Nếu kế hoạch "phản đảo chánh" của Ngô Đình Nhu thành công sẽ “có một cuộc tắm máu - trong đó một số người Mỹ cũng như người Việt sẽ bị giết chết” (Robert Shaplen)…

Kỳ 19: Ngô Đình Nhu vạch kế hoạch “phản đảo chánh” mang mật danh “Bravo I và II“

Một Thế Giới | 19/05/2015, 05:07

Nếu kế hoạch "phản đảo chánh" của Ngô Đình Nhu thành công sẽ “có một cuộc tắm máu - trong đó một số người Mỹ cũng như người Việt sẽ bị giết chết” (Robert Shaplen)…

Lẽ ra cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm xảy ra hồi tháng 8, hoặc cuối tháng 10.1963 nhưng bất thành - bởi các đầu mối tình báo của Ngô Đình Nhu phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong quan hệ giữa các tướng lãnh Sài Gòn với Tòa đại sứ Mỹ - đặc biệt là các tài liệu liên quan đến âm mưu lật đổ.

Nhận báo cáo, Ngô Đình Nhu “tương kế tựu kế” bí mật cùng các tướng lãnh tâm phúc phác thảo kế hoạch “đảo chánh giả” để tiêu diệt “đảo chánh thật”. Theo đó, vài ngày sau lễ Quốc khánh 26.10.1963, tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân đoàn 3 (đang nắm giữ lực lượng quân đội chính quy trong khu vực thủ đô) sẽ cùng đại tá Lê Quang Tung - chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt (được phép hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH) kết hợp Liên binh phòng vệ Phủ tổng thống trung thành với hai ông Diệm - Nhu, sẽ bắt tay thực hiện chiến dịch mang tên Bravo qua hai giai đoạn (do Robert Shaplen nêu trong cuốn “The Lost Revolution” - được dịch và in lại qua “Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài - Người Mỹ làm thế nào để giết tổng thống Việt Nam”  - tài liệu đd ở Kỳ 16):

* Giai đoạn 1 (Bravo 1): “Để đánh lừa người Mỹ và các tướng đang mưu toan đảo chánh, đại tá Tung (Lê Quang Tung) sẽ gởi một vài đơn vị của ông (lực lượng đặc biệt) ra khỏi Sài Gòn, nói là đi hành quân.

Trong khi đó, các lực lượng trung thành khác cùng với các đơn vị thiết xa (thiết giáp) sẽ bí mật bố trí quanh thành phố (Sài Gòn). Rồi bất thần, các đơn vị cảnh sát và những toán phá rối làm ra vẻ chống Diệm để tạo một cuộc nổi dậy giả (đảo chánh giả). Hai ông Diệm - Nhu ngay trong giờ đầu hành động sẽ ra Vũng Tàu - nơi đây đã đặt sẵn một bộ chỉ huy có đầy đủ phương tiện liên lạc. Hai ông làm như thể đã “thoát được một cuộc nổi dậy”.

Một chính phủ cách mạng giả hiệu ở Sài Gòn sẽ ra tuyên cáo về chương trình mới. Và một vài tù nhân chính trị có tiếng tăm sẽ được thả ra khỏi nhà tù. Những toán du đãng khác được chiêu mộ khi ấy sẽ bắt tay vào hành động và sẽ có một cuộc tắm máu…”.

* Giai đoạn 2 (Bravo 2): “Trong vòng 24 giờ, “để tái lập trật tự” - các tướng Đính (Tôn Thất Đính), Cao (Huỳnh Văn Cao) sử dụng quân đội của họ quanh Sài Gòn, sẽ tấn công chiếm (giả vờ như tái chiếm) thành phố. Giai đoạn 2 này của cuộc “đảo chánh giả” gọi là Bravo 2. Và cuối cùng, hai ông Diệm - Nhu sẽ trở về từ Vũng Tàu như những vị anh hùng !”.

Nhưng cuộc “tắm máu” như Robert Shaplen nhắc đến đã không xảy ra, vì kế hoạch Bravo phá sản, do một mắc xích quan trọng trong hàng ngũ tướng lãnh trung thành với Diệm - Nhu là tướng Tôn Thất Đính đã ngã sang phía Hội đồng Quân nhân cách mạng (phe đảo chánh) vào những ngày cuối. Nên khi bị bao vây, hai ông Diệm - Nhu liên lạc điện thoại với tướng Tôn Thất Đính nhưng tướng Đính không trả lời. Quân đảo chánh tiến chiếm dinh Gia Long và bao vây nhà thờ Cha Tam vào 2.11.1963 (như đã viết ở Kỳ 18). Trần Kim Tuyến (cùng Cao Thế Dung) tường thuật tiếp:

Khi chiếc xe tăng M113 tiến vào nhà thờ, anh em ông Diệm vẫn đang còn đọc kinh: “đối với đời sống tôn giáo như Thiên Chúa giáo thì hai anh em ông Diệm đã làm tròn phép đạo trước khi lìa trần”. Lúc ấy, ông Diệm “vẫn bình thản đọc kinh”. Ông Nhu có vẻ bồn chồn, đứng lên trước và quay nhìn về hướng cửa chính. Ở hướng đó, một viên sĩ quan của phía đảo chánh từ dưới thềm bước lên, đưa tay mở rộng cửa. Nhật ký Đỗ Thọ (sđd Kỳ 18) ghi:

“Họ đẩy mạnh ông Nhu xuống sân nhà thờ. Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi và cha Jean theo sau. Trong khi đó trục máy của chiếc M113 buông thả cửa xe. Lính đảo chánh đẩy ông Nhu lên xe. Ông Nhu cự nự quay lại nửa người và đưa tổng thống Diệm lên trước. Tôi chạy đến trao chiếc cặp da, chiếc ba-toong cho tổng thống. Nhưng đại úy Nhung đã giật lấy những món này. Đồng thời họ không cho tôi được phép đến gần tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đứng lại nhìn. Cửa sau chiếc M113 đóng lại. Tôi không thể ngờ đó là nơi an nghỉ của tổng thống Diệm trong quan tài bọc sắt” (sđd tr. 267)

Đến cổng xe lửa đường Hồng thập tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM) đột nhiên đoàn xe dừng lại. Trần Kim Tuyến dẫn báo Công Luận (số 882 ngày 26-11-1970) tường thuật:

“Đại tá Lắm ngồi với thiếu tướng Mai Hữu Xuân trong một chiếc xe jeep chạy giữa đoàn, thấy đoàn xe bất thần dừng lại, ông không biết chuyện gì nên đã thét vào máy truyền tin:

- Ai cho lịnh các anh ngừng lại?

Tiếng quân nhân trên thiết giáp đi đầu trả lời:

- Thưa đại tá, kẹt xe lửa. Có một chuyến xe lửa sắp chạy qua, cổng rào đã kéo xuống.

Đại tá Lắm “à” một tiếng; rồi tiếp tục nói chuyện với thiếu tướng Xuân. Chừng vài phút sau, giữa tiếng chuyển động ầm ầm của chuyến xe lửa chạy qua, ông nghe mơ hồ có nhiều tiếng súng nổ, nhưng hỏi phía trước không có một báo cáo nào cho ông biết chuyện gì bất ngờ xảy ra (…) Đó là tiếng súng của đại úy Nhung (…) đại úy Nhung đã bất thần từ chiếc xe jeep đi kèm nhảy qua chiếc thiết vận xa, khẩu rouleau ngắn nòng được rút ra khỏi vỏ và ông đã nhả đạn, sau đó dùng dao kết liễu đời hai ông Diệm - Nhu. Hai nhân vật đầu não của chế độ nằm xuống. Vĩnh viễn nằm xuống, không một phản ứng nhỏ nhoi nào”…

Nhà báo quốc tế Robert Shaplen (rất thân thiết với Phạm Xuân Ẩn) - và là tác giả đã thông tin về kế hoạch “phản đảo chánh” Bravo của Ngô Đình Nhu, đưa ra một số luận cứ để cho rằng: “đại úy Nhung có thể đã ra tay hạ sát theo lệnh của tướng Dương Văn Minh”. Có một số giả thuyết khác nữa. Song dẫu thế nào, thì: “rõ rệt nhất là những viên đạn đó được chế tạo tại Hoa Kỳ. Nếu đại úy Nhung cầm súng nảy cò thì ông ta cũng là người thi hành lệnh cấp trên. Một đại úy như Nhung dù là sĩ quan tùy viên của chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng (tướng Dương Văn Minh) ông ta cũng chưa thể “điên” đến mức độ tự mình bắn anh em tổng thống Diệm” (Cao Thế Dung - Trần Kim Tuyến: Làm thế nào để giết một tổng thống?).

Đài phát thanh Sài Gòn loan tin: “Anh em ông Diệm và ông Nhu đã tự sát”. Song tài liệu lưu trữ đến nay cho biết phản ứng của Khâm sứ Tòa thánh Sài Gòn là bác bỏ ngay nội dung của bản tin trên, bởi: “đối với người Công giáo không được phép tự sát, vì đó là trọng tội đối với thượng đế và sẽ mất hết mọi ân phước - một người Công giáo như ông Diệm thì chuyện này (tự sát) không thể xảy ra”. Dư luận cho rằng cái chết của Diệm - Nhu “đến nay tuy không còn là một điều bí mật, song có quá nhiều những chi tiết mâu thuẫn nhau”. Và đàng sau hai cái chết ấy là một âm mưu chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, được tiết lộ qua “Hồ sơ tối mật của Ngũ Giác Đài” với nguyên bản các tài liệu dính dấp đến Tổng thống Kennedy, Phó tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara, Thứ trưởng Quốc phòng Roswell L. Gilpatric, Phó giám đốc cơ quan CIA: trung tướng Marshall S. Carter và thiếu tướng Victor H. Krulak, phụ tá đặc biệt Tham mưu trưởng Liên quân đặc trách chống phản loạn của Mỹ, như thế nào? (còn nữa)

 Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 19: Ngô Đình Nhu vạch kế hoạch “phản đảo chánh” mang mật danh “Bravo I và II“