Như bài kỳ 1 chúng tôi đã nêu, phân nửa của những tài liệu và chứng cứ rất có khả năng không phản ánh đúng sự thật như nó vốn có. Vì thế trong bài này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích một số vấn đề với mong muốn sự việc có được cái nhìn tổng quan và đa chiều.

Kỳ 2: Khi các bài báo chỉ đưa tiếng nói một bên

Hữu Phú | 10/11/2016, 11:35

Như bài kỳ 1 chúng tôi đã nêu, phân nửa của những tài liệu và chứng cứ rất có khả năng không phản ánh đúng sự thật như nó vốn có. Vì thế trong bài này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích một số vấn đề với mong muốn sự việc có được cái nhìn tổng quan và đa chiều.

Bài trên báo Người Tiêu Dùng

Trong bài trước, chúng tôi đã lược trích một số đoạn trong bài báo Vụ xâm phạm nhãn hiệu Vĩnh Tiến: TIE miền Bắc đã sai còn “ngang ngược”?(http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-xam-pham-nhan-hieu-vinh-tien-tie-mien-bac-da-sai-con-ngang-nguoc-d48292.html) nên trong bài này xin mạn phép không trích dẫn nữa, chỉ xin được phân tích một số vấn đề về nghiệp vụ trong bài báo này.

Trước hết, ngay trong cái tít bài, đã thấy ngay một khả năng là bài báo rất dễ gây sự nhầm lẫn, ngộ nhận rằng sự việc đã được kết luận bởi những cơ quan có thẩm quyền về một vụ tranh chấp chưa hề được cấp tòa án nào xét xử. Dù tít bài được kết thúc bằng một dấu hỏi chấm nghi vấn, nhưng nội dung lại rất giống một câu ở thể khẳng định. Dấu hỏi ở cuối câu rất dễ bị hiểu là Công ty TIE Miền Bắc có “ngang ngược” hay không sau khi đã “sai”, tức là nghi vấn một vế của câu. Và nếu bị hiểu theo nghĩa này, bài báo dường như rơi vào một sai lầm chết người: Kết luận sự việc thay các cơ quan chức năng; kết luận trước khi trình bày tất cả những thông tin đa chiều thu thập được trong sự việc. Khó tránh khỏi việc bài báo sẽ bị hiểu là vi phạm nguyên tắc khách quan khi phản ánh nội dung sự việc.

Đọc trong toàn bài báo, người đọc thấy rất nhiều lập luận, chứng cứ được đưa ra từ phía ông Lâm An Dậu, Công ty Giấy Vĩnh Tiến, Công ty Vĩnh Tiến… mà thiếu hẳn những chứng cứ, lập luận từ phía Công ty TIE. Thêm vào đó, những từ, cụm từ như “phớt lờ”, “ngang ngược”, “nước chảy lá môn”… được cố ý đặt vào những ngữ cảnh nói về thái độ, cách hành xử của Công ty TIE dễ làm cho bạn đọc có ác cảm với Công ty TIE và hiểu là Công ty TIE đã vi phạm những điều đúng như ông Lâm An Dậu cũng như công ty của ông đã tố cáo.

Như chúng tôi đã nêu trong bài trước, trước khi xảy ra sự tranh chấp giữa đôi bên, ông Lâm An Dậu và các công ty của ông đã có một giai đoạn quan hệ hợp tác làm ăn với Công ty TIE Miền Bắc. Vì thế, trong nội tình sự việc rất có thể ẩn chứa một uẩn khúc nào đó… Ấy vậy mà trong bài lại không hề có một dòng nào thể hiện sự việc đã được phóng viên của báo Người Tiêu Dùng đến tìm hiểu tại Công ty TIE để nội dung bài báo có thông tin từ hai phía. Tất nhiên, phóng viên có thể có cách tìm hiểu thông tin cần biết mà không cần phải gặp trực tiếp đối tượng bị tìm hiểu (ví dụ điều tra về những phần tử thuộc giới giang hồ, ma túy, khủng bố…) vì có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng bài này không nằm trong thể loại điều tra, và việc tìm kiếm và cần có thông tin đa chiều, mà cụ thể từ phía Công ty TIE là không khó. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan của bài, tránh bị hiểu là quy chụp. Sự thiếu vắng hoàn toàn thông tin của phía Công ty TIE trong bài báo ấy vô hình trung đã đẩy Công ty TIE vào thế chịu lụy, bởi công ty này muốn chứng minh sự thật sẽ phải chủ động tìm đến báo Người Tiêu Dùng với tư thế của một kẻ đi “xin” mà không biết có được “cho” hay không. Trong trường hợp có được “cho” đi nữa, thì cũng đã rơi vào thế “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Với cách phản ánh ấy của bài báo, đương nhiên ông Lâm An Dậu và các công ty của ông - chủ thể tố cáo Công ty TIE - đã giành được lợi thế trên thương trường (quan hệ với người tiêu dùng), trong dư luận… trước khi các chứng cứ giữa đôi bên được cân nhắc, phán quyết bởi các cấp có thẩm quyền.

Bài trên Báo Công Luận

Tương tự như bài đăng trên báo Người Tiêu Dùng, bài Chủ tịch Giấy Vĩnh Tiến tố Cty Tie Miền Bắc “ăn cắp” nhãn hiệu (http://congluan.vn/chu-tich-giay-vinh-tien-to-cty-tie-mien-bac-an-cap-nhan-hieu/) đăng trên báo Công Luận online cũng có nội dung tương tự bài trên Báo Người Tiêu Dùng, tức là chỉ dựa trên tài liệu được cung cấp từ phía ông Lâm An Dậu và các công ty của ông, hoàn toàn không thể hiện nội dung thông tin, tài liệu được thu thập từ phía Công ty TIE, dù cho biết là có “không ít “lình xình” trong việc hợp tác, kinh doanh giữa Cty Giấy Vĩnh Tiến và Cty CP Tie”. Có “lình xình” mà phóng viên không tìm hiểu thật kỹ những “lình xình” đó là gì, có liên quan đến nguyên nhân khiến ông Lâm An Dậu tố cáo Công ty TIE hay không? Đã thế, bài trên Báo Công Luận còn có những kết luận đại loại như: “Đã có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” và “vấn đề là dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được chỉ ra khá rõ trong các kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, sẽ chưa thể có bất cứ hình thức giải thích, biện minh nào từ hai phía có giá trị pháp lý cao hơn kết luận trên…”. Kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã bao giờ vượt qua vai trò của một tài liệu tham khảo, để trở thành một văn pháp lý có tính chế tài trong một vụ tranh chấp kinh tế, có thể dẫn tới tranh tụng tại tòa án? Có những khái niệm nào đã bị đánh tráo (hay chưa được giải thích rõ ràng) ở đây để khiến bạn đọc có thể hiểu nhầm là vụ tranh chấp đã được phán quyết (hay phân xử) trước các cấp có thẩm quyền? Điều này có cách hiểu nào khác ngoài cách hiểu là phóng viên Báo Công Luận online quá thiếu sót trong tác nghiệp, tìm hiểu thông tin cho bài báo.

Trong bài Chủ tịch Giấy Vĩnh Tiến tố Cty Tie Miền Bắc “ăn cắp” nhãn hiệu đăng trên Báo Công Luận online, nội dung bài không dưới một lần úp mở đề cập đến những “lình xình” và “mâu thuẫn” trong quá trình hợp tác kinh doanh giữa ông Lâm An Dậu và các công ty của ông với Công ty TIE, cụ thể là Công ty TIE Miền Bắc, và hứa sẽ thông tin trên những bài báo tiếp theo nhưng lại không cho biết bao giờ, như thế nào… tức không xác định cụ thể thời hạn trách nhiệm của phóng viên và cơ quan báo chí trong việc đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi đưa thông tin về một vụ việc. Việc tìm hiểu thêm một nguồn tin để đối chứng, đảm bảo những yêu cầu tối thiểu của một bài báo hoàn chỉnh khó quá chăng? Hay nội dung sự việc tranh chấp có những tình tiết, thông tin quá nhạy cảm, khó có thể đăng tải để bạn đọc tỏ tường? Nếu chưa có đầy đủ thông tin về một vấn đề cần xác định, tại sao Báo Công Luận online lại quyết định cho đăng bài báo như vậy để dẫn tới một khả năng chắc chắn là Công ty TIE sẽ bị tổn hại về mặt uy tín, thương hiệu, bị thành kiến trước khi vụ việc được đưa ra tranh tụng tại tòa án.

Dù cố hiểu theo cách khách quan nhất (loại bỏ yếu tố động cơ), thì bằng “con mắt nghiệp vụ”, chúng tôi vẫn buộc phải kết luận rằng: Những bài báo viết về vụ tranh chấp giữa Công ty TIE với ông Lâm An Dậu, Công ty Giấy Vĩnh Tiến, Công ty Vĩnh Tiến, đã được đăng trên Báo Người Tiêu Dùng và Báo Công Luận online đều quá… vội vã, vội vã trong tác nghiệp, vội vã trong đăng tải.

Vụ tranh chấp này không phải là vấn đề thời sự nóng đòi hỏi phải có cuộc đua tốc độ để tranh quyền thông tin trước cho bạn đọc. Với tư cách là một bên có liên quan trong vụ việc, tư cách của một chủ thể bị tố cáo mà chưa bị cơ quan có thẩm quyền nào kết luận là sai phạm, Công ty TIE hoàn toàn có quyền nói tiếng nói của mình, theo cách của mình về nội tình sự việc, để đối chứng lại những thông tin mà bên tố cáo đã cung cấp cho các cơ quan báo chí, nhằm cung cấp thông tin đa chiều cho bạn đọc, tránh sự thành kiến không hay trước khi vụ việc được đưa ra tranh tụng trước tòa án…

Hữu Phú

Kỳ sau: Công ty TIE nói gì?

(Kỳ 1:http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/tie-lai-mot-nan-nhan-cua-truyen-thong-thien-lech-47027.html)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu 4 Ủy viên Bộ Chính trị
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Khi các bài báo chỉ đưa tiếng nói một bên