Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là 1 trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và đ

Kỳ 2: Vị tướng tài ba mắc họa khi đang ở độ tuổi sung sức

Quốc Phong | 11/03/2018, 06:46

Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 3, nguyên Thường trực Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất T.Ư (hàm bộ trưởng) là 1 trong 4 trung tướng được phong hàm theo sắc lệnh năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế nhưng, phải hơn 8 năm sau khi bao oan trái ập đến với mình, ông mới được minh oan và Bộ Chính trị đã kết luận ông "không liên quan đến nhóm xét lại, chống Đảng" và đ

Kỳ 1: Được phục hồi, nhưng nỗi oan sau nửa thế kỷ vẫn chưa được giải mã

-Nhà báo Quốc Phong:Tôi cũng từng là người lính, sau đó theo nghiệp báo chí nên tôi cũng quan tâm đến lịch sử đất nước, lịch sử quân đội. Quả thật, bấy lâu nay chúng tôi có nghe loáng thoáng câu chuyện về tướng Vịnh nhưng không ngờ anh lại là người thân của cụ. Cũng từng tìm hiểu về ông mà cảm thấy có nhiều điều không rõ ràng. Đến khi đọc cuốn sách “Tướng Vịnh, như anh vẫn sống”, được xuất bản năm 2003 mới được biết nhiều về cuộc, sự nghiệp vì nước quên thân của vị tướng tài ba, trí dũng, nhân nghĩa... Nhưng tôi vẫn muốn biết thêm về cuộc đời ông, về nỗi oan nghiệt đã đổ lên đầu ông vào năm 1968 và câu chuyện minh oan cho ông vào cuối năm 1977…

-Ông Bùi Huy Hùng:Chúng ta sẽ khó mà biết được đầy đủ về chuyện này, về vụ án “nhóm xét lại, chống Đảng” đã xảy ra vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, vụ án mà tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng khóa III, là 1trong 4 người thuộc “nhóm đó”. Có lẽ, chỉ khi nào tài liệu lưu trữ được giải mật theo một đạo luật nào đó như ở các nước văn minh thì các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến việc này mới được tiếp cận đầy đủ thông tin chính thức.

Nhưng có một điều có thật, đó là vào khoảng giữa năm 1968 Trung tướng Nguyễn văn Vịnh đã bị đình chỉ công tác để kiểm điểm, điều tra. Gần 4 năm sau, vàongày 27.1.1972 BCHTƯ Đảng (khóa III) đã có “Quyết định cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, cách chức Ủy viên Quân ủy Trung ương, tước quân hàm trung tướng, cách chức Thứ trưởng, Phó tổng tham mưu trưởng, cách chức Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, khai trừ ra khỏi Đảng” đối với tướng Nguyễn Văn Vịnh. Rồi đến ngày 13.10.1977, Bộ Chính trị (BCHTƯ Đảng khóa IV) đã có quyết định trong đó ghi rõ “đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng”.

Trên cơ sở đó, ông được khôi phục Đảng tịch, được trao lại quân hàm tướng, nhưng là từ trung tướng hạ xuống thiếu tướng. Điều đáng lưu ý là người phụ trách việc này của Trung ương Đảng khi đó là ông Lê Đức Thọ, và cũng chính ông Thọ đã đưa tận tay cái quyết định có ý nghĩa “giải oan” cho tướng Vịnh tại khu B bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, nơi ông đang điều trị. Thế rồi sau khi ông Thọ vào thăm, ông đã có ý kiến thế nào đó nên tướng Vịnh được chuyển sang khu vực điều trị dành cho cấp bộ trưởng.Tuy nhiên, ông Vịnh nói khéo rằng mình sắp xuất viện, không chịu sang khi bệnh viện đến thông báo.

Và tôi may mắn được chứng kiến cuộc gặp hiếm hoi đó giữa hai người, kể từ khi xảy ra chuyện lớn với tướng Vịnh gần 9 năm trước, tôi cũng được đọc những dòng chữ quan trọng ghi trên tờ giấy đó, sau khi ông Thọ ra về.

Chúng ta đang đề cập đến hai chuyện khác nhau, tuy có liên quan với nhau, đó là, cái gọi là "nhóm xét lại chống Đảng", và chuyện về việc kỷ luật và “minh oan” của tướng Vịnh. Tôi chỉ có thông tin về chuyện của tướng Vịnh. Bạn hỏi về ông, về chuyện của ông tôi có thể nói một cách trung thực, thẳng thắn và cố gắng khách quan để trao đổi ý kiến của mình với bạn.

Bìacuốn sách xuất bản năm 2003 nhưng không đề cập chút nào lý do tướng Vịnh bị hàm oan

-Vâng! Cám ơn anh vì sự thẳng thắn. Theo anh, vì sao lại xảy ra một chuyện đáng tiếc như vậy?

-Ông Bùi Huy Hùng:Trong chính trường, những chuyện lớn đáng tiếc như thế đã từng xảy ra. Mà nó xảy ra không chỉ ở nước ta. Vấn đề là nên nhìn nhận nó như thế nào và làm gì để những “trang tối”, những bi kịch chính trị như vậy sẽ không lặp lại.

Chúng ta đều biết trong lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô, Nhà nước Xô viết đã từng có giai đoạn có thể gọi là những “trang đen tối”, khốc liệt dưới thời ông Stalin vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ trước, nó kéo dài đến thời kỳ chiến tranh vệ quốc 1941.

Chỉ vì khác quan điểm về lựa chọn con đường xây dựng xã hội mới mà một trong những lãnh tụ xuất sắc nhất của ĐCSLX, Nhà nước Xô viết, người được Lênin đánh giá rất cao là ông Bukharin đã bị cách mọi chức vụ, bị tống giam vào tù và sau đó bị xử bắn vì bị khép vào tội “phản Đảng, phản bội Nhà nước Xô viết...”.

Ông Bukharin là nhàtrí thức trẻ, một trí thức tài giỏi, lại sớm tham gia Đảng Bônsêvich từ lúc hoạt động bí mật, sau đó là Uỷ viên BCT. Ông là người không đồng tình với chủ trương cải tạo XHCN, hợp tác hóa nông nghiệp vội vàng... Ông chủ trương phát triển quan hệ thị trường, kinh tế tư nhân. Ông từng công khai kêu gọi mọi người dân làm giàu để xây dựng xã hội mới. Điều đó trái với đường lối do Stalin chỉ đạo. Và ông đã gặp họa. Phải đến hơn 50 năm sau, ở Liên Xô thời cải tổ, người ta mới phục hồi danh dự cho ông.

Trong lịch sử Hồng quân Xô viết, cũng vào cuối những năm 30, một loạt sĩ quan cao cấp, trong đó có cả những vị nguyên soái tài ba lỗi lạc đã bị tống giam, có nhiều người bị xử bắn không qua xét xử công khai, trong đó có cả vị nguyên soái huyền thoại Tukhachevsky (trong 5 nguyên soái đầu tiên của Liên Xô được phong quân hàm vào năm 1935, thì 3 ông bị tống giam và bị xử bắn vào năm 1937). Phải đến vài chục năm sau, họ mới được minh oan và phục hồi danh dự.

Khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước Xô viết nhận ra sai lầm, đã trả lại tự do, phục hồi chức vụ cho những người còn bị giam giữ ở Siberia ngay trước khi nổ ra chiến tranh vệ quốc tháng 6 năm 1941, những con người trung thành với đất nước đã gạt bỏ những nỗi đau oan trái, tiến ra chiến trường với tất cả nhiệt huyết, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn sang nước Trung Hoa XHCN cũng vậy. Ngay từ những năm đầu tiên xây dựng xã hội mới sau cách mạng thành công năm 1949, liên tục diễn ra các cuộc thanh trừng nội bộ ở cấp cao dưới thời ông Mao Trạch Đông. Đỉnh cao của đấu tranh nội bộ là cuộc “đại cách mạng văn hóa” do ông Mao phát động vào giữa những năm 1960.

Hậu quả của nó, theo thống kê của báo chí Trung Quốc là 20 triệu cán bộ đảng viên bị sát hại bằng nhiều cách, trong đó có cả Phó chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, một số ủy viên Bộ Chính trị, một loạt phó thủ tướng, bộ trưởng, nguyên soái, tướng tá từng là công thần lập nước và khoảng 100 triệu người bị đàn áp, khủng bố, bị đầy ải đến những vùng xa xôi hẻo lánh.

May cho nước Trung Hoa là có người dù bị kỷ luật lên xuống, 3 lần bị đuổi ra rồi quay lại Trung Nam Hải, cuối cùng cũng thoát hiểm và ông ấy, Đặng Tiểu Bình đã nắm trọn quyền lực một thời gian sau khi ông Mao chết, đã khởi xướng đường lối cải cách mở cửa, đặt nền móng cho sự phát triển của đất nước Trung Hoa hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên được những sai lầm của ông ta, do tư tưởng bá quyền nước lớn đã phát động chiến tranh xâm lược chống Việt Nam năm 1979...

-Đúng là như vậy! Cũng thật khó hiểu tại sao ở các nước xây dựng xã hội XHCN lại xảy ra những chuyện khủng khiếp như anh vừa nhắc đến? Phải chăng tinh thần dân chủ, phê và tự phê của hệ thống XHCN có phần bảo thủ và hạn chế tư tưởng? Trở lại câu chuyện của tướng Vịnh, anh có thể nói cụ thể hơn không? Vì sao ông Vịnh lại bị quykết vào "nhóm chống Đảng", rồi lại được minh oan?

-Ông Bùi Huy Hùng: Ta thử hình dung tình thế chính trị nước ta gắn với tình hình phe XHCN suốt những năm từ 1960-1968 và đầu những năm 70. Đảng ta, nhân dân ta mong muốn thống nhất đất nước. Bằng cách nào? Ngoài quyết tâm và sức mạnh dân tộc, rõ ràng phải dựa vào sự giúp đỡ thiết thực của các nước bạn, trong đó chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.

Thế nhưng, hai nước anh em này thì lại trong trạng thái mâu thuẫn căng thẳng, nhất là từ sau năm 1960. Một ông thì bị xem là xét lại, hòa hoãn với phương Tây, với đường lối chung sống hòa bình, thi đua phát triển. Ông kia thì được xem là giáo điều, quyết chống Mỹ triệt để, tuyên bố sẵn sàng chiến tranh tổng lực, khích lệ Việt Nam chống Mỹ (sau này mới té ra là ông ta "muốn đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng"!!!).

Tôi nghĩ rằng, trong tình hình phức tạp như vậy việc trong giới lãnh đạo cao cấp ở nước ta có sự khác nhau về nhận định tình hình quốc tế, phương pháp tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước là điều dễ hiểu. Dù tất cả cũng là vì sự nghiệp chung, nhưng quan điểm có tính chiến lược, một số vấn đề về đường lối cách mạng, nhất là vấn đề đấu tranh thống nhất đất nước… ở thời điểm đó bắt đầu có sự khác biệt.

Đọc một số tư liệu lịch sử công khai, chúng ta biết rằng ngay Bộ Chính trị khi đó được tách làm hai nhóm, một nhóm “lo” việc chiến tranh giải phóng miền Nam do ông Lê Duẩn phụ trách, nhóm khác “lo” xây dựng XHCN ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Và điều đặc biệt nhất là khi đó, các vị lãnh đạo đã đồng ý với nhau để “nhóm miền Nam” có quyền quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành chiến tranh giải phóng miền Nam, sau đó báo cáo lại sau. Phải chăng, đó có thể được coi là một giải pháp khôn ngoan trong tình thế phức tạp khi đó, tình thế chiến tranh và có sự khác nhau về quan điểm.

Xem xét lại một số văn bản chính thức thì thấy cái gọi là “nhóm xét lại chống Đảng” có tên các ông là Ủy viên trung ương Đảng (khóa III): Nguyễn Văn Vịnh, Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng. Điều kỳ lạ là ông Đặng Kim Giang khi đó mới là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, không phải là Ủy viên trung ương mà lại được xem là "đứng đầu nhóm"(!?)

Tướng Vịnh, cho đến lúc được “minh oan”, bị quy kết là có quan hệ và câu kết với ông Giang cho nên bị xếp vào nhóm nói trên và bị kỷ luật rất nặng. Bi kịch là ở chỗ đó. Vậy tướng Vịnh có quan hệ như thế nào với ông Giang?

Chuyện là ngay đối diện với ngôi nhà 34A Cao Bá Quát, Hà Nội nơi tướng Vịnh ở, bên kia đường phố là nhà ông Đặng Kim Giang. Ông Giang thỉnh thoảng có ghé qua thăm ông Vịnh, chủ yếu là buổi tối hoặc ngày nghỉ, đặc biệt là sau những những chuyến ông Vịnh bí mật đi vào Nam công tác. Đúng là ông Vịnh có chuyện trò, trao đổi thông tin về tình hình chiến sự, nhận định xu hướng diễn biến và các biện pháp đấu tranh, v.v... với ông Giang. Tướng Vịnh đã không hề biết và không ngờ rằng ông Giang đang bị theo dõi đặc biệt.

Các cuộc gặp gỡ giữa hai vị tướng đương nhiệm đều được quan sát và ghi nhận từ một căn phòng nhỏ ở tầng 3 ngôi nhà 60 Hoàng Diệu, cách nhà tướng Vịnh vài chục mét.

Như tướng Vịnh kể lại với tôi, căn phòngdùng để theo dõi ông lại chính do ông đồng ý cho người ta mượn mà không hề hay biết. Theo lời ông, ngôi nhà 3 tầng số 60 phố Hoàng Diệu thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thống nhất Trung ương mà ông là thủ trưởng (Chủ nhiệm). Tại ngôi nhà này, Ủy ban bố trí cho các cán bộ của mình ở, bà Nguyễn Thị Bình (khi đó là Phó vụ trưởng, sau này là Phó chủ tịch nước) từng được Ủy ban phân cho 1 căn phòng cũng tại đó.

Một hôm, người ta báo cáo với tướng Vịnh rằng, một cơ quan khối nội chính có cán bộ đi Nam công tác đặc biệt; họ xin mượn một phòng nhỏ trên tầng 3 để bố trí cho gia đình cán bộ đó. Nghĩ thương anh em, dù là khác cơ quan nhưng cũng là đồng chí với nhau cả, ông đã đồng ý. Và thế là căn phòng đó trở thành "đài quan sát lý tưởng" cho việc từ trên cao, họ bí mật theo dõi người ra vào nhà ông. Trớ trêu như vậy đấy!

Sau này, khi bị tổ công tác đặc biệt của Trung ương truy hỏi về nguồn cung cấp tin chiến trường và đối sách của ta, ông Đặng Kim Giang đã khai là từ trung tướng Nguyễn Văn Vịnh. Quá trình điều tra khá dài, và chắc là rất phức tạp, người ta đã không tổ chức để ông Vịnh được đối chất với ông Giang theo đề nghị của ông. Ông Vịnh đã bị quy kết "tham gia nhóm chống Đảng doông Đặng Kim Giang cầm đầu" trong báo cáo chính thức trình Trung ương về kết luận điều tra hoạt động của nhóm xét lại, chống Đảng.

Phải đến ngày 13.10.1977, trong Quyết định của Bộ Chính trị (BCHTƯ khóa IV) về việc giảm án kỷ luật cho đồng chí Nguyễn Văn Vịnh mới ghi rằng “Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang...”. Cũng tại Quyết định nêu trên ghi rõ “... kỷ luật đã quyết định trong nghị quyết ngày 27.1.1972 kể trên là không phù hợp với mức độ sai lầm của đồng chí Vịnh...”.

Như tôi đã nói lúc đầu, chúng ta có quá ít thông tin về vụ án này, cái gì là chứng cứ thật, cái gì là ngụy tạo, suy diễn và quy kết? Nhưng theo tôi, một người như tướng Nguyễn Văn Vịnh, được các ông Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng... trong nhóm các Ủy viên BCT phụ trách tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam, một vị trung tướng được giao nắm giữ 4 trọng trách, một trong những người chủ chốt trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể về quân sự, chính trị đấu tranh giải phóng miền Nam theo nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng từ những ngày đầu cho đến giai đoạn quyết định nhất (1968), không thể là người “xét lại”, người mưu cầu hòa hoãn, hòa bình, lại càng không thể là người tham gia vào một “nhóm xét lại, chống Đảng”.

Đó là chưa kể đến quá trình tham gia hoạt động cách mạng, tham gia lãnh đạo kháng chiến chống Pháp ở khu 8, khu 9, phân khu miền Đông Nam bộ... với những cống hiến không nhỏ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nhưng thực tế là ông đã bị kỷ luật nặng và sau đó được “minh oan” một phần qua quyết định giảm án muộn mằn như báo Thanh Niên vừa rồi lần đầu công khai sau 50 năm để chúng ta được biết...

Quốc Phong

(còn tiếp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 2: Vị tướng tài ba mắc họa khi đang ở độ tuổi sung sức