Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng tín dụng lĩnh vực bất động sản vẫn tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống, tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng vay để mua nhà ở.

Bất chấp COVID-19, vốn ngân hàng vẫn đổ vào bất động sản

22/05/2020, 11:32

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng tín dụng lĩnh vực bất động sản vẫn tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của hệ thống, tập trung chủ yếu vào nhóm khách hàng vay để mua nhà ở.

Tín dụng vào bất động sản tăng do khách hàng vay vốn để mua nhà ở - Ảnh: Internet

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3.2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2019. Đơn cử như tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ tăng 0,86%, chiếm 24,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,2%, chiếm 19,2%; công nghiệp hỗ trợ tăng 1,38%, chiếm 2,83%...

Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.

Đáng chú ý, mặc dù tín dụng đổ vào bất động sản tăng song tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Cụ thể, cuối năm 2017 là 45,63%, năm 2018 là 35,49% và hết năm 2019 là 32,95%.

Ngân hàng Nhà nước nói rằng thời gian qua các tổ chức tín dụng đã được yêu cầu tập trung phân bổ nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro.

Đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực của người dân. Cơ quan quản lý còn yêu cầu ngân hàng thương mại tiếp tục áp áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%.

Hay tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỉ đồng trở lên, giảm dần theo lộ trình tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh bất động sản...

Đến nay, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý. Tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản cũng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước còn cho biết dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông đang có chiều hướng tăng. Cụ thể, đến cuối tháng 3.2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.

Bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%. Riêng trong năm 2019, 4 tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 6.686 tỉ đồng thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang thực hiện giải ngân theo tiến độ dự án.

Ngân hàng Nhà nước nói rằng thời gian qua đã theo dõi sát sao tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đồng thời chỉ đạo các tổ chức kiểm soát chặt chẽ, mức độ tập trung tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông.

Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỉ đồng. Số tiền này có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất chấp COVID-19, vốn ngân hàng vẫn đổ vào bất động sản