Không ít lãnh đạo địa phương, cấp cơ sở biểu hiện tư duy cục bộ, chống dịch cực đoan, sợ trách nhiệm hơn là dám nhận lãnh trách nhiệm để giúp dân.
Suốt thời gian chống dịch COVID vừa qua ngoài sự mất mát đau thương quá lớn không ai muốn, nhưng rõ ràng cần rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo và triển khai thực hiện để đừng tái diễn kiểu “nghe nhầm”: Gom hết FO đi cách ly tập trung” đã khiến hệ thống y tế quá tải. Một bài học khác cũng không hề mất tính thời sự mà ngày càng nóng hổi tính thời sự, đó là tính thông suốt của chỉ đạo từ trên xuống dưới bị lướng vướng, thậm chí tắc nghẽn do kiểu “tư duy lãnh địa”, thể hiện “cát cứ”.
Lãnh đạo cuộc chiến chống dịch “như chống giặc” là một Trưởng ban được xem như Tổng tư lệnh mặt trận: Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nhưng có những chỉ đạo ban ra bằng văn bản, công điện khần cấp, hoặc chỉ đạo miệng từ các buổi họp trực tuyến đã không được triển khai, thực hiện một cách đồng bộ, thông suốt từ cấp tỉnh, thành xuống quận, huyện, phường, xã… nên đã diễn ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khiến cấp thừa hành lúng túng, thậm chí hiểu sai, thực hiện sai.
Người dân đã khốn khổ trong phòng chống dịch, lại khó khăn hơn trong việc chấp hành bởi các văn bản, chỉ thị khó hiểu, hoặc… hiểu thế nào cũng được. Cuối cùng là gì? Là người dân cảm thấy mình như “dịch” mà “chống dịch như chống giặc”, tức người dân bị coi như “giặc”. Việc này thể hiện bới các giấy phép con như “Giấy đi đường”, rồi người dân về quê bị chặn lại ở các chốt, địa phương không tiếp nhận người về quê…
Ở những nơi cách ly bị giăng dây, đóng chốt, nôm na là phong tỏa nội bất xuất, ngoại bất nhập không hiểu sao lại có các kiểu phong tỏa khác nhau. Nhiều nơi đóng chốt, giăng dây kiên cố bằng rào chắn bê tông, thùng phuy, kẽm gai còn hơn cả lô cốt thời chiến. Kiểu tư duy chống dịch bằng lô cốt càng khiến dân cảm thấy bị áp lực đè nặng, tâm lý hoang mang hơn sợ con vi rút vô hình không nhìn thấy được.
Trong lúc đó thì lãnh đạo địa phương, cấp cơ sở thì rõ ràng biểu hiện tư duy chống dịch cực đoan, sợ trách nhiệm hơn là dám nhận lãnh trách nhiệm để giúp dân. Ngược lại có lãnh đạo cấp tỉnh, thành thì lơ mơ đến nỗi trong buổi họp trực tuyến thủ tướng phải gay gắt phê: “Anh làm gì mà địa phương từ vùng xanh rờn giờ chuyển sang đỏ quạch”!
Thời điểm này công cuộc phòng chống dịch đã sang giai đoạn nới lỏng giãn cách, mở cửa, từng bước khôi phục kinh tế, tư duy đuổi bắt FO đã chuyển sang “sống chung lâu dài, an toàn với dịch”. Tư duy mới, quan điểm mới xuất phát từ thực tiễn đã được thống nhất trong chỉ đạo, triển khai thực hiện từ “Tổng tự lệnh” mặt trận chống dịch nhưng lại vẫn chưa thông suốt, bị tắc nghẽn.
Nội chuyện mở đường quốc nội với một số tỉnh, thành có nơi chấp thuận có nơi không. Có nơi áp dụng thẻ xanh vắc xin chỉ xét nghiệm chứ không cách ly, có nơi buộc phải cách ly 7 ngày với đủ thứ rắc rối. Chính vì tư duy không thông suốt, sinh ra sợ trách niệm nên đẻ ra “lãnh đạo cát cứ”, tự cho mình là “lãnh địa” riêng nên Thủ tướng Phạm Minh Chính mới chỉ đạo tiếp để thông suốt, gỡ vướng, tháo chốt, giải tỏa ách tắc: ”Giao thông thống nhất, các địa phương không ban hành giấy phép con, cát cứ”.
Nhìn lại cuộc chiến chống dịch vừa qua và chưa phải đã chấm dứt người dân bị áp lực không phải do tâm lý hoang mang vì con vi rút quá nguy hiểm mà chính vì sự không thông suốt, nhất quán trong lãnh đạo ở cấp địa phương và kiểu tư duy chống dịch “lãnh địa”, “cát cứ” như thủ tướng đã chỉ ra.
Sẽ rất đáng mừng nếu các lãnh đạo địa phương biết vận dụng linh hoạt các chỉ thị của chính phủ, đồng thời lắng nghe phản biện từ các nhà khoa học để từ đó đề ra những biện pháp chống dịch thiết thực không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, tạo sinh kế tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”