỏ. Vì giọt bắn nhỏ tồn tại trong không khí lâu hơn, lại bị khăn che giữ lại, do đó phương thức che chắn này thực sự phản tác dụng.
Nhóm nhà khoa học Đại học Duke muốn thông qua nghiên cứu giúp đỡ mọi người chọn đúng khẩu trang. Họ cũng nhấn mạnh trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị và vắc xin ngừa COVID-19 chưa được phổ biến rộng rãi thì cách bảo vệ tốt nhất vẫn là đeo khẩu trang.
Cẩm Bình (theo Daily Mail)