Theo báo Guardian, thực tế lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un không bốc đồng như nhiều người nghĩ, mà là người nắm chắc quyền lực và có hẳn một kế hoạch để tồn tại.
Tờ báo Anh ngày 8.9 viết một ngày trước khi Triều Tiên kỷ niệm 69 năm ngày ông nội Kim Nhật Thành (Kim ll-sung) của ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên độc lập, trong khi có tin Bình Nhưỡng có thể phóng một quả tên lửa đạn đạo lục địa (ICBM) trong ngày kỷ niệm này.
‘Vị vua không có quân sư không chịu chầu Bắc Kinh
Mỗi khi Triều Tiên chuẩn bị thử bom hạt nhân hoặc phóng một quả tên lửa, ông Kim Jong-un thường có ảnh ngồi ký lệnh phóng, cũng để đưa chính ông vào lịch sử thế giới.
Những lệnh ký này trở nên nội dung chính trong các thông tin tuyên truyền sau những vụ thử này, chuyển đến thế giới thông điệp rằng không phải Triều Tiên kích nổ một quả bom hạt nhân, mà là chính ông Kim Jong-un kích nổ.
Như trong lần thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1.2016, ông viết một chỉ đạo phê duyệt dài: “Hãy mừng năm mới bằng tiếng nổ tuyệt vời của quả bom nhiệt hạch đầu tiên của tổ quốc ta. Toàn thế giới sẽ phải nhìn lên chúng ta”.
Các lệnh này là một phần trong kế hoạch đề cao vai trò trung tâm của ông Kim Jong-un trong việc lãnh đạo một quốc gia bí ẩn, và để bảo tồn di sản của ông. Chúng cũng là chứng cứ về tốc độ củng cố quyền lực của ông, đồng thời làm thế giới ngán ngại trước một thách thức nguy hiểm nhất của thời đại.
Các chuyên gia về Triều Tiên nói ông Kim Jong-un lãnh đạo Triều Tiên theo đúng truyền thống triều đình, chỉ có nhà vua toàn quyền quyết định.
Yang Uk, một nhà nghiên cứu ở Diễn đàn an ninh-và quốc phòng Hàn Quốc, nói: “Làm quân sư cho Kim Jong-un là một điệu vũ tế nhị, chớ nên quá nổi bật hoặc có nhiều quyền”.
Việc ông Kim Jong-un không có ‘quân sư’ có nghĩa không có lời can ngăn bản tính đôi lúc nổi sung bất ngờ của ông. Các nhà phân tích chỉ ra mối quan hệ suy yếu giữa Triều Tiên với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, chính là chứng cứ ‘cái tôi’ của ông tác động trực tiếp đến đường lối, chính sách.
Không như ông nội và cha ông, nhà lãnh đạo trẻ tỏ ra không quan tâm chuyện đến Bắc Kinh “triều kiến”. Hoặc năm 2015, ông Kim Jong-un đột ngột hủy chuyến thăm Moscow để dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức, làm bẽ mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Báo Guardian đã bỏ nhiều thời gian phỏng vấn các chuyên gia, người trong cuộc, để tạo nên chân dung ông Kim Jong-un là một lãnh đạo nắm chắc quyền lực, có những mục tiêu rõ ràng để tồn tại.
Tờ báo viết dù có thể ông Kim Jong-un là ‘bạo chúa chuyên quyền hiếu chiến’, nhưng ít người nghĩ ông là một lãnh đạo điên khùng với ngón tay nhấn lên nút đỏ kích nổ bom hạt nhân.
Trong 6 năm cầm quyền, ông Kim Jong-un đã lệnh phóng 84 tên lửa, nhiều hơn cả số lần phóng do cha ông và ông nội của ông ra lệnh.
Cha của ông, cố Chủ tịch Kim Jong-in (qua đời năm 2011) thường họp kín với nhiều cố vấn, nhưng ông Kim Jong-un đã kỷ luật nặng khoảng 140 sĩ quan cấp cao và quan chức chính phủ, gần đây nhất là thanh trừng chỉ huy tình báo Kim Won-hong.
Việc ông liên tục xử tử các sĩ quan quân đội cấp cao đã khiến có tin đồn này: lính biên phòng Triều Tiên nói đùa ông Kim Jong-un thực ra là điệp viên CIA, gây tổn thất cho quân đội hơn cả Mỹ!.
Kang Cheol-hwan, một người trốn khỏi Triều Tiên và đang điều hành Trung tâm chiến lược Triều Tiên và có quan hệ với các quan chức chính phủ, nói:
“Nhiều người đi nước ngoài công tác thừa nhận họ chống chương trình vũ khí, nhưng bất kỳ sự chống đối công khai nào sẽ khiến họ bị nguy hiểm”.
Hình ảnh ông Kim Jong-un mừng phóng tên lửa thành công
Người nhẫn tâm nhưng biết lý lẽ
Theo một số chuyên gia, sự sẵn sàng tru diệt người thân cận nhất đã chỉ ra nhà lãnh đạo có tính khí thất thường, đôi khi che mờ cả lý trí thực tiễn chính trị của ông.
Năm 2013, ông Kim Jong-un ra lệnh xử tử chú dượng Jang Song-thaek. Có thông tin là ông Jang bị xử bắn, bị giới truyền thông nhà nước kết án là “tên phản quốc mọi thời đại đã nhận tội âm mưu lật đổ chính quyền".
Park Byung-kwang thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia (ở Seoul, liên kết với Cục tình báo Hàn Quốc) nói:
“Không có ai có ảnh hưởng trực tiếp lên Kim Jong-un, và nếu bất kỳ ai nổi lên như lãnh đạo thứ hai, ông Kim Jong-un xử lý người đó lập tức. Ông ta rất nhẫn tâm, nhưng cũng biết điều”.
Đó là một sự mô tả không dễ tương hợp với hình ảnh mà giới truyền thông nhà nước Triều Tiên thường phát đi: một vị lãnh đạo nhân từ, tươi cười, vui vẻ với dân thường và với các cán bộ, sĩ quan quân đội.
Khi không có ảnh chụp ông cùng vợ Ri Sol-ju (đã có 3 con chung) thì lại có ảnh ông Kim Jong-un ôm lính, thăm nhà họ, hoặc ảnh ông thư giãn ở một công viên giải trí mới mở.
còn tiếp...
Vĩnh Thụy (theo Guardian)