Hãng tin AP chỉ ra một thách thức mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt trong cuộc bầu cử 2024: nền kinh tế trở nên tốt hơn nhưng người dân lại nghĩ ngược lại.
Quốc tế

Kinh tế Mỹ tốt lên nhưng không đảm bảo ông Biden sẽ tái đắc cử

Cẩm Bình 12/12/2023 12:24

Hãng tin AP chỉ ra một thách thức mà Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt trong cuộc bầu cử 2024: nền kinh tế trở nên tốt hơn nhưng người dân lại nghĩ ngược lại.

kinh.jpg

Các nhà thăm dò dư luận và giới chuyên gia kinh tế đánh giá, chưa bao giờ "sức khỏe" nền kinh tế lại có khoảng cách lớn so với nhận thức của công chúng đến vậy. Điều này có thể quyết định thành bại của Tổng thống Biden vào năm tới.

Theo nhà thăm dò dư luận Đảng Dân chủ Celinda Lake: “Mọi thứ đang trở nên tốt hơn nhưng mọi người lại nghĩ tình hình đang tệ đi. Cử tri không chỉ muốn thấy tỷ lệ lạm phát giảm nữa mà còn muốn toàn bộ giá cả đều giảm – tình trạng từng xảy ra trên quy mô trong thời kỳ đại suy thoái (từ 1929 - 1932)”.

Kinh tế tốt nhưng người dân nghĩ ngược lại

Nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế Mỹ đang rất vững chắc. Theo báo cáo tình hình việc làm vừa công bố cuối tuần trước, tháng trước, nước này có thêm 199.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%. Trong vòng chưa đầy một năm lạm phát giảm từ 9,1% xuống còn 3,2% và không gây ra suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Chỉ số Tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan lại ghi nhận mọi người vẫn thấy chán nản với nền kinh tế. Số liệu sơ bộ tháng 12 vừa công bố cho thấy chỉ số tăng vọt khi người dân nhận ra lạm phát đang hạ nhiệt nhưng hiện vẫn thấp hơn chỉ số tháng 7 đôi chút.

Đáng chú ý là số người được Đại học Michigan thăm dò có đề cập đến cuộc bầu cử 2024. Chỉ số của người ủng hộ đảng Cộng hòa tăng lên đáng kể so với người ủng hộ đảng Dân chủ. Điều này phản ánh cử tri Cộng hòa lạc quan với khả năng giành lại Nhà Trắng.

Theo chuyên gia kinh tế phụ trách thăm dò Joanne Hsu: “Sau đại dịch người tiêu dùng luôn cảm thấy bất an về nền kinh tế, họ vẫn đang dần chấp nhận kinh tế không trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch”.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein khẳng định một nền kinh tế mạnh chắc chắn có thể nâng cao tâm lý người tiêu dùng. Ông lập luận rằng khi kinh tế tiếp tục cải thiện thì nhiều người sẽ nhận ra lợi ích, từ đó tâm lý được cải thiện.

“Chúng tôi phải tiếp tục cố gắng kéo giảm giá cả và phát huy những tiến bộ đạt được. Cần thêm thời gian để đem lợi ích đến cho tầng lớp lao động Mỹ. Kế hoạch của chúng tôi là vậy”, theo Chủ tịch Bernstein.

Động thái từ Nhà Trắng và đảng Cộng hòa

Thời gian gần đây, loạt thông điệp mà Nhà Trắng cố gắng đưa ra khiến người dân tin tưởng hơn vào năng lực lãnh đạo về kinh tế của Tổng thống Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu sử dụng từ “Bidenomics” mô tả loạt chính sách mà ông triển khai, giới chức chính quyền chỉ ra những mặt hàng đã giảm giá chẳng hạn như gà tây dịp Lễ Tạ ơn, trứng, xăng, insulin cho người tham gia chương trình sức khỏe liên bang Medicare.

Tổng thống Biden cũng đổ lỗi lạm phát do doanh nghiệp gây ra hòng tăng lợi nhuận – lập luận dường như nhằm thuyết phục cử tri rằng ông đang đấu tranh chống lại những người đẩy giá cả lên cao.

Sau khi báo cáo tình hình việc làm được công bố, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden lập tức thừa cơ chê bai cựu Tổng thống Donald Trump (ứng viên tranh cử hàng đầu của đảng Cộng hòa hiện tại): “Bất chấp tuyên bố bản thân là tổng thống tạo việc làm, ông Trump lại làm mất đến 3 triệu công việc – thành tích tệ nhất tính từ thời Đại suy thoái đến nay”.

Phía đảng Cộng hòa tập trung đánh vào nhận thức của công chúng. Họ nhấn mạnh giá tiêu dùng tăng suốt nhiều năm, người dân nên tin vào trực giác bản thân thay vì số liệu thống kê mà chính quyền Tổng thống Biden công bố. Thống đốc bang Virginia Glenn Youngkin (đảng viên Cộng hòa) đổ lỗi chính Tổng thống Biden gây ra lạm phát khiến người dân suy sụp.

Các yếu tố ảnh hưởng nhận thức về nền kinh tế

Bên cạnh tác động từ đại dịch, có thể nhận thức của người dân còn bị mạng xã hội bóp méo khi trên mạng tràn ngập hình ảnh phô bày lối sống sang trọng của số ít người. Nhiều trường hợp đánh giá nền kinh tế dựa trên niềm tin chính trị hơn là số liệu.

Theo hai nhà kinh tế Ryan Cummings và Neale Mahoney, cũng có thể mọi người sau khi trải qua thời kỳ lạm phát cao cần thêm thời gian điều chỉnh nhận thức. Ông Cummnings phân tích: “Tâm lý vẫn còn bị đè nặng bởi lạm phát cao năm ngoái. Thời gian qua đi thì tác động sẽ giảm dần”.

Một khả năng nữa là chương trình hỗ trợ thời đại dịch không còn khiến người dân nghèo đi. Hàng triệu hộ gia đình từng nhận được khoản tiền hỗ trợ lớn gửi trực tiếp vào tài khoản. Đảng Cộng hòa chỉ trích chương trình này là nguyên nhân gây ra lạm phát, nhưng tiền hỗ trợ cũng giúp không ít người sống sót qua thời kỳ giá cả tăng vọt.

Chuyên gia kinh tế Gabriel Zucman (Đại học California) tính toán lúc Tổng thống Biden nhậm chức, thu nhập trung bình năm của nhóm đối tượng mức thu nhập thấp - đã trừ thuế cùng vài khoản khác - vào khoảng 34.800USD. Đến tháng 3.2023 mức này giảm còn 26.100USD – dấu hiệu cho thấy mức tăng lương không thể bù đắp số tiền hỗ trợ từ chính phủ.

Bài liên quan
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Mỹ tốt lên nhưng không đảm bảo ông Biden sẽ tái đắc cử