Từ việc Na Uy đón thủy quân lục chiến Mỹ và xây một hệ thống radar, Đại sứ Nga cảnh cáo “Na Uy chớ ngây thơ” về sự sẵn sàng phản ứng của Điện Kremlin.

Kỳ 2: Đại sứ Nga cảnh cáo Na Uy ‘chớ ngây thơ’ về sự sẵn sàng phản ứng của Điện Kremlin

29/06/2017, 11:49

Từ việc Na Uy đón thủy quân lục chiến Mỹ và xây một hệ thống radar, Đại sứ Nga cảnh cáo “Na Uy chớ ngây thơ” về sự sẵn sàng phản ứng của Điện Kremlin.

Radar cũ Globus-2(trái) và radar mới Globus-3 ở đảo Vardo - Ảnh: New York Times

Đại sứ Nga tại Oslo, ông Teimuraz Ramishvili nói với đài truyền hình NRK của Na Uy:

“Na Uy cần phải hiểu sau khi trở thành tiền đồn của NATO, họ sẽ phải đối mặt với Nga cùng sức mạnh quân sự Nga. Từ đó, sẽ không còn Bắc cực hòa bình nữa”.

“Cuộc chơi” do thám tên lửa Nga được bày ra

Ngoài các tàu ngầm Borei, Nga còn nhiều tàu ngầm khác, gồm 6 chiếc Delta IV trang bị nhiều tên lửa hạt nhân, hoạt động từ các căn cứ ở quần đảo Kola, nơi cách thị trấn đảo Vardo (Na Uy) chỉ 40 dặm.

Vardo là một vị trí quan trọng đối với Mỹ và phương Tây, để họ có thể cảnh giác với những hoạt động của Nga, theo ông Lasse Haughom, cựu thị trưởng Vardo và từng là một thành viên kỳ cựu của Cục tình báo quân đội Nga Uy.

Ông nói: “Nga muốn soi mói các bí mật của chúng tôi, và Mỹ - Na Uy cũng muốn xem xét hoạt động của họ. Từ đó cuộc chơi được bày ra”.

“Cuộc chơi” được bắt đầu ở Vardo vào giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, với việc xây một trạm radar cảnh báo sớm khá sơ khai, có tên Globus-2.

Thế nhưng thay vì bình yên - từ việc Liên Xô sụp đổ hồi hơn 25 năm trước - cuộc so kè Nga - Mỹ mới lại mở ra. Và với Nga, điều đáng báo động là một hệ thống radar mới và hiện đại, có tên Globus-3, đang được khởi công ở Vardo.

Dân số ở đây đã giảm một nửa so với số dân hồi 20 năm trước. Tuy nhiên công ty điện lực lại báo việc tiêu thụ điện tăng cao, nên họ phải tăng thêm nguồn cung cấp điện, lập một tuyến cáp điện dày mới dưới 1 đường ngầm dưới biển lạnh vốn ngăn cách đảo Vardo với lục địa Na Uy.

Tuyến cáp điện này cần cho hệ thống radar mới (do Mỹ tài trợ) đang được xây trên Vardo và nhìn đến quần đảo Kola lạnh lẽo vốn có nhiều căn cứ hải quân và khu quân sự của Nga.

Dự án radar của Mỹ - Na Uy sẽ tốn hàng trăm triệu USD, ngốn rất nhiều điện. Và chọc giận Moscow. Nga xem đó là cách Lầu Năm Góc bao vây Nga, kiềm chế tham vọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Nga lại trở thành cường quốc.

Trung tướng Heier của Đại học quốc phòng Na Uy nói: “Nga xem Vardo là một mục tiêu giá trị cao. Trong một cuộc khủng hoảng, nó sẽ là một trong những nơi đầu tiên bị cho nổ tung”.

Ông nói thêm: điều khiến Nga phải báo động, chính là vai trò của Vardo trong một chương trình phòng thủ tên lửa (của Mỹ) sẽ gây tổn thất nặng cho mục tiêu lại trở thành siêu cường của Nga, nhờ vào kho vũ khí hạt nhân và khả năng mở cuộc tấn công trả đũa thứ hai từ hạm đội tàu ngầm ở Bắc cực.

Tổng thống Putin đã đặt chương trình “Lá chắn” phòng thủ tên lửa của Mỹ lên hàng đầu trong danh sách những phát biểu chống Mỹ của ông.

Ông từng nói chương trình này “phá hủy cán cân chiến lược trên thế giới”.

Mỹ nhấn mạnh kế hoạch “Lá chắn” chỉ nhằm chống tên lửa của Iran và CHDCND Triều Tiên.

Cùng lúc, Nga hiện yếu hơn Mỹ về chiến tranh quy ước, xem Mỹ ráng phát triển một “lá chắn’ tên lửa là sự đe dọa trực tiếp đến một lĩnh vực mà Nga vẫn còn có thể cạnh tranh với Mỹ: là ngăn chặn hạt nhân.

Trung tướng Tormod Heier của đại học quốc phòng Na Uy ở Oslo nói với báo New York Times:

“Đang có Chiến tranh Lạnh mới, nhưng có tính đe dọa hơn cuộc trước, vì Nga hiện yếu hơn, và vì thế họ càng nguy hiểm hơn, không thể lường trước. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân cao hơn cuộc trước, khi Liên Xô có một loạt vũ khí khác nhau”.

Mục đích thật của radar Globus-3

Hệ thống radar mới ở Vardo sẽ chỉ nâng cấp hệ thống radar do Mỹ xây thời Chiến tranh Lạnh, và sẽ tiếp tục nhiệm vụ, theo ông Morten Haga Lunde, lãnh đạo Cục tình báo quân đội Na Uy.

Ông nói nhiệm vụ là “truy vết rác không gian, như vệ tinh hỏng” và “giám sát khu vực quyền lợi quốc gia của chúng tôi ở vùng Bắc cực”.

Tuy nhiên các tướng lĩnh Nga và nhiều người Na Uy bác chuyện “truy vết rác không gian”. Họ tin rằng radar mới Globus-3 là một phần nỗ lực của Lầu Năm Góc để phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, biến Vardo thành mục tiêu hàng đầu để tấn công, trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Theodore Postol, một chuyên gia về radar ở Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) nói việc xây một radar sử dụng điện mạnh như Globus-3 ở Vardo là “vô lý” nếu mục tiêu là truy vết rác không gian.

Ông nói mục đích thật chính là giám sát tên lửa Nga, và ông không nghĩ chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ có hiệu quả, nhưng Nga có lý do để lo ngại, dù Lầu Năm Góc đã bảo đảm Mỹ không tính làm suy yếu khả năng ngăn chặn hạt nhân của Nga.

Ông Postol còn nói: “Nếu bạn có một hàng xóm xách súng đi sát nhà, nói súng không đạn nhưng chắc chắn bạn phải nghĩ đến hàng xóm đang tính toán gì. Nó tạo ra vẻ ngoài rằng Mỹ có thể làm bất cứ điều gì để thu thập thông tin về tên lửa Nga, và nghĩ đến những giải pháp có thể chặn tên lửa Nga”.

Thế nhưng Giáo sư Katarzyna Zysk của Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy nói: so với tầm cỡ, tốc độ triển khai quân sự Nga ở Bắc Cực, việc củng cố khả năng thu thập tin tình báo của Nga là một “động thái quá khiêm tốn”.

Những nghi ngờ Globus -3 ở Vardo chẳng liên quan việc “truy vết rác không gian” đã được nhiều quan chức Mỹ nêu trong nhiều tuyên bố từ vài năm qua, xem ra mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của Nga Uy.

Trên một trạng thái được đưa lên trang web của mình (rồi sau đó xóa), hãng sản xuất hệ thống Globus-2 ở Vardo là Raytheon đã nêu: “ban đầu nó được thiết kế để thu thập dữ liệu tình báo chống tên lửa đạn đạo”.

Sợ bị đánh bom hơn chuyện sẩy thai

Tuy nhiên, đương kim thị trưởng Vardo, ông Robert Jensen cho rằng chẳng việc gì phải báo động, và ông ủng hộ dự án Globus-3, vì nó tạo ra nhiều việc làm cho cư dân Vardo: “Tôi chả bao giờ nghĩ Nga sẽ phát động Thế chiến 3 ở đây”.

Ông cũng cho biết cư dân đảo chỉ bận tâm việc các xí nghiệp chế biến cá phải đóng cửa, chứ không màng việc xuất hiện một radar Mỹ khác.

Nhà báo Dan Tore Jorgensen của tờ Osthavet (của Vardo) cho biết khu xây Globus-3 được vây bằng nhiều hàng rào an ninh, treo biển “cấm vào” bằng tiếng Anh, Na Uy và Nga để chỉ đấy là một khu quân sự cấm lảng vảng.

Và dù hệ thống radar hiện nay do người Na Uy điều hành, khách sạn chính của Vardo luôn đầy kín kỹ thuật viên Mỹ và điệp viên giả bộ là người quan sát chim biển.

Ngư dân Aksel Robertsen, 34 tuổi, nói Vardo rất cần việc làm để duy trì số dân 2.100 người khỏi giảm thêm, và anh cảm ơn Cục tình báo quân đội Na Uy tạo thêm việc làm.

Tuy nhiên, thực lòng thì anh chỉ thích theo đuổi nghề đánh cá, “chứ chúng tôi chẳng muốn radar bí mật”, và cho rằng Vardo “giống như Congo thuộc Bỉ”, một vùng đất độc lập mà chính quyền chỉ tạo ra việc làm chứ không có tiếng nói nào, thậm chí không biết số phận Vardo sẽ ra sao.

Tính chất bí mật quanh hệ thống radar mới khiến có nỗi sợ hãi rằng các quan chức che giấu những độc hại cho sức khỏe cùng các sự nguy hiểm khác.

Từ trường điện của hệ thống radar hiện nay đã phá sóng truyền hình - truyền thanh, và nhiều cư dân quy trách nhiệm cho những vụ sẩy thai và bị bệnh ung thư ở khu dân cư gần khu vực an ninh.

Cựu thị trưởng Haughom phủ nhận những lo ngại về sức khỏe: “Tôi nay 72 tuổi, đã làm việc ở đó suốt gần 30 năm, thế mà tôi vẫn khỏe”.

May-Sissel Dorme là 1 trong 3 phụ nữ bị sẩy thai hồi năm 2000, nói bà không chắc điện từ radar giữ vai trò khiến bà bị sẩy thai, nhưng bà chắc chắn một điều: “Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng tôi sẽ là nơi đầu tiên bị Nga đánh bom”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Đại sứ Nga cảnh cáo Na Uy ‘chớ ngây thơ’ về sự sẵn sàng phản ứng của Điện Kremlin