Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết,
công ty Liên Kết Việt đã được Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy phép bán hàng đa cấp vào ngày 10.2.2014. Tuy nhiên, từ 1.7.2014, nghị định về quản lý bán hàng đa cấp đã được Thủ tướng chính phủ ban hành và giao lại trách nhiệm cấp giấy phép về kinh doanh bán hàng đa cấp cho Bộ Công thương. Ở đây, đầu mối trực tiếp là Cục Quản lý Cạnh tranh nên có thể nói, nghị định này đã giúp cho việc sàng lọc các công ty kinh doanh đa cấp.
Kinh doanh đa cấp hoạt động phổ biến trên toàn thế giới. Đơn cử: Malaysia, Chính phủ đã cấp cho hơn 1.000 công ty kinh doanh đa cấp, Thái Lan có khoảng 500 công ty đa cấp, Đài Loan có khoảng hơn 700 công ty. Ở Việt Nam hiện có khoảng 65 công ty. Như vậy, về số lượng, Việt Nam đang siết rất chặt hoạt động này dù đây là một hoạt động được luật pháp thừa nhận.
Cục Quản lý Cạnh tranh đã cấp lại giấy phép cho công ty Liên Kết Việt vào ngày 22.12.2014, đến ngày 15.7.2015, Cục Quản lý Cạnh tranh đã trực tiếp đi kiểm tra hoạt động của công ty này và phát hiện những vi phạm liên quan đến các nội dụng của hoạt động kinh doanh đa cấp như: vi phạm việc thông báo các thông tin liên quan đến hoạt động đa cấp, không cập nhật, sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của sản phẩm.
Phát biểu về trách nhiệm của Bộ Công thương trong vụ việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: "Theo quy định, Bộ Công thương đã quản lý hết sức nghiêm khắc những hành vi vi phạm của công ty Liên Kết Việt và đã xử phạt về vi phạm hành chính là 570 triệu đồng. Sau khi tiếp tục theo dõi, trong quá trình công ty hoạt động, Bộ Công thương đã phố hợp với Bộ Công an để xử lý, trong đó có C46, đã trực tiếp vào công ty và phát hiện ra những vi phạm"
"Như vậy, một doanh nghiệp mới chỉ hoạt động 7 tháng thôi mà đã bị Bộ Công thương, cụ thể là Cục Quản lý Cạnh tranh, đến trực tiếp kiểm tra và cũng ngay lập tức công ty này bị xử phạt 570 triệu thì không thể nói là Bộ Công thương đã hành động chậm trễ. Theo đúng quy định của pháp luật là nghị định 42 của Chính phủ, thì chưa đến 1 năm Bộ Công thương đã xử lý kịp thời các hoạt động của công ty Liên Kết Việt. Như vậy, Bộ cũng đã chủ động xử phạt, thực hiện đúng nghị định 42, ngoài chức năng quyền hạn của mình thì Bộ cũng đã phối hợp với các cơ quan khác như : Bộ Công An mà trực tiếp là C46", Thứ trưởng Hải cho hay.
Về Quản lý cạnh tranh, cơ quan này đã phân cấp tới các chính quyền địa phương, với đầy đủ bộ máy, ví dụ như: Sở Công thương, lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an và nhiều lực lượng khác…
"Thêm vào đó, chúng tôi cũng rà soát lại xem có khe hở nào trong những quy định của pháp luật bị lợi dụng, mà trực tiếp ở đây là công ty Liên Kết Việt. Chúng tôi khẳng định, Công ty liên kết Việt có hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là hành vi lừa đảo và đây cũng là tội danh mà C46 đã khởi tố để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Hải khẳng định.
Vừa qua, một số đối tượng trong công ty Liên kết Việt đã bị bắt. Trong 1.900 tỉ đồng lừa đảo này thì ông Lê Xuân Giang, chủ tịch HĐQT công ty Liên Kết Việt không phải là người nắm tất cả số tiền này, mà trong quá trình trao đổi, số tiền này cũng đã được dùng chi hoa hồng rất nhiều, qua nhiều cấp và khi tới cấp trên thì số tiền đó sẽ được giới hạn ở mức nhất định, còn chính xác là bao nhiêu thì cơ quan chức năng sẽ có kết luận cuối cùng, Thứ trưởng Hải cho biết.
"Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng trên toàn quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng (trong việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp). Tôi hy vọng những ai tham gia vào hoạt động đa cấp cũng phải nhìn rõ xem hoạt động đa cấp đó với những sản phẩm đó liệu có xâm hại quyền lợi của chính mình hay không. Nếu hành vi nào chưa đúng quy định thì phải thông báo cho cơ quan chức năng như: Bộ Công thương…để có thể ngăn những hành vi tương tự, xâm hại vào quyền lợi hợp pháp của những người tham gia", Thứ trưởng nói.
Tuyết Nhung