Chưa đầy 1 tuần thi đấu tại SEA Games 28 (2015, Singapore), nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (SN 1996) đã xuất sắc, giành 8 huy chương vàng (HCV), phá 8 kỷ lục trong 11 nội dung thi đấu. “Cô gái vàng” của thể thao Việt Nam đã bùng nổ thành “hiện tượng” bơi lội đưa tên tuổi vượt xa tầm khu vực. Đã hơn 6 tháng không liên lạc với gia đình, suốt 3 năm chỉ ngủ ở nhà được 1 đêm, Ánh Viên đã âm thầm kìm nén tình cảm cá nhân, tập trung tất cả tinh thần để thi đấu phụng sự Tổ quốc.
Một năm lên hai cấp hàm
Ánh Viên đang là sĩ quan quân đội. Chuỵện cô liên tiếp được thăng hàm nhờ những thành tích thể thao xuất sắc cũng thuộc kiểu ‘‘không phải dạng vừa đâu”. Ánh Viên được “lên lon” hai cấp chỉ trong 1 năm và hiện giờ có lẽ cô là một trong những đại úy quân đội trẻ nhất. Theo đó, năm 2013, bởi những thành tích có một không hai, cô được Bộ Quốc phòng đặc cách trao quân hàm thượng úy. Sang năm 2014, sau khi đoạt 4 HCV, 2 HCB, phá kỷ lục cự ly 400m hỗn hợp tại Giải bơi Mùa xuân bang Florida, Mỹ, cô được thăng quân hàm lên Đại úy trước niên hạn. Với những kỷ lục vừa đạt được trong tuần đầu thi đấu tại SEA Games 28 năm nay, Ánh Viên đang được đề nghị thăng lên cấp hàm Thiếu tá.
Ai cũng biết những thành tích mà Ánh Viên vừa đạt được tại SEA Games 28, nhưng ít ai biết tài năng trẻ này đã đến với bơi lội từ khi mới 3 tuổi. Nữ kình ngư là con gái của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tác (42 tuổi), ngụ ấp Ba Cao, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP cần Thơ. Dưới Ánh Viên còn một em trai năm nay 9 tuổi, cũng đang theo nghiệp thể thao như cô chị.
Tự hào về con gái, người cha kể, bởi nhà nằm ngay mé con rạch Ba Cao, năm Ánh Viên 3 tuổi, ông nội đã dạy cháu gái tập bơi. Nhờ sự tận tình chỉ dạy của “người thầy đầu tiên”, chỉ 2 năm sau, mới 5 tuổi, Ánh Viên đã nổi tiếng trong vùng với tài bơi lội “như rái cá”. Đặc biệt, năm 7 tuổi, cô bé tham gia Hội khỏe Phù Đổng ở trường tiểu học và giành 1 HCV, 2 HCB bơi lội ở các nội dung thi đấu. Một năm sau, Ánh Viên lại liên tiếp đoạt 3 HCV bơi lội của huyện.
Năm lên 10 tuổi là một bước ngoặt lớn đối với Ánh Viên. Khi đó nhà trường tuyển chọn Ánh Viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố. Dù chỉ đạt được HCB nhưng những tố chất của nữ VĐV nhí đã gây ấn tượng đặc biệt với huấn luyện viên của Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 4 (Quân khu 9, TP cần Thơ). Người này đã tìm đến tận nhà cô bé, thuyết phục cha mẹ Ánh Viên cho cô vào luyện tập trong môi trường quân đội. “Ban đầu gia đình không đồng ý vì thương con, sợ cháu vất vả, nhưng thầy giáo thuyết phục nhiệt tình quá, cháu nó cũng hào hứng nên chúng tôi đã đồng ý cho con theo đuổi sự nghiệp thể thao”, ông Tác hồi tưởng.
Thêu tranh tặng bố mẹ vì 3nămchỉcó 1 đêm ở nhà
Thoạt nghe có vẻ Ánh Viên là người ít tình cảm với gia đình, nhưng sự thật không phải vậy. Phía sau vinh quang, cô gái trẻ đã lặng lẽ hy sinh rất nhiều. Có tính tự lập từ khi mới học lớp 2, Ánh Viên đã chăm ngoan, học giỏi và hiếu thuận, thường xuyên phụ giúp việc nhà cho cha mẹ. Gần chục năm biền biệt xa nhà, tập luyện ở Trung tâm Thể dục thể thao Quân khu 9, đội tuyển thành phố, hay khi ở đội tuyển quốc gia, hễ cứ có thời giản rảnh cô lại tranh thủ về thăm gia đình, họ hàng. Chỉ 3 năm trở lại đây, liên tục phải tập huấn ở Mỹ, Ánh Viên phải dồn nén nỗi nhớ thương người thân, gác tình cảm cá nhân qua một bên vì sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, nhưng lúc nào cô cũng đau đáu nhớ thương người thân nơi quê nhà. Những ngày tập huấn bận rộn trên đất Mỹ, vừa bận bịu tập luyện, lại phải trau dồi ngoại ngữ nhưng “cô gái vàng" vẫn dành thời gian tự tay thêu bức tranh tri ân cha mẹ. Ngày mang bức tranh về nhà, cô khiến cha mẹ cảm động rơi nước mắt.
Bên bức tranh thêu cảnh sông núi có đôi câu đối: “Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha". “Con tôi vì gia đình, vì Tổ quốc mà trở nên mạnh mẽ, kiên cường thi đấu. Làm cha mẹ, phải xa con đằng đẵng chúng tôi cũng buồn lắm, nhưng luôn động viên cháu cố gắng”, người cha cảm động nói.
Dành tiền thưởng xây nhà cho bố mẹ và làm từ thiện
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng kể, con gái bà vốn yêu thích môn lịch sử, từ nhỏ đã sống giản dị, có sở thích ăn các món chiên, đặc biệt là cá chiên và món vịt xào gừng. Đến khi lớn lên, thành đạt trong sự nghiệp, những sở thích giản dị vẫn không thay đổi. Có những ngày tập huấn nơi đất khách quê người, thèm quá cô lại năn nỉ thầy nấu món vịt xào gừng. Mỗi lần về nhà, cô lại ôm mẹ tâm sự và được bà nấu cho món ăn yêu thích.
Một trong những điều thú vị khác, là dù cha mẹ cô chỉ cao tầm thước, nhưng Ánh Viên lại có chiều cao tới 1,72m, sải tay 1,78m. “Cô gái vàng” đặc biệt thần tượng kình ngư huyền thoại người Mỹ Michael Phelps. Do tập huấn tại Mỹ, cô thường xuyên gặp thần tượng của mình và noi gương anh không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân. 4 năm gần đây, Ánh Viên luôn đứng trong top những VĐV trẻ có thu nhập cao nhất nước (trung bình 500 triệu đồng/năm, có năm tới hơn 1 tỉ đồng).
Thành công và nổi tiếng, nhưng Ánh Viên không có thời gian cho riêng mình, có một chuyện thú vị là dù từng được tặng thưởng một chiếc xe tay ga loại tốt, nhưng nữ VĐV lại không biết đi xe máy, đến giờ cô mới chỉ ngồi lên chiếc xe ấy một lần duy nhất, phía sau lưng cha cô. Cũng theo bà Hồng, con gái bà chưa bao giờ tâm sự về chuyện yêu đương, khiến vợ chồng bà cũng có phần lo lắng về chuyện trăm năm của con gái.
Do xa nhà, thương cha mẹ vất vả, kiếm được bao nhiêu tiền, nữ VĐV lại gửi hết cho cha mẹ. Năm 2011, cô xây cho cha mẹ ngôi nhà mái bằng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Không chỉ yêu thương gia đình, nữ VĐV còn có tấm lòng nhân ái cao đẹp. Mỗi khi giành giải thưởng, cô đều trích tiền thưởng nhờ cha mẹ làm từ thiện, khi phát quà, phát gạo cho người nghèo, lúc lại phát phần thưởng, sách vở cho hàng trăm học sinh nghèo tại quê hương. “Làm từ thiện nhiều, nhưng con bé đều giấu, nhờ cha mẹ đứng tên làm từ thiện chứ không nhận về mình”, bà Hồng kể.
La An/ Theo Chuyện đời