Các nhân viên kiểm lâm ở Úc nói rằng họ đã phát hiện một con cóc mía khổng lồ trong khu rừng nhiệt đới và đặt tên cho nó là "Toadzilla".
Nhân viên kiểm lâm Kylee Gray của Công viên Quốc gia Conway (ở bang Queensland) trong lúc đi tuần đã vô cùng sốc khi phát hiện “Toadzilla” vào ngày 12.1. Con vật cũng được đặt tên là Connie, theo tên của công viên bảo tồn.
Gray cùng các đồng nghiệp bắt con cóc mía và đưa về văn phòng. Con vật cân nặng 2,7 kg, có thể phá kỷ lục con cóc mía to nhất thế giới. Năm 1991, một người Thụy Điển đã phát hiện một con cóc mía nặng 2,65 kg và nó được Sách kỷ lục thế giới Guiness ghi nhận là con cóc mía to nhất thế giới.
Cóc mía là loài xâm lấn có hại cho hệ sinh thái Úc. Nhân viên kiểm lâm Barry Nolan cho biết “Toadzilla” được cho hưởng “cái chết êm ái” - số phận thường xảy ra đối với loài cóc ở khắp Úc. Xác con vật được tặng cho Bảo tàng Queensland để nghiên cứu.
Cóc mía từng được đưa vào Úc hồi năm 1935 để kiểm soát loài bọ nước và các loài bọ khác, nhưng số lượng cóc phát triển bùng nổ do không có loài thú ăn thịt nào ăn chúng. Từ đó cóc mía trở thành mối họa cho các loài ở Úc.
Nolan nói: “Một con cóc mía cái to bằng “Toadzilla” có thể đẻ ra 35.000 trứng. Khả năng sinh sản của chúng rất đáng kinh ngạc. Vì thế, phòng chống chúng sinh sản là một việc cần làm để quản lý chúng”.