Tỉnh ủy Kon Tum vừa ra công văn yêu cầu từ nay đến hết mùa khô năm 2016, các Tỉnh ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương hạn chế đi công tác ngoài tỉnh để tập trung chống hạn hán.

Kon Tum yêu cầu cấp phó đi họp, lãnh đạo ở nhà chống hạn

Một Thế Giới | 20/03/2016, 11:05

 Tỉnh ủy Kon Tum vừa ra công văn yêu cầu từ nay đến hết mùa khô năm 2016, các Tỉnh ủy viên, người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương hạn chế đi công tác ngoài tỉnh để tập trung chống hạn hán.


Thông tin được văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết vào ngày 20.3. Theo đó, Tỉnh ủy Kon Tum yêu cầu các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường xuống địa bàn các huyện, thành phố được phân công phụ trách để tập trung lãnh đạo chống hạn đến hết tháng 5.2016.
Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành định mức hỗ trợ diện tích lúa, hoa màu... bị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn tỉnh; tiếp tục huy động và ưu tiên phân bổ kinh phí phòng, chống hạn hán của các địa phương, đơn vị.
Trong thời gian từ nay đến hết mùa khô năm 2016 (hết tháng 5.2016), các đồng chí Tỉnh ủy viên; người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, hạn chế đi công tác ngoài tỉnh để tập trung lãnh đạo, phòng chống hạn hán, cháy rừng. Phân công cấp phó đi dự các hội nghị, cuộc họp do các cơ quan Trung ương tổ chức (trừ trường hợp được Thường trực Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản).
Các lực lượng quân đội, công an, biên phòng được giao trách nhiệm chuẩn bị và có kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chống hạn hán, cháy rừng khi có yêu cầu.
Định kỳ hàng tuần (trước 10g30 ngày thứ Năm) các huyện, thị phải báo cáo tình hình và kết quả khắc phục hạn hán, phòng chống cháy rừng trên địa bàn để Thường trực Tỉnh ủy biết, chỉ đạo.
Trước đó, vào ngày 16.3, UBND tỉnh Kon Tum đã công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1 xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ông Văn Tất Cường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho hay, tính đến ngày 14.3, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực với diện tích 1.192,69 ha (trong đó khoảng 287,51 ha có khả năng mất trắng) gồm: 756,49ha lúa và 427 ha cà phê, 03 ha bời lời, 05 ha rau màu, 1,2 ha hồ tiêu.
Có 04 công trình nước tự chảy từ nguồn nước đầu mối cạn kiệt, suy giảm không đủ cấp nước cho các hộ dân thuộc xã Tu Mơ Rông và Văn Xuôi; có khoảng 3.775 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước.
Hiện nay tại một số địa phương bị khô hạn nặng như huyện Sa Thầy, TP.Kon Tum, các giếng nước bị khô, người dân đang phải chia sẻ nguồn nước để dùng chung. Tại một số vùng khó khăn, các giếng nước bị khô kiệt hoàn toàn, chính quyền địa phương đã chủ động xuất kinh phí dự phòng hỗ trợ các thiết bị chứa nước, trữ nước, vận chuyển nước từ các vùng khác về và đào mới một số giếng nước để đảm bảo nhu cầu dùng nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.
Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kon Tum yêu cầu cấp phó đi họp, lãnh đạo ở nhà chống hạn