Kiểm toán nhà nước nhận định, nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với ngân sách nhà nước (chi trả phí, lãi vay) và quản lý nợ công (vay để trả nợ gốc) trong cả hiện tại và tương lai.

Kiểm toán nhà nước: Nợ công tăng gây áp lực ngày càng cao cho ngân sách

24/05/2020, 18:15

Kiểm toán nhà nước nhận định, nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với ngân sách nhà nước (chi trả phí, lãi vay) và quản lý nợ công (vay để trả nợ gốc) trong cả hiện tại và tương lai.

Nợ công tăng cao dẫn đến áp lực phí, lãi vay - Ảnh minnh họa

Theo báo cáo gửi đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), số liệu Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy năm 2018 bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) 153.110 tỉ đồng (ngân sách trung ương 153.110 tỉ đồng, ngân sách địa phương không bội chi), bằng 2,8% GDP thực hiện, giảm 50.890 tỉ đồng so với dự toán; nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương (NSTƯ) gồm: vay trong nước 110.689 tỉ đồng, vay ngoài nước 42.421 tỉ đồng.

Kết dư ngân sách địa phương (NSĐP) 157.886 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy kết dư NSĐP bằng 46,8% tổng số bổ sung từ NSTƯ cho NSĐP (157.886/337.466 tỉ đồng), trong đó 47/47 địa phương được bổ sung cân đối đều có kết dư NSĐP 28.643 tỉ đồng, bằng 14,4% số bổ sung cân đối từ NSTƯ cho NSĐP (28.643/198.524 tỉ đồng).

KTNN cho hay, dư nợ công đến 31.12.2018 là 3,2 triệu tỉ đồng, bằng 58,3% GDP thực hiện (3,232/5,542 triệu tỉ đồng). Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỉ đồng tương đương 5,18% so với năm 2017.

KTNN nhận định, nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN (chi trả phí, lãi vay) và quản lý nợ công (vay để trả nợ gốc) trong cả hiện tại và tương lai.

Năm 2018, hệ số trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN ở mức 12,3% (230.823 nghìn tỉ/1,8 triệu tỉ đồng), trong đó chi trả nợ lãi 104.443 tỉ đồng bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của NSTƯ và bằng 68,2% bội chi NSNN năm 2018.

KTNN cũng cho biết còn tồn đọng một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ có nợ quá hạn; năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 2 dự án Chính phủ bảo lãnh 1.184 tỉ đồng.

Về chi thường xuyên, dự toán 974.524 tỉ đồng, quyết toán 931.858 tỉ đồng, giảm 4,4% (42.666 tỉ đồng) so với dự toán và bằng 64,9% tổng dự toán chi NSNN (931.858 /1.435.435 tỉ đồng). Chi thường xuyên vẫn duy trì mức cao trong các năm gần đây và cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN).

Qua kiểm toán cho thấy tỷ lệ thực hiện dự toán chi thường xuyên của một số lĩnh vực thuộc NSTƯ đạt thấp, trong đó: Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 45,9% (735,51 nghỉ tỉ/1,6 triệu tỉ đồng); Chi phát thanh truyền hình, thông tấn đạt 80,7% (1,5 nghìn tỉ/1,94 nghìn tỉ đồng); Chi thể dục thể thao đạt 81,8% (663/810 tỉ đồng); Chi Khoa học công nghệ đạt 89,5% (8.378/9.357 tỉ đồng).

Tại một số bộ, ngành và địa phương được kiểm toán vẫn còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, KTNN đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp NSNN 331 tỉ đồng.

Năm 2018, Bộ Tài chính đã giao dự toán và đưa vào quyết toán NSNN chi thường xuyên các nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản 1.991 tỉ đồng (Tổng cục Thuế 1.419 tỉ đồng; Tổng cục Hải quan 572 tỉ đồng) từ nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của ngành trong giai đoạn 2016-2018 chưa phù hợp với tính chất nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và quy định tại Điều 9 Quyết định số 13/2016/QĐ-TTg ngày 15.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Một số địa phương điều hành chi trong điều kiện hụt thu (hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc cấp huyện) chưa phù hợp quy định; 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỉ đồng, trong đó 14 địa phương sử dụng nguồn tăng thu, thu sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên 176 tỉ đồng; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp (ngân sách tỉnh hoặc ngân sách huyện) 145 tỉ đồng.

Báo cáo cũng chỉ ra một số địa phương chưa rà soát, cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi đã có trong dự toán nhưng đến 30.6.2018 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện.

Sử dụng kinh phí thường xuyên chi đầu tư xây dựng cơ bản; không sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm mà sử dụng nguồn ngân sách cấp để chi không phù hợp quy định, ví dụ là TP.HCM.

Cũng theo báo cáo, về tạo nguồn và sử dụng nguồn cải cách tiền lương, 17/45 địa phương được kiểm toán báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang hoặc xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương 1.217 tỉ đồng, KTNN đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm dự toán năm sau 98 tỉ đồng.

Một số đơn vị tại 37/45 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định 1.006 tỉ đồng; 14/45 địa phương sử dụng sai quy định 181 tỉ đồng.

Về chi viện trợ, Bộ Tài chính tổng hợp đưa vào quyết toán NSNN năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương 5.370 tỉ đồng.

Một số bộ, ngành quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ chưa đúng quy định như Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ LĐ-TB-XH.

KTNN cũng ra rằng tỷ lệ giải ngân thấp, như Bộ KH-ĐT, đến hết năm 2018 có 5 dự án và năm 2019 có 4 dự án theo kế hoạch kết thúc dự án, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 47,8% (335,62 tỉ đồng/702,55 tỉ đồng)...

KTNN đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018. Theo đó, thu cân đối NSNN 1,88 triệu tỉ đồng, chi cân đối NSNN 1.8 triệu đồng; bội chi NSNN 153.110 tỉ đồng, bằng 2,8% GDP thực hiện.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm toán nhà nước: Nợ công tăng gây áp lực ngày càng cao cho ngân sách