Hãng tin AP cho biết loại trực thăng Osprey V-22 có rất nhiều vấn đề trong khoảng thời gian hoạt động ngắn ngủi của nó.
Quốc tế

Bộ ly hợp liên tục bị lỗi của trực thăng Osprey V-22

Cẩm Bình 15:32 08/12/2023

Hãng tin AP cho biết loại trực thăng Osprey V-22 có rất nhiều vấn đề trong khoảng thời gian hoạt động ngắn ngủi của nó.

Osprey vừa có thể cất/hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, vừa sở hữu khả năng xoay cánh quạt theo chiều ngang để di chuyển nhanh như máy bay. Thiết kế độc đáo và phức tạp này cho phép nó tăng tốc độ triển khai quân ra chiến trường. Thủy quân lục chiến Mỹ - lực lượng sở hữu rất nhiều chiếc Osprey - từng đánh giá loại trực thăng này là nền tảng hỗ trợ tấn công “thay đổi cuộc chơi”.

Nhưng ngày 6.12 vừa qua, cả thủy quân lục chiến lẫn hải quân, không quân Mỹ đều tuyên bố ngừng sử dụng toàn bộ trực thăng Osprey V-22 sau khi cuộc điều tra sơ bộ tai nạn thảm khốc xảy ra cuối tháng trước kết luận nguyên nhân khiến 8 thành viên Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt thuộc không quân thiệt mạng, là sự cố trang thiết bị chứ không phải sai sót của phi hành đoàn.

Đây không phải tai nạn đầu tiên liên quan đến Osprey V-22, vấn đề cơ học của bộ ly hợp luôn bị nghi ngờ. Ngoài ra cũng xuất hiện hoài nghi rằng liệu tất cả bộ phận trực thăng có được sản xuất đúng thông số kỹ thuật an toàn hay không, trải qua thời gian dài sử dụng chúng còn đủ bền để chịu các lực đáng kể do thiết kế độc đáo tạo ra không.

loat.jpg

Cựu phi công không quân Mỹ Rex Rivolo - người từng tham gia công tác phân tích Osprey - từng cảnh báo loại trực thăng này thiếu an toàn. Ông cho biết: “Thật tốt khi họ cho phi đội Osprey ngừng hoạt động. Hiện tại chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác”.

Osprey qua 16 năm hoạt động đã trở thành phương tiện hỗ trợ đắc lực của thủy quân lục chiến cùng Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt thuộc không quân Mỹ. Ở hải quân, trực thăng đang trong quá trình thay thế số máy bay vận chuyển C-2 Greyhound.

Ngoài chở binh sĩ, Osprey trong biên chế thủy quân lục chiến còn được dùng để chuyên chở nhân viên Nhà Trắng, đội ngũ báo chí và lực lượng an ninh tháp tùng tổng thống. Chưa rõ các quân chủng điều chỉnh ra sao khi Osprey ngừng hoạt động.

Bộ ly hợp

Chiếc Osprey đầu tiên chỉ mới đi vào hoạt động vào năm 2007 sau nhiều thập niên thử nghiệm, tuy nhiên nhiều chuyến bay thử nghiệm và bay huấn luyện sử dụng loại trực thăng này đã cướp đi sinh mạng hơn 50 binh sĩ. Riêng 20 tháng qua xảy ra đến 4 tai nạn khiến 20 người chết.

Tháng 8 năm nay, thủy quân lục chiến Mỹ công bố kết quả điều tra xác định tai nạn chết người liên quan đến Osprey năm ngoái là do hỏng bộ ly hợp (chưa rõ nguyên nhân sâu xa).

Hai động cơ Osprey liên kết với nhau bằng một trục dẫn động nối liền chạy dọc cánh. Trên mỗi đầu động cơ có bộ phận được gọi là ly hợp lò xo truyền mô men xoắn từ cánh quạt này sang cánh quạt kia để đảm bảo cả hai đều quay cùng tốc độ, giúp giữ cho trực thăng cân bằng lúc bay. Nếu một trong 2 động cơ bị hỏng thì bộ ly hợp lò xo sẽ đóng vai trò đảm bảo an toàn: truyền năng lượng từ động cơ bình thường sang phía động cơ hỏng để giữ cho cả hai cánh quạt hoạt động.

Nhưng khi xem xét loạt tai nạn liên quan trước năm 2022, quân đội Mỹ phát hiện bộ ly hợp mòn nhanh hơn dự đoán. Kể từ năm 2010, bộ ly hợp bị trượt ít nhất 15 lần. Khi tái hoạt động thì chúng lại gặp hiện tượng cứng hóa (HCE) truyền đi mô men xoắn tăng vọt cho một bên động cơ khiến Osprey xoay không kiểm soát. Mô men xoắn tăng vọt có thể phá hủy bộ ly hợp.

Vụ tai nạn năm 2022 làm chết 5 lính thủy quân lục chiến tại California, HCE gây nên sự cố cơ học không thể phục hồi. Hỏa hoạn trên chiếc Osprey xấu số nghiêm trọng đến mức làm hư hại cả thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay.

Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt thuộc không quân Mỹ từng gặp 2 sự cố HCE chỉ trong vòng 6 tuần năm ngoái, buộc họ phải tạm ngừng sử dụng Osprey trong nửa tháng. Vài chiếc hoạt động trở lại sau khi được thay bộ ly hợp.

Tuy nhiên thay thế bộ ly hợp dường như không phải giải pháp. Cả các quân chủng lẫn nhà thầu tham gia sản xuất Osprey đều không tìm ra nguyên nhân gốc rễ.

Trong vụtai nạn vừa xảy ra ngoài khơi Nhật Bản cuối tháng 11, một nhân chứng nói rằng họ nhìn thấy Osprey bị lật ngược với động cơ bốc cháy trước khi lao xuống biển. Cựu phi công Rivolo cho biết nếu lời kể này là đúng thì khả năng lỗi ly hợp cùng sự cố trục dẫn động liên kết nên được xem xét đến.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ ly hợp liên tục bị lỗi của trực thăng Osprey V-22