Để phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp...
Câu chuyện văn hóa

Khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa

Lam Thanh 22/12/2023 10:57

Để phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp...

Tại hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng 22.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Công nghiệp văn hóa đóng góp ngày càng lớn vào GDP

Nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Thủ tướng cho biết trên thế giới sự phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.

Thủ tướng cho rằng để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động.

“Đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - cạnh tranh", trên nền tảng văn hóa "dân tộc - khoa học - đại chúng" của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng đề nghị cần nêu rõ giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay; giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng; chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn…

hung-2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chiến lược 1755), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết các ngành công nghiệp văn hóa có nhiều đóng góp vào GDP.

Cụ thể, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755: năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong thời kỳ từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng (44 tỉ USD).

Ngoài ra, với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành, cơ cấu vùng kinh tế; các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở cả 12 ngành (thời kỳ 2018-2022: Đối với kiến trúc: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%; Đối với thiết kế: giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%; Đối với thời trang: giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%; Đối với điện ảnh: giá trị gia tăng bình quân 7,94%...).

Công nghiệp văn hóa cũng có nhiều đóng góp trong công tác quảng bá hình ảnh, bản sắc Việt Nam:

“Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong đó, Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc và Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian”, ông Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Hùng, sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Nhiều điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp văn hóa

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết hiện nay chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa; thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Về nguồn nhân lực, ông Hùng đánh giá rằng còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.

hung-1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Chưa kể, nội dung, hình thức các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa (phần mềm, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, kiến trúc, thời trang…) chưa thực sự khai thác được hết các đặc trưng văn hóa bản địa để tạo sự độc đáo, tạo lợi thế cạnh tranh, hấp dẫn khách hàng.

Đáng lưu ý, một số bộ phận doanh nghiệp và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; việc vi phạm và xâm phạm thời gian qua đã tác động trực tiếp đến những người làm sáng tạo, các nhà đầu tư.

“Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Lý do là nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hóa”, ông Hùng nêu.

Ông Hùng cho biết thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, "khơi thông" nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa