Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng tăng giá, thiếu hàng dịp tết.

Không tăng giá, không thiếu hàng tết

Tuyết Nhung (tổng hợp) | 03/01/2022, 07:30

Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng tăng giá, thiếu hàng dịp tết.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dự kiến sức mua những tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

untitled.png
Doanh nghiệp cung ứng đầy đủ hàng tết phục vụ người dân

Hàng năm, hàng hóa chuẩn bị cho dịp tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng tăng giá, thiếu hàng dịp tết.

Tại phía Nam, theo Vụ Thị trường trong nước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua của người dân bị ảnh hưởng sau dịch bệnh, lượng hàng chuẩn bị dự trữ tăng ít (khoảng 2-3%), có mặt hàng không tăng so với năm trước. Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung dự trữ nhóm hàng thiết yếu.

Căn cứ diễn biến cung cầu hàng hóa trên thị trường hàng ngày, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng nhập để đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân và hạn chế chi phí hủy hàng tươi sống do cung vượt cầu.

Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp tết. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý...

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, (trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ).

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.

Các doanh nghiệp hiện đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ để phục vụ người dân. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguồn hàng Tết Nguyên đán 2022 được các doanh nghiệp dự trữ có giá trị lên tới trên 19.000 tỉ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu khác. Trong đó, riêng nguồn hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá của 80 doanh nghiệp với cam kết không tăng giá trong dịp Tết, lên đến 7.110 tỉ đồng. Song song với cam kết bình ổn giá, các doanh nghiệp cũng thông tin sẽ có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại để kích thích tiêu dùng.

Sở Công Thương Bình Dương cho biết, theo kế hoạch, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 5.671 tỉ đồng, không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch, sinh phẩm test nhanh… Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán khoảng 2.077 tỉ đồng.

Tại tỉnh An Giang, hiện nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích khá dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân; đã có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 451 điểm bán hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỉ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước.

TP.Đà Nẵng đã giao cho 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia dự trữ; thương nhân kinh doanh tại 4 chợ thuộc sở, các chợ trên địa bàn quận, huyện và hệ thống thương nhân tại các tuyến phố trên địa bàn tham gia dự trữ 165,6 tấn gạo, nếp các loại; 3.385 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 1.400 tấn); 1.997 tấn rau củ quả các loại; hơn 36.248 tấn thực phẩm đóng hộp, 996 tấn thực phẩm khô, 515 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại... giá trị khoảng gần 819 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, đã có 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện 18.000 tỉ đồng (kế hoạch 5.600 tỉ đồng); đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán để người dân được mua sắm tiện lợi. Các nhóm hàng cần bảo đảm cung cầu trong dịp Tết là các thực phẩm thiết yếu, như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi... cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như nông sản, lâm sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy...

Theo Chỉ thị 12, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa. Qua đó, các địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng và sốt giá vào dịp cuối năm và Tết Nhâm Dần 2022. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị các Sở Công Thương chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa tết theo các cấp diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng cam kết không tăng giá vô lý, nhằm phục vụ người dân mua sắm để đón Tết Nhâm Dần an toàn, tiết kiệm.

Bài liên quan
Dự báo ca nhiễm tăng mạnh dịp tết, Hà Nội xây dựng kịch bản ứng phó khi có 100.000 ca
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết trước thực tế tốc độ lây lan rộng, dự báo ca bệnh COVID-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó thành phố đề nghị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không tăng giá, không thiếu hàng tết