Tính trung bình 1 năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỉ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%.
Ngày 20.10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo Tổ trưởng Mai Tiến Dũng, cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bởi hoạt động này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tính trung bình một năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỉ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là giảm tối đa tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, một mặt hàng chỉ giao 1 đầu mối quản lý. “Ví dụ một dây chuyền sản xuất ô tô, đã kiểm tra khi nhập khẩu rồi nhưng khi lắp ráp xong ở nhà máy thì Bộ khác lại đến kiểm tra lần nữa. Rồi với cần cẩu thì phần dưới thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, phần trên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Như vậy không ổn, Chính phủ, các Bộ đã thống nhất chỉ giao 1 đầu mối kiểm tra”, Bộ trưởng Dũng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần tiếp tục rà soát, sớm công bố các quy chuẩn quốc gia với hàng hóa. Điều này rất quan trọng để việc kiểm tra hàng hóa có căn cứ.
“Như động cơ ô tô của các nước G7, hay điện thoại iPhone 8 thì phải xem xét có cần kiểm tra nữa không? Có công nhận kết quả đánh giá của nước ngoài được không? Rồi các sản phẩm chạy thử, hàng triển lãm, hàng mẫu… thì phải xem xét để thông quan rất nhanh. Nếu không ảnh hưởng gì đến con người, môi trường, an ninh quốc phòng… thì xem xét cắt bỏ thủ tục”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu vấn đề.
Đặc biệt, Bộ cần tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, công bố danh mục hàng hóa gắn mã HS, cùng với các Bộ nâng cao hiệu quả của các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung… Tinh thần là đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởngKhoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Bộ đã nỗ lực quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, buổi kiểm tra là cơ hội để Bộ lắng nghe phản hồi từ thực tiễn, từ các bộ ngành và các doanh nghiệp, từ đó tiếp tục nỗ lực góp phần xây dựng Chính phủ kiển tạo, hành động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ cùng Tổ công tác của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ tăng cường phối hợp, đôn đốc các Bộ trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu.
Theo tổ công tác, tính từ đầunăm tới nay, Bộ được giao 403 nhiệm vụ. Trong đó đã hoàn thành 245 nhiệm vụ (225 nhiệm vụ đúng hạn, 20 nhiệm vụ quá hạn); đang thực hiện 158 nhiệm vụ trong hạn. Như vậy, Bộ không còn bất cứ nhiệm vụ nào chậm trễ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Bộ Khoa học và Công nghệ “từ đầu nhiệm kỳ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao”. Đặc biệt là vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới đã công bố Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về “Chỉ số đổi mới sáng tạo”.
“Cái nổi lên nhất là Bộ đã cố gắng rất nhiều. Bộ đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng nhiều chủ trương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thị trường khoa học và công nghệ tuy chưa phát triển mạnh mẽ nhưng phong trào khởi nghiệp rất tốt, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2, là xăng dầu và khí hóa lỏng (hàng hóa có nguy cơ mất an toàn).
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã ban hành Thông tư 07 năm 2017, chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là hàng hóa, xăng dầu.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá của nước ngoài, xã hội hóa toàn bộ hoạt động đánh giá sự phù hợp, ban hành Thông tư 02 năm 2017 để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với một số nhóm sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm rõ cách thức tiền kiểm, hậu kiểm…
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế về khoa học và công nghệ, thu hút nhân tài. “Chẳng hạn các nhà khoa học rất băn khoăn về thủ tục thanh toán khi triển khai các đề tài nghiên cứu. Rồi tình trạng các đề tài nghiên cứu ở địa phương có nhiều nhưng không ứng dụng được. Thủ tướng mong muốn Bộ có hướng dẫn, xây dựng thể chế mạnh để tháo gỡ”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Cùng với đó là việcphát triển mạnh mẽ thị trường khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ mới; tạo chuyển biến trong các lĩnh vực công tác như sở hữu trí tuệ, đo lường, kiểm tra chất lượng.
Riêng với việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị được giao chủ trì, nên cần tham mưu mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử