Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, có nhiều thách thức đối với ngành bia, rượu trong 2020 và những năm tới.

Kịch bản nào cho ngành bia, rượu Việt Nam những năm tới?

Lam Thanh | 20/11/2020, 17:20

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, có nhiều thách thức đối với ngành bia, rượu trong 2020 và những năm tới.

Giảm thu ngân sách khoảng 30.000 tỉ

Ông Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đặt ra các quy định chặt chẽ hơn với tiếp thị và quảng cáo bia, cũng như áp dụng các hình phạt nặng hơn khi điều khiển phương tiện giao thông dưới ảnh hưởng của bia, rượu.

“Quan sát tác động của Nghị định 100, cho thấy lưu lượng khách đến các quán ăn giảm rõ rệt và người dân có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như nước suối, nước có ga...”, ông Long nói.

Theo ông Long, thách thức lớn thứ hai lên toàn bộ các ngành sản xuất kinh doanh là COVID-19. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, dịch bệnh còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Việc đóng cửa hàng loạt địa điểm kinh doanh trên toàn quốc thời COVID-19 khiến việc tiêu thụ bia rượu “đóng băng”.

ngo-trilong.jpg
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - Ảnh: Dân Việt

Trước tác động kép từ dịch bệnh và Nghị định 100, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có cồn, nhất là với rượu, bia sụt giảm mạnh. Sản lượng bia toàn quốc trong quý 1/2020 giảm 19%, trong khi năm 2019 tăng trưởng gần 10%. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động ở các doanh nghiệp sản xuất và các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch khác.

Dự báo, việc giảm sản lượng tiêu thụ bia rượu nước giải khát có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng trong 2020 gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất bia rượu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có liên quan đến bia rượu.

“Ngành bia rượu Việt Nam chịu sự chi phối và kiểm soát của Nhà nước với các chính sách tuyên truyền, tác động làm giảm tiêu thụ rượu bia và nổi bật nhất là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặc dù mang lại nguồn thu thuế dồi dào cho ngân sách nhà nước, ngành bia cũng như toàn ngành đồ uống có cồn được nhận định là có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội. Do vậy, Chính phủ cũng như nhiều tổ chức xã hội đã có nhiều hoạt động để hạn chế tăng trưởng của ngành bia”, ông Long chia sẻ.

Bia không cồn là cơ hội

PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng chuỗi giá trị ngành bia Việt Nam bắt đầu bằng việc nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia sản xuất chính tại châu Âu, Úc… khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chủ động nguồn cung và phải chịu rủi ro tỷ giá, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.

“Không chỉ gặp cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất trong nước, bia Việt còn phải cạnh tranh với các loại bia nhập khẩu đang ồ ạt tiến vào thị trường. Trong những năm tới đây, do thị hiếu người tiêu dùng trong nước thay đổi, các loại bia mới, đặc biệt là bia nhập khẩu trong phân khúc cao cấp, sẽ hiện diện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam, tạo áp lực lên các loại bia sản xuất trong nước”, ông Long nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói vẫn có cơ hội cho sự phát triển của ngành bia - rượu Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu Việt Nam cũng thuộc hàng nhanh nhất châu Á.

Cùng với đó, tiềm năng lớn của phân khúc “bia không cồn”, được xem là chìa khoá giúp tháo gỡ Nghị định 100 về về sức khoẻ và an toàn lái xe hiện nay. Bia không cồn hứa hẹn mở ra một tương lai đầy triển vọng cho ngành bia tại Việt Nam.

“Điểm hấp dẫn là phân khúc này còn khá non trẻ. Số thương hiệu bia không cồn trên thị trường Việt Nam cho đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, đây hẳn sẽ là sản phẩm cho nhiều thương hiệu bia trong tương lai”, ông Long nêu.

Ông Long cũng cho rằng ngành này có tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Các nước ASEAN hay Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam với mức tiêu dùng thực phẩm, đồ uống tăng mạnh.

Kịch bản phát triển nào cho ngành bia, rượu?

Theo ông Ngô Trí Long, kịch bản sự phát triển ngành bia rượu trung và dài hạn của cho ngành bia rượu trong thời gian tới phụ thuộc vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế quý 3.2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế năm 2020. Vì vậy, Việt Nam có các yếu tố thuận lợi như tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên dự kiến thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quý 4.

Khu vực sản xuất có những tín hiệu khả quan, xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá tốt hơn trong những tháng cuối năm thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho việc tái sản xuất; chính sách kích cầu trong nước và khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công hỗ trợ phát triển kinh tế… Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5 - 3%. Sang năm 2021, các tổ chức trong nước và quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trở lại và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, trong miền từ 6,3 - 11,2%.

Với sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo, nếu dịch bệnh trong nước được kiểm soát và thế giới đẩy lùi, cùng với việc thực hiện Luật phòng chống rượu bia thì kịch bản sự phát triển trung hạn của ngành bia rượu sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng khoảng 3-3,5%, không như 5 năm gần đây (6,6%). Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, kịch bản sự phát triển của ngành bia rượu phục hồi chậm và tăng trưởng khoảng 2-2,5%.

Ông Long nhấn mạnh, ảnh hưởng của COVID-19 chắc chắn sẽ cần một thời gian khá dài để doanh nghiệp phục hồi về thời điểm trước dịch. Do đó cần có sự chuẩn bị kịch bản sống chung với COVID-19 trong 1-2 năm tới khi chưa thể biết chính xác khi nào đại dịch mới kết thúc.

“COVID-19 xuất hiện làm mọi thứ xáo trộn. Trong trạng thái bình thường mới sẽ xuất hiện và các doanh nghiệp bia rượu chuẩn bị sẵn sàng. Nếu dịch tiếp diễn, nhiều hoạt động kinh doanh sẽ chuyển từ kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, quán ăn) sang off-trade (mua mang về sử dụng như cửa hàng bán lẻ, siêu thị). Có nhiều kênh off-trade khác nhau từ truyền thống, hiện đại đến online. Việc kinh doanh trên 2 nền tảng on-trade và off-trade khác nhau. Tuy nhiên về trung và dài hạn, dù với kịch bản nào, tiêu thụ bia sẽ phục hồi trở lại, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không về mức cao như trước đây, khi người tiêu dùng thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới cũng như niềm tin của người tiêu dùng hồi phục khi dịch bệnh kết thúc", ông Long chia sẻ.

Ngoài COVID-19, ông Long cho biết quy định mới về Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ đầu năm 2020 được dự báo sẽ tác động mạnh đến sản lượng ngành bia. Đây là ngành vốn được cho là gà đẻ trứng vàng ở quốc gia nhiều dân nhậu như Việt Nam.

Mặt khác, khi hệ thống giao thông công cộng phát triển hơn, người Việt sẽ ít sử dụng phương tiện cá nhân hơn. Khi đó, hành vi lái xe sau khi dùng bia rượu cũng sẽ ít dần. Việt Nam là nước đang phát triển với nền kinh tế tăng trưởng, dân số tăng. Hoạt động kinh doanh có nhiều điều kiện để tăng trưởng. Doanh số của ngành bia giảm nhưng sẽ sớm phục hồi trở lại.

Để ứng phó với quy định nói trên, ông Long cho rằng các doanh nghiệp sản xuất bia rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn. Với đặc thù doanh nghiệp sản xuất bia có các chi phí đầu vào ổn định và không quá cao thì việc tiếp tục cắt giảm chi phí nhân sự, marketing, quản lý doanh nghiệp sẽ là những vấn đề cốt lõi để gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp ngành bia cần có những động thái điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng bia mới giảm sự ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc có thêm những sản phẩm thay thế để tránh tác động từ Nghị định 100.

Cũng theo chuyên gia này, người Việt có xu hướng chỉ tiêu thụ các thương hiệu bia quen thuộc và lâu đời, nên để có thể sống sót và tồn tại được trên thị trường bia Việt, các hãng bia mới sẽ cần phải đầu tư mạnh cho hoạt động marketing thương hiệu và chấp nhận thua lỗ trong những năm đầu để có được chỗ đứng trong nhận thức người tiêu dùng.

“Kinh doanh rượu, bia được đánh giá là một trong những ngành có xu hướng phát triển không bền vững, sẽ giảm trong 10 năm tới khi ý thức về chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của người dân ngày càng cao. Vì thế, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng nên có hình thức chuyển đổi thích hợp để bắt kịp xu thế như sản xuất, kinh doanh bia không cồn, tích hợp thêm các dịch vụ đưa đón”, ông Long nêu quan điểm.

Bài liên quan
Nhà nước có thể rút hết vốn tại 2 tổng công ty bia rượu lớn nhất nước
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương chiều 12.7, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết sẽ xem xét việc thoái vốn nhà nước tại 2 tổng công ty bia rượu lớn nhất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kịch bản nào cho ngành bia, rượu Việt Nam những năm tới?