Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, nếu nhìn trong ngắn hạn có thể thấy bức tranh kinh tế vĩ mô có sự đan xen giữa những khía cạnh tích cực và cả khó khăn, chông gai.

Kinh tế 2016 còn nhiều “khó lường“: Tiền nên bỏ vào đâu?

Một Thế Giới | 02/01/2016, 10:49

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, nếu nhìn trong ngắn hạn có thể thấy bức tranh kinh tế vĩ mô có sự đan xen giữa những khía cạnh tích cực và cả khó khăn, chông gai.

Kinh tế vĩ mô chưa thật sự vững chắc
Chia sẻ trong ngày cuối cùng của năm 2015 về tình hình kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong năm 2015 nền kinh tế phục hồi tương đối rõ nét, thể hiện qua một số chỉ tiêu vĩ mô như: CPI tăng thấp nhất 14 năm, GDP tăng cao nhất 8 năm. Thành công lớn nhất phải kể tới là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định.
Dự báo về nền kinh tế trong năm 2016, TS Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức thấp do giá đầu vào tương đối thấp, đặc biệt là giá dầu trong ngắn hạn sẽ vẫn thấp như hiện nay. Các chỉ tiêu về lạm phát có khả năng thực hiện được theo kế hoạch đưa ra trong khi GDP vẫn trên đà tăng trưởng, dự kiến 6,7% có thể thực thi được.
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn do tình hình ngân sách chưa lành mạnh, luôn trong tình trạng bội chi, nợ công có xu hướng tăng nhanh và năng suất của nền kinh tế chưa cải thiện nhiều. Sự tăng trưởng của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, cho nên với đà này thì chưa nên vội mừng”, TS Long nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: “Nói chung năm 2016 cũng khó lường lắm, nếu những yếu tố vĩ mô tiếp tục được cải thiện như kinh tế vĩ mô ổn định, năng lực cạnh tranh tiếp tục cải thiện thì mọi chuyện sẽ tốt lên. Còn nếu không làm được thì không biết điều gì sẽ xảy ra”.
Khái quát chung về bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2016, TS Huỳnh Thế Du đánh giá, tình hình quốc tế sẽ không có biến động lớn, xung đột nghiêm trọng. Trong khi đó, việc mở cửa hội nhập như tham gia AEC, TPP dù mới chỉ là bước đầu nhưng dự kiến sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực Việt Nam.
Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu nhìn ngắn hạn có thể thấy bức tranh kinh tế vĩ mô có sự đan xen giữa những khía cạnh tích cực và cả khó khăn chông gai.
"Nhìn lại suốt 5 năm qua, đặc biệt năm 2015 kinh tế vĩ mô đã có sự ổn định nhưng nếu nói kinh tế vĩ mô đã ổn định vững chắc hay chưa, tôi khẳng định là chưa", ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành nhấn mạnh, "điểm sáng nhất" nhưng vẫn là câu hỏi trước mắt là việc Việt Nam tham gia các FTA. "Việt Nam có không ít kinh nghiệm hội nhập, tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới thông qua đàm phán, ký kết hiệp định với các nước nhưng vẫn là dấu hỏi, Việt Nam có tận dụng tốt cơ hội này không cho các hoạt động kinh tế đặc biệt xuất khẩu, đầu tư, cơ hội cải tổ thể chế kinh tế trong nước", ông Thành trăn trở.
Có tiền nên “bỏ” vào đâu?
Trả lời câu hỏi đâu là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất trong năm 2016, TS Ngô Trí Long cho rằng, với những người không có nhiều kiến thức trong các lĩnh vực đầu tư khác thì kênh tiết kiệm vẫn là kênh an toàn bởi lãi suất chắc chắc không thể giảm thêm nữa.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng chưa có nhiều yếu tố sáng sủa, nhà đầu tư nên thận trọng. Còn về thị trường bất động sản, hiện đang trong giai đoạn phục hồi nhưng chỉ ở những phân khúc nhất định và với điều kiện kinh tế cũng như bối cảnh hiện nay cần phải thận trọng.
“Một số kênh đầu tư như đầu tư vàng coi như “chết" rồi, ngoại tệ cũng không để đầu tư được vì tới đây không những lãi suất tiền gửi USD về 0% mà thậm chí còn mất phí khi gửi. Đồng USD chắc chắn sẽ tăng giá so với tiền đồng nhưng với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước buộc phá giá nhưng sẽ trong mức cho phép".
"Trong đầu tư, vấn đề là phải biết và tìm hiểu sâu chứ không nên theo tâm lý bầy đàn, đầu tư theo phong trào. Cũng cần nhận định, dự báo đầu ra của thị trường nữa. Đầu tư phải biết chọn chi phí cơ hội nhưng tuỳ mức độ, cái nào rủi ro cao cần thận trọng, với người đầu tư cần cắt lỗ đúng lúc chốt lời đúng lúc”, vị chuyên gia lưu ý.
TS Huỳnh Thế Du thì cho rằng: "Với những người có khiếu kinh doanh nên dùng tiền để kinh doanh. Còn muốn an toàn, rủi ro vừa phải thì gửi tiết kiệm”.
Theo TS Du, đối với kênh đầu tư chứng khoán, hiện thị trường này quy mô còn rất nhỏ và chỉ phù hợp với một số người. Trong khi vàng và USD được biết tới là kênh bảo đảm an toàn hơn là để đầu tư sinh lợi.
Phương Dung - Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
6 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế 2016 còn nhiều “khó lường“: Tiền nên bỏ vào đâu?