Trong đoạn dưới đây, người đọc sẽ được McNamara đưa trở về với vụ ám sát TT Kennedy song tuyệt nhiên tác giả không đá động gì đến những bí ẩn của biến cố vẫn còn gây tranh cãi này. Sự “thinh lặng” này còn là vì tránh không muốn dây vào một vụ án phức tạp nhất thế kỷ 20 trong lịch sử Mỹ.  

Kỳ 10 - “Nếu không bị ám sát, J.F Kennedy đã rút quân khỏi Việt Nam” - McNamara

24/11/2014, 05:01

Trong đoạn dưới đây, người đọc sẽ được McNamara đưa trở về với vụ ám sát TT Kennedy song tuyệt nhiên tác giả không đá động gì đến những bí ẩn của biến cố vẫn còn gây tranh cãi này. Sự “thinh lặng” này còn là vì tránh không muốn dây vào một vụ án phức tạp nhất thế kỷ 20 trong lịch sử Mỹ.  

Chiều thứ sáu 22/11/1963, trong khi TT Kennedy đi dự một buổi nói chuyện đã hẹn trước tại Dallas, tôi tiếp trong phòng họp kế cận văn phòng của tôi tại Ngũ giác đài các đồng liêu cao cấp là Mac Bundy cố vấn an ninh quốc gia, Kerrnit Gordon của cơ quan ngân sách, và cố vấn khoa học Jerome Wiesner.

Chúng tôi cùng duyệt lại ngân sách quốc phòng mà tòa Bạch Ốc dự định đệ trình Quốc hội vào tháng 1 tới. Giữa buổi họp, vào khoảng 2 giờ trưa, thư ký của tôi báo rằng tôi có một cú điện thoại riêng khẩn cấp. Rời phòng họp tôi quay về văn phòng. Đó là Bobby Kennedy.

Bobby nói với tôi một cách ngắn gọn và bình tĩnh rằng Tổng thống đã bị bắn. Tôi choáng váng, chậm rãi trở lại phòng họp và, với một giọng cố trấn tĩnh, thông báo tin này cho cả nhóm. Thật kỳ lạ là chúng tôi đã không giải tán buổi họp. Chúng tôi bị “sốc” đến nỗi không biết làm gì nữa, chỉ biết kết thúc buổi họp cho nhanh.

Bobby lại gọi điện một lần thứ nhì sau đó khoảng 45 phút cho biết Tổng thống đã chết. Cuộc họp được dời lại ngay trong nước mắt và thinh lặng điếng người. Tôi vội gặp ngay các chỉ huy liên quân. Chúng tôi nhất trí rằng lực lượng quân sự Mỹ trên toàn thế giới sẽ được đặt ngay trong tình trạng báo động. Vài phút sau, Bobby gọi lại cho tôi, yêu cầu tướng Max và tôi lát nữa cùng theo ông đến căn cứ không quân Andrews đón chiếc máy bay đưa thi hài anh trai ông về lại Washington.

Vào lúc đó, đang có bất đồng ý kiến về địa điểm an táng Tổng thống. Một vài ý kiến cho rằng phải là quê nhà của ông tại Massachussets. Tôi phát biểu rằng ông đã không hề là Tổng thống của bang Massachussets mà là của cả 50 bang thuộc Hiệp chủng quốc, và như thế thi hài ông phải an nghỉ tại thủ đô cả nước. Tôi tìm kiếm một địa điểm thích hợp nhất. Bắt đầu với nghĩa trang quốc gia Arlington do Bộ Quốc phòng quản lý và tôi ngừng lại ở một địa điểm ngay dưới lâu đài Custis-Lee. Từ vị trí này có thể đưa mắt nhìn qua cây Cầu Tưởng Niệm và nhìn thấy đài tưởng niệm Lincoln ở phía xa, ngay cả dưới trời mưa. Tôi nói thầm: “Chỗ này đây”.

Lát sau, người ta đưa một nhân viên an ninh đã từng theo bảo vệ Tổng thống đến thăm nghĩa trang Arlington này vài tuần trước đó. Khi tôi nói cho anh ta biết về địa điểm mà tôi đã chọn được, anh ta gật gù kể lại: “Hôm Tổng thống đến đây tham quan, Tổng thống đã dừng lại ở địa điểm đó, nhìn ngắm về phía các đền đài nọ, và tôi nghe Tổng thống bảo rằng đây là cảnh đẹp nhất ở Washington này”.

Quyết định đồng ý chung cuộc đến từ Jackie Kennedy, sau khi đã cùng tôi đi xem địa điểm này vào cuối buổi chiều. Trời vẫn mưa một cách buồn bã khi chúng tôi lội trong cái biển mộ phần. Đến nơi tôi đã chọn trước, Jackie đồng ý ngay theo phản xạ. Bà cũng đã được chôn ở địa điểm này vào năm 1994.

“John F.Kennedy có thể sẽ làm gì về vấn đề VN nếu như ông còn sống? Trong hơn 30 năm qua tôi đã được hỏi câu hỏi này không biết bao nhiêu lần và tôi đều đã từ chối trả lời vì hai lý do: Tổng thống chưa từng nói với tôi ông dự định sẽ làm gì trong tương lai. Vả lại, những suy nghĩ, mà ông có thể có từ trước khi Diệm chết, có lẽ cũng đã thay đổi do lẽ những tác động của sự kiện này trên các luồng vận động chính trị ở Nam VN ngày càng hiển hiện hơn.

Ngoài ra, cũng chẳng có lợi lộc gì cho đất nước chúng ta, nếu như tôi hoặc ai khác giải đoán như thế này, giải đoán như thế nọ về việc một Tổng thống đã quá cố có lẽ đã làm những gì?

Nhưng ngày nay, tôi cảm thấy khác hẳn. Sau khi đã xem lại tư liệu thật chi tiết, lại nhờ khoảng cách thời gian thuận lợi cho việc nhìn nhận vấn đề, tôi nghĩ rằng rất có thể Tổng thống Kennedy, nếu như còn sống, đã đưa chúng ta ra khỏi VN. Có lẽ ông đã kết luận rằng phía NVN không đủ khả năng tự bảo vệ và rằng sự yếu kém về chính trị của Sài Gòn khiến cho việc bù đắp những hạn chế đó của lực lượng NVN bằng việc gửi quân chiến đấu của Mỹ qua với qui mô lớn, quả là không khôn ngoan.

Tôi tin là ông cũng sẽ đi đến kết luận này ngay cả trong trường hợp, mà tôi nghĩ rằng ông có thể đã làm dù ông lý luận rằng NVN và rồi cuối cùng là Đông Nam Á sẽ rơi vào chủ nghĩa Cộng sản. Có thể ông sẽ nhìn thấy tổn thất đó lớn hơn là bây giờ chúng ta thấy nhưng có thể ông sẽ chấp nhận tổn thất đó. Kennedy có lẽ đã nhất trí rằng rút quân sẽ dẫn đến sự sụp đổ của các con bài đô-mi-nô, thế nhưng nếu có ở lại cũng dẫn đến cùng một hậu quả cuối cùng mà lại còn đòi hỏi một giá máu khủng khiếp.

Thành ra, tôi có thể kết luận rằng John Kennedy ắt hẳn đã rút khỏi VN thay vì dấn sâu hơn nữa. Giờ đây, tôi phát biểu nhận xét này vì lẽ, dưới ánh sáng của nhận xét đó, tôi phải giải thích tại sao và bằng cách nào mà chúng ta – kể cả Lyndon Johnson, người tiếp tục vai trò quyết định chính sách sau khi Tổng thống Kennedy qua đời – đã lại đưa ra những quyết định dẫn đến việc triển khai ở VN đến nửa triệu binh sĩ chiến đấu Mỹ. Tại sao chúng ta đã làm vậy và bài học có thể rút ra được từ những hành động của chúng ta là gì?
Xem clip vụ ám sát tổng thống J.F Kennedy

Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 10 - “Nếu không bị ám sát, J.F Kennedy đã rút quân khỏi Việt Nam” - McNamara