Chỉ vài tuần sau quyết định của Tổng thống rằng: “Mỹ sẽ không khởi xướng một điều gì khuyến khích tích cực một sự thay đổi chánh phủ NVN”, trong một bức điện gửi Max, cố vấn an ninh, ngày 25.10, đại sứ Lodge cố thuyết phục rằng “chúng ta không thể ngăn cản một cuộc đảo chánh, bởi lẽ âm mưu của các tướng NVN nay đã quá đà rồi”. >>Hồi ký McNamara: Kỳ 8: Đề nghị thay Diệm - Nhu vì "cần chế độ do quân đội nắm quyền"

Hồi ký McNamara: Kỳ 9 - Tranh cãi trong Nhà Trắng trước ngày đảo chính Diệm - Nhu

22/11/2014, 14:00

Chỉ vài tuần sau quyết định của Tổng thống rằng: “Mỹ sẽ không khởi xướng một điều gì khuyến khích tích cực một sự thay đổi chánh phủ NVN”, trong một bức điện gửi Max, cố vấn an ninh, ngày 25.10, đại sứ Lodge cố thuyết phục rằng “chúng ta không thể ngăn cản một cuộc đảo chánh, bởi lẽ âm mưu của các tướng NVN nay đã quá đà rồi”. >>Hồi ký McNamara: Kỳ 8: Đề nghị thay Diệm - Nhu vì "cần chế độ do quân đội nắm quyền"

Max trả lời thay cho Tổng thống rằng có ngăn cản đảo chánh như thế mới giữ được quyền xem xét lại kế hoạch đảo chánh của các tướng tá Nam VN và qua đó ngăn trở được bất cứ một mưu đồ nào không có nhiều cơ may thành công.
Trong một cuộc họp với Tổng thống 4 ngày sau đó, tôi đặt câu hỏi trong số các viên chức của chúng ta tại Sài Gòn đứng đầu việc lên kế hoạch đảo chánh đồng thời tôi cũng nhận xét rằng tướng Harkins (tư lệnh lực lượng Mỹ tại NVN) chắc đã không được biết những gì mà tòa đại sứ và CIA đang làm.
Bobby (em trai Tổng thống), nhìn nhận rằng đã không đọc tất cả mọi bức điện, nói rằng tình hình hiện tại quả là không có ý nghĩa gì đối với anh ta. Bobby cho rằng ủng hộ một cuộc đảo chánh đồng nghĩa với việc đặt tương lai NVN – và còn cả của Đông Nam Á – vào trong tay một ai đó mà lai lịch cũng như ý đồ như thế nào vẫn còn là một ẩn số đối với chúng ta.
Max cũng nhất trí nói rằng một đảo chánh thành công sẽ còn cản trở những nỗ lực chiến tranh bởi lẽ một chánh phủ mới, không có kinh nghiệm gì, sẽ còn phải học tập về cuộc chiến đó…
Trong cuộc họp lúc 6 giờ chiều, Tổng thống, vốn không hề cảm nghĩ như đại sứ Lodge rằng một cuộc đảo chánh sẽ chắc thành công hoặc phấn khởi chủ trương đảo chánh chống Diệm, nhận ra rằng các tướng tá NVN sẽ phải chứng tỏ rằng họ có thể sẽ thành công nhanh gọn.
Sau buổi họp, cố vấn an ninh Max gửi cho Lodge một bức điện mang nội dung trên và chỉ thị cho Lodge tiết lộ với tướng Harkins những kế hoạch đảo chánh của các tướng NVN và tìm hiểu xem ông ta cùng trưởng chi nhánh CIA đánh giá những việc gì cần làm.
Sau khi đọc xong các bức điện (trao đổi về kế hoạch đảo chánh, tướng Harkins gửi ngay cho tướng Max ở Washington một bức điện giận dữ. Ông ta than phiền về việc Lodge giấu nhẹm ông ta về cuộc đảo chánh đang được dự liệu, và nêu ý phản đối ý đồ đảo chánh. Tướng Harkins đề nghị “đừng vội vã thay ngựa giữa dòng mà nên có những hành động thuyết phục sao cho ngựa sẽ thay đổi đường chạy và phương pháp hành động”.
Lodge thất kinh trước ý nghĩ có một cố gắng cản trở nào đó của Bộ đối với cuộc đảo chánh, trả lời lại với cùng một giọng bực tức và khích bác “Đừng nghĩ rằng chúng ta có uy quyền để dời lại hoặc cản trở một cuộc đảo chánh”. Tôi nghiêm chỉnh hỏi lại rằng liệu các tướng tá NVN sẽ có khả năng tiến hành một cuộc đảo chánh một khi họ nghĩ rằng Mỹ chống lại điều đó.
Cố vấn an ninh Max có vẻ như chia sẻ quan điểm của tôi. Sau đó trong ngày, ông ta gửi cho Lodge một bức điện: “Chúng tôi không chấp nhận một chánh sách của Mỹ dựa trên cơ sở rằng chúng ta không có quyền dời lại hoặc can ngăn một cuộc đảo chánh… Chúng tôi nghĩ rằng…ông nên hành động và thuyết phục các người cầm đầu đảo chánh nên ngưng hoặc dời lại bất cứ hành động nào mà không cho thấy có nhiều triển vọng thành công”.
Dự trù rằng Lodge sẽ rời Sài Gòn về Washington để tham khảo vào ngày 1.11. Chỉ trước khi lên máy bay, Lodge mới cùng với Đô đốc Felt (tư lệnh hạm đội thứ 7) chào xã giao Diệm. Trước đó tổng thống Diệm có gởi văn thư ngỏ ý muốn Lodge ở lại thêm 15 phút sau khi Đô đốc Felt đã ra đi. Lodge làm đúng như lời Diệm nhắn. Lát sau, Lodge gởi điện cho Washington:
“Khi tôi đứng dậy ra đi, Diệm nói: làm ơn thưa lại với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và chân thành, rằng giờ đây tôi muốn thẳng thắn giải quyết các vấn đề hơn là đợi đến khi chúng tôi mất tất cả rồi mới bàn luận. Hãy thưa với Tổng thống Kennedy rằng tôi nghiêm chỉnh nghe các đề nghị của Tổng thống và muốn thực hiện những đề nghị đó song phải cho tôi đủ thời giờ”.
Lodge thêm vào bức điện đó nhận xét sau: “Trong thực tế, Diệm muốn nói: hãy bảo chúng tôi quý ngài muốn gì và chúng tôi sẽ làm theo. Tôi hy vọng sẽ bàn bạc việc này tại Washington”. Bức điện được chuyển đi qua kênh thông tin bình thường và cuối cùng đến Bộ Ngoại giao lúc 9 giờ 18 phút sáng (giờ Washington) ngày 1.11, đến tòa Bạch Ốc lúc 9 giờ 37 phút sáng. Lúc đó đã quá muộn rồi vì cuộc đảo chánh đã bắt đầu.
9 giờ 30 phút sáng 2.11, chúng tôi gặp lại Tổng thống để tiếp tục bàn luận về những sự kiện ở Sài Gòn. Khi buổi họp bắt đầu vẫn chưa rõ gì về số phận của Diệm, Nhu. Giữa buổi họp, Mike Forrestal (một thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia) chạy bổ vào phòng họp với một bức điện ngắn từ phòng tình huống. Chi nhánh CIA tại Sài Gòn báo cáo rằng các đồng nghiệp NVN của họ báo tin cho biết hai anh em Diệm, Nhu đã tự tử “trên đường đến Bộ Tổng tham mưu”.
Thật ra, sau khi ngỏ ý muốn đầu hàng, Diệm và Nhu đã đợi trong một ngôi nhà thờ Công giáo ở Chợ Lớn …Tướng Minh, sau này trở thành tổng thống, phái hai xe jeep và một thiết vận xa, tay bị trói ghì sau lưng. Khi đoàn xe đến Bộ Tổng tham mưu và cửa xe được mở, Diệm và Nhu đã chết rồi. Cả hai đều bị bắn, riêng Nhu còn bị đâm nhiều lần. Có người kể rằng tướng Đôn, một trong những người cầm đầu đảo chánh có hỏi Minh: “Tại sao các ông ấy lại chết?”
Minh trả lời: “Thế đã sao nào?”
Vài tháng sau, Minh nói với một người Mỹ: “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Họ phải giết chết”. Một chính khách dân sự, Trần Văn Hương, từng chỉ trích Diệm, và từng bị tống giam vì chống đối chế độ Diệm nói: “Các tướng tá chóp bu đã quyết định ám sát Diệm và em ông ta vì họ sợ chết. Họ thừa biết rằng họ vừa bất tài vừa vô đạo đức lại không có chút hậu thuẫn chánh trị nào, nên họ muốn đề phòng một màn trở lại ngoạn mục của tổng thống và ông Nhu nếu như hai người này vẫn còn sống”.
Khi Tổng thống Kennedy nhận được tin, mặt ông trắng bệch ra.Tôi chưa nhìn thấy ông xúc động đến thế. Những cái chết này “làm ông rúng động hẳn”, sau này Forrestal thuật lại: “Ông áy náy như thể đó là một vấn đề đạo đức tôn giáo…làm rúng động niềm tin vào cái kiểu cố vấn mà ông đang có được về vấn đề NVN. Arthur Schlesinger, Jr., ghi nhận rằng Tổng thống thật ủ dột và rúng động, dường như còn thối chí hơn bao giờ hết kể từ vụ Vịnh Con Heo”.
Cái chết của Diệm đã không kết thúc những dị biệt sâu sắc trong nội bộ chính phủ Mỹ về vấn đề Việt Nam. Trong một báo cáo của Lodge, có thể xem là tuyệt tác về mặt sai sự thật và quá trớn, đề ngày 4.11, các dị biệt đó xuất hiện bằng những lời lẽ như sau: “Có một số khác biệt giữa chúng tôi và quý vị trong cách đánh giá ý nghĩa và lợi ích của cuộc đảo chánh. Dưới mắt chúng tôi điều đó như sau:

a. Đối với bất cứ ai đã từng hoạt động quân sự và chính trị, cuộc đảo chánh này có vẻ như là một thành công đáng kể về cả hai mặt quân sự và chính trị.

b. Các chuyên viên đã từng chống lại cuộc đảo chánh này và đã từng tuyên bố “sẽ chiến thắng cùng với Diệm” giờ đây nói rằng cuộc đảo chánh này có ý nghĩa là chiến tranh sẽ được rút ngắn một cách đáng kể”.

Và Lodge đi đến kết luận là ông ta cũng tin tưởng rằng cuộc đảo chánh sẽ rút ngắn chiến tranh đồng thời đẩy nhanh thời điểm hồi hương của quân đội Mỹ. Tướng Max và tôi thì bi quan. Trước khi đảo chánh xảy ra, chúng tôi đã chẳng hy vọng gì lắm rằng một chính phủ mạnh và hữu hiệu thay thế ông Diệm sẽ nổi lên sau đảo chánh, chúng tôi cũng chẳng thấy một chính phủ như vậy thực sự thành hình.
Nhằm tìm hiểu sự thật, Tổng thống yêu cầu tôi chủ trì một cuộc họp tất cả những ai liên quan tại Honolulu ngày 20.11. Đó là cuộc họp cuối cùng của chúng tôi về Việt Nam trước khi chúng tôi họp với Lyndon Johson bắt đầu cầm quyền tổng thống 4 ngày sau đó. Lần cuối mà Tổng thống Kennedy có những nhận xét trước công chúng về vấn đề Việt Nam là tại cuộc họp báo ngày 14.11, khi ông tự đặt ra câu hỏi “Liệu chúng ta có đang bỏ cuộc tại NVN?” và tự trả lời: “Chương trình quan trọng nhất, tất nhiên là nền an ninh quốc gia của chúng ta, nhưng tôi không muốn Mỹ phải đưa quân đến đó”.
Trước cũng như sau cuộc phỏng vấn này, điểm then chốt trong các nhận xét của Tổng thống Kennedy, trước công chúng hay riêng tư, vẫn là: cuối cùng thì NVN phải tự gánh vác cuộc chiến tranh, Mỹ không thể làm điều đó cho họ được.
Hồi ký McNamara: Kỳ 8: Đề nghị thay Diệm - Nhu vì "cần chế độ do quân đội nắm quyền"
Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)
Bài liên quan
Điện Kremlin lên tiếng về thời gian tại vị của Tổng thống Ukraine Zelensky
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tương lai Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được an bài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồi ký McNamara: Kỳ 9 - Tranh cãi trong Nhà Trắng trước ngày đảo chính Diệm - Nhu