Tôi đành phải thuê một chiếc chiếu một chiếc giường tre chỉ đủ một người nằm cho cô bạn đồng nghiệp. Cô “em gái” tính nhẩm, nếu căn cứ vào giá thuê chiếu và giường, cộng với tiền ăn uống một đêm, ngày cả trăm nghìn đồng, người nuôi bệnh và bệnh nhân ở lại dài ngày cỡ một tuần lễ thì chi phí quả thật không rẻ, nhất là với người bệnh nghèo.

Kỳ 2- Bệnh gì cũng một thứ thuốc, người bệnh vẫn đông nườm nượm

Một Thế Giới | 29/04/2015, 16:03

Tôi đành phải thuê một chiếc chiếu một chiếc giường tre chỉ đủ một người nằm cho cô bạn đồng nghiệp. Cô “em gái” tính nhẩm, nếu căn cứ vào giá thuê chiếu và giường, cộng với tiền ăn uống một đêm, ngày cả trăm nghìn đồng, người nuôi bệnh và bệnh nhân ở lại dài ngày cỡ một tuần lễ thì chi phí quả thật không rẻ, nhất là với người bệnh nghèo.

Thầy mở miệng là xổ “nho chùm”
Phải tới xế chiều hôm sau, nhờ chỗ quen biết với bà chủ quán, kiêm chủ nhà trọ phốp pháp, nhanh mồm nhanh miệng tôi mới đưa được cô “em gái” vào gặp “Thầy Tư”. Vào lúc đó, trong nhà Tư Phi đã chật cứng bệnh nhân ngồi chờ, có người bệnh nặng ngồi chờ không nổi phải nằm lăn ra đất thở phì phò như sắp tắt hơi.

Tôi dìu cô “em gái” vào, phải nói cô bạn đồng nghiệp của tôi nhập vai rất đạt, cứ như một người bị bệnh nan y sắp lìa cõi đời vậy. Tư Phi là một người đàn ông trung niên, nhỏ con, ốm yếu, mặt mũi khó đăm đăm, mắt láo liên, rất gian có bộ dáng của một tay thiến heo miệt vườn, ngón tay đeo một chiếc nhẫn vàng tây, mặt đá cẩm thạch màu xanh to kềnh kệch. Vừa thấy chúng tôi, Tư Phi sẵng giọng:

        - Cô này bệnh nặng ở lại khám, còn mày đi ra.

        - Nhưng em tôi bệnh nặng, đi không nổi phải có tôi dìu mới được.

        - Đ.M, khỏi cần mày khai báo, mới nhìn tao biết liền. ĐM… bệnh thập tử nhất sinh gặp tao là… trốn luôn. Khỏi cần mày dìu, đỡ chi cho cực.

“Cô em” tôi thều thào năn nĩ “Thầy Tư” cho tôi ở lại để phòng có chuyện gì bất trắc thì giúp đỡ nên mới được “thầy” chấp nhận, nhưng thái độ không vui. Tư Phi hỏi:

        - Đau lâu rồi phải không?

        -Dạ, em bị bệnh nhức đầu, đau bụng mấy năm nay rồi, chữa  không hết, đi nhiều bác sĩ nhưng không bác sĩ nào tìm ra bệnh.

        - Đ.M, mấy cha bác sĩ đó biết khỉ khô gì. Gặp… tui là may phước cho cô lắm, tui khám 46 giây là biết nguyên nhân liền thôi. Ung thư tui còn tìm chữa được, sá gì cái chứng đau bụng nhức đầu của đàn bà, con gái. Có chồng chưa?

        - Dạ chưa, bệnh hoài lấy chồng sao được.

        - Đ.M… gặp tui, mai mốt hết bệnh tha hồ lấy chồng.

Ai cũng bị bệnh gan

Tư Phi bảo “cô em” tôi đưa tay ra, rồi chỉ ngón trõ vào cổ tay, chứ không nắm hai ngón cái và ngón trõ để bắt mạch như các thầy lang thông thường. Đúng là nhanh chỉ 46 giây, có khi nhanh hơn, vì chỉ sau 46 tiếng đếm rất nhanh rồi Tư Phi phán:

        - Cô bị… gan, giai đoạn tiền ung thư gan sắp chuyển biến phức tạp lắm. Nếu không gặp tui thì chỉ tháng sau, hoặc chậm lắm là hai tháng nữa nó thành “áp xe”, lúc đó trời cũng thua. Thôi, uống thuốc tui mấy ngày sẽ giãm nhức đầu, đau bụng, một tuần là mặt mày hồng hào tươi tỉnh, gan sạch bong.

Tôi thăm dò:

        - Thuốc khó uống không thầy, em tôi sợ thuốc lắm. Đắng quá nó uống không được.

        - Đ.M, thuốc gì mà không đắng, ngọt chỉ có… đường phèn. Nhưng tao bảo đảm uống thuốc của tao, cô em mày sẽ mau hết bệnh rồi… ghiền luôn (?!?).

Thuốc của Tư Phi bán dùng chữa bệnh gan cho “em gái” tôi bốc mùi hôi rất khó chịu, toàn là vỏ cây, rễ cây, có loại là lá khô xắt nhỏ… đủ thứ linh tinh, chẳng biết có phải là thuốc hay không. Tất nhiên “cô em” tôi ngửi mùi thuốc đã phát khiếp, còn những bệnh nhân khác không biết thế nào. Đáng ngạc nhiên hơn, hình như bệnh nhân nào Tư Phi cũng… cắt cho một loại thuốc.

Thừa lúc lộn xộn tôi lẻn vào nơi bào chế thuốc của Tư Phi liếc qua mới thấy kinh hoàng. Thuốc khô, thuốc tươi, rễ, vỏ, lá… lỉnh kỉnh, chồng chất lên nhau, trên kệ, dưới đất… vô cùng mất vệ sinh.

Khi tôi và cô bạn đồng nghiệp thôi nhập vai hai anh em đi tìm thầy chữa bệnh mà trở về với công việc của hai nhà báo xâm nhập thực tế mới thấy tình hình khám chữa bệnh của Tư Phi không chỉ mang tính lừa bịp, mà còn coi thường cả sinh mạng bệnh nhân.

Những nạn nhân đến đây cùng người nhà đều phải thuê nhà trọ nghỉ ngơi để chờ đợi lấy số thứ tự. Cảnh ăn uống, ngủ nghỉ vất vưởng, mất vệ sinh kéo dài nhiều ngày. Khi được khám chữa bệnh thì sức khỏe đã mỏi mòn, mất tiền mua thuốc mang về uống chưa chắc đã khỏi, có khi lâm vào cảnh tiền mất mà sinh mạng đi tong.

(còn tiếp)

Võ Thu Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2- Bệnh gì cũng một thứ thuốc, người bệnh vẫn đông nườm nượm