Trong bài này chúng tôi xin lược đăng những nội dung chính trong lời kêu cứu của Công ty TIE sau khi một số cơ quan báo chí đưa thông tin về vụ tranh chấp giữa công ty này với ông Lâm An Dậu và các công ty của ông.

Kỳ 3: Công ty TIE nói gì?

Hữu Phú | 11/11/2016, 15:48

Trong bài này chúng tôi xin lược đăng những nội dung chính trong lời kêu cứu của Công ty TIE sau khi một số cơ quan báo chí đưa thông tin về vụ tranh chấp giữa công ty này với ông Lâm An Dậu và các công ty của ông.

Xin nhấn mạnh rằng bài viết này không nhằm khẳng định ai đúng ai sai mà chúng tôi chỉ muốn thông tin về sự việc được đảm bảo tính khách quan, công bằng, trước khi nó được phân xử bởi các cơ quan pháp luật.

Trong lá đơn kêu cứu, Công ty TIE giải trình sự việc như sau:

Một số cơ sở pháp lý liên quan đến vụ việc

1.Xuất phát điểm của mối quan hệ này chính là sự hợp tác kinh doanh giữa TIE và Vĩnh Tiến thông qua Hợp đồng nguyên tắc số 277/2013/HĐT – TIE ký ngày 20.10.2013 giữa hai bên. Cần phải nói thêm rằng TIE lúc này có phần vốn của Nhà nước chiếm 70% vốn điều lệ.

2.Tiếp theo đó vào cùng ngày 18.6.2014, Vĩnh Tiến tiếp tục ký với TIE Hợp đồng số 237/2014/HĐT – TIE để bán các thiết bị máy móc và Hợp đồng số 238/2014/HĐT-TIE làm cơ sở cho sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tiếp theo.

3.Tháng 7.2014, Vĩnh Tiến – TIE, nay là TIE Miền Bắc được thành lập trên cơ sở góp vốn giữa TIE và Vĩnh Tiến do ông Lâm An Dậu là người đại diện theo pháp luật lúc bấy giờ. Tổng vốn điều lệ của Vĩnh Tiến – TIE là 30 tỉ đồng (trong đó: TIE góp 14,7 tỉ, tương đương 49% vốn điều lệ và Vĩnh Tiến góp 15,3 tỉ, tương đương 51% vốn điều lệ).

4.Tháng 12.2015, Vĩnh Tiến – TIE bổ sung thành viên góp vốn trên cơ sở Vĩnh Tiến chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty CP Bao bì Tân Duy Lợi. Lúc này, Vĩnh Tiến – TIE có 3 thành viên góp vốn: TIE (49%), Tân Duy Lợi (27,67%) và Vĩnh Tiến (23,33%).

5.Đến cuối tháng 5.2016, Vĩnh Tiến và Tân Duy Lợi chính thức thoái toàn bộ vốn góp khỏi Vĩnh Tiến – TIE. Lúc này Vĩnh Tiến – TIE chỉ còn 2 thành viên góp vốn là TIE (sở hữu 90% vốn điều lệ) và 1 cá nhân (sở hữu 10% vốn điều lệ).

6.Ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng vốn góp của Vĩnh Tiến, Tân Duy Lợi, Vĩnh Tiến – TIE đã đổi thành tên TIE Miền Bắc, điều này chứng tỏ Ban điều hành TIE đã chủ động thoát ly khỏi “Vĩnh Tiến”.

7.Xuyên suốt quá trình từ tháng 7.2014 đến cuối ngày 4.4.2016, ông Lâm An Dậu là người tham gia điều hành Vĩnh Tiến – TIE với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty. Ông Lâm An Dậu chấm dứt tư cách Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến – TIE kể từ ngày 5.4.2016 theo Quyết định số 01/2016/QĐ-HĐTV ngày 4.4.2016 của Vĩnh Tiến – TIE do ông Lâm An Dậu đứng tên ký quyết định.

8.Trong quá trình hoạt động từ tháng 7.2014 đến tháng 5.2016, Vĩnh Tiến – TIE có ký Hợp đồng “Cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” số 05/2014/HĐT-VTTIE ngày 23.9.2014 với Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến (Hợp đồng thương hiệu). Thời hạn hiệu lực hợp đồng này là 10 năm (nay vẫn còn hiệu lực).

Ý kiến của Công ty TIE

Do các thông tin của ông Lâm An Dậu, Giấy Vĩnh Tiến cùng các cá nhân, tổ chức có liên quan đã công bố trên phương tiện báo chí truyền thông cũng như trên thị trường đều có điểm chung giống nhau cho rằng Công ty TIE, Công ty TIE Miền Bắc đã xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Vĩnh Tiến” và ông Lâm An Dậu là “nạn nhân” trong vụ này nên Công ty TIE xin lấy bài đăng của Báo Người Tiêu Dùng để phân tích và làm sáng tỏ các nội dung như sau:

Nội dung bài báo có nêu: “Năm 2014, nhằm đẩy mạnh thương hiệu Vĩnh Tiến tại các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Văn phòng phẩm TIE Miền Bắc, địa chỉ tại Khu 4, phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Theo đó, Công ty TIE Miền Bắc được sử dụng nhãn hiệu của Vĩnh Tiến (“VINH TIEN” và “VIBOOK”) với điều kiện: Khi thực hiện các nội dung cụ thể, hai bên cần thỏa thuận thông qua hình thức văn bản, fax, thư điện tử hoặc các hình thức khác... và báo cáo sản lượng sản xuất thông qua bộ máy kiểm soát.

Đồng thời, mỗi sản phẩm của TIE Miền Bắc bán ra phải chịu mức phí sử dụng nhãn hiệu là 2.5%...Thế nhưng, theo Vĩnh Tiến, ngay sau khi ký hợp đồng, TIE Miền Bắc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm in nhãn hiệu VINH TIEN, VIBOOK và cả logo hình con nai (không có trong hợp đồng) mà không thông báo. Hơn thế, cũng không thanh toán bất kỳ khoản phí sử dụng thương hiệu, cũng như không báo cáo số lượng hàng hóa sản xuất, bán ra... Chính vì thế, chiếu theo Khoản 2, Điều 9 của bản hợp đồng (“có thể chấm dứt và thanh lý hợp đồng trong trường hợp: Một trong hai bên vi phạm những điều khoản đã cam kết”), ngày 8.6.2015, Vĩnh Tiến đã thông báo cho TIE Miền Bắc chấm dứt hợp đồng…”.

Bài báo trích dẫn một số nội dung trong Hợp đồng thương hiệu và nhận định những hành vi vi phạm của Công ty TIE Miền Bắc, đồng thời ghi nhận nội dung Công ty TNHH Giấy Vĩnh Tiến chấm dứt hợp đồng với Vĩnh Tiến – TIE (từ ngày 8.6.2015), theo chúng tôi đây chỉ là nhận định chủ quan và thiếu cơ sở, bởi vì:

-Hợp đồng thương hiệu ký kết giữa Vĩnh Tiến – TIE và Giấy Vĩnh Tiến có quy định những điều khoản nguyên tắc và điều khoản chi tiết. Căn cứ theo các điều khoản này các bên sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình. Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều IX Hợp đồng thương hiệu có quy định:

“IX.4 Trừ trường hợp bên B vi phạm nghĩa vụ thanh toán phí cho phép sử dụng thương hiệu cho bên A (Giấy Vĩnh Tiến), đã được bên A nhắc nhở bằng văn bản liên tục 3 lần và thuộc trường hợp khoản 3 điều này, bên B (Vĩnh Tiến – TIE) vẫn được sử dụng thương hiệu để sản xuất, kinh doanh”.

“IX.5 Một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trái với thỏa thuận trong hợp đồng này và/hoặc trái pháp luật gây thiệt hại cho bên còn lại thì phải bồi thường”.

Như vậy có thể thấy, việc chấm dứt Hợp đồng thương hiệu chỉ có thể được Giấy Vĩnh Tiến thực hiện khi Vĩnh Tiến – TIE vi phạm điều khoản thanh toán và đã được Giấy Vĩnh Tiến nhắc nhở bằng văn bản liên tục 3 lần mà TIE vẫn không thực hiện. Các trường hợp vi phạm khác thì chỉ có thể chấm dứt hợp đồng khi các bên thống nhất bằng văn bản hoặc do phán quyết của cơ quan tòa án có thẩm quyền khi hai bên phát sinh tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết (kể cả trong trường hợp quy định tại khoản IX.4).

Và điều này cũng hoàn toàn phùhợp theo quy định tại Điều VII của Hợp đồng thương mại (Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp). Trên thực tế, Giấy Vĩnh Tiến chỉ 1 lần gửi công văn số 06/CV-VT-2015 ngày 8.6.2015 cho Vĩnh Tiến – TIE (không đề cập đến việc thanh toán) để đề nghị chấm dứt Hợp đồng thương hiệu, nhưng Vĩnh Tiến – TIE đã phản hồi không đồng ý (vì lý do không đúng theo bản chất sự việc và không thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt).

Tuy nhiên ngay sau đó Giấy Vĩnh Tiến đã ngang nhiên chấm dứt Hợp đồng thương hiệu và đã chuyển quyền sở hữu thương hiệu lại cho ông Lâm An Dậu vào ngày 27.6.2015 (theo như lời ông Dậu ghi tại văn bản gửi các khách hàng do ông ký tên) mà không thông báo cho Vĩnh Tiến – TIE biết.

Cũng theo như văn bản do chính ông Dậu gửi đối tác, khách hàng vào tháng 10.2016, ông Dậu có khẳng định “Do đó, ngày 8.6.2015 Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đã thông báo chấm dứt hợp đồng ký tháng 9.2014 với Công ty TIE Miền Bắc… Sau khi thông báo chấm dứt hợp đồng cho phép sử dụng nhãn hiệu có thu phí đối với Công ty TNHH Văn phòng phẩm TIE Miền Bắc, ngày 27.6.2015 Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho tôi toàn bộ quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “VINH TIEN và hình con nai nhí”. Ngày 4.8.2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho tôi, cùng ngày tôi đã ký hợp đồng Li-Xăng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến…”.

Việc Giấy Vĩnh Tiến tự ý chấm dứt Hợp đồng thương hiệu và chuyển quyền sở hữu “lòng vòng” đã tự nó “tố cáo” sự không minh bạch của Giấy Vĩnh Tiến nói chung và bản thân ông Lâm An Dậu nói riêng trong quá trình thực hiện Hợp đồng thương hiệu với Vĩnh Tiến – TIE (nay là TIE Miền Bắc).

Để làm rõ thêm về việc vì sao Công ty TIE Miền Bắc chưa thanh toán phí sử dụng thương hiệu cho Giấy Vĩnh Tiến, TIE chúng tôi trình bày riêng vấn đề này như sau:

-Như đã nêu ở phần trên, trước đây giữa TIE và Vĩnh Tiến có mối quan hệ thương mại. TIE vừa là chủ thể xác lập hợp đồng với Vĩnh Tiến, vừa là thành viên góp vốn vào Vĩnh Tiến – TIE. Vì vậy, khi quyết toán công nợ giữa các bên thường là đối trừ công nợ. Thực tế, khoản phí mà Vĩnh Tiến – TIE phải trả cho Giấy Vĩnh Tiến không nhiều và hoàn toàn có thể cấn trừ vào các khoản nợ mà Vĩnh Tiến còn nợ TIE.

Vấn đề ở đây là Giấy Vĩnh Tiến chưa lần nào đề cập đến khoản phí này trong suốt thời gian ông Lâm An Dậu còn là Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến – TIE (5.2.2016), mà chỉ đơn thuần gửi thông báo cho Vĩnh Tiến TIE (8.6.2015) và TIE Miền Bắc (7.10.2016) nói rằng chấm dứt Hợp đồng thương hiệu.

Cần phải nói thêm rằng, trước khi ông Lâm An Dậu cùng các cá nhân, tổ chức liên quan có những hành động “quấy nhiễu” TIE và TIE Miền Bắc thì chính Vĩnh Tiến đã có văn bản số 08/CV-VT-2016 ngày 26.4.2016 và 09/CV-VT-2016 ngày 8.5.2016 đề nghị TIE xem xét xóa số tiền chậm phạt thanh toán là 740.295.894 đồng khi Vĩnh Tiến thanh toán cho TIE đủ 1.500.000.000 đồng và hai bên sẽ tiến hành thanh lý các hợp đồng đã ký kết.

Liên quan đến công nợ hiện tại giữa Vĩnh Tiến và TIE thì trước đây giữa ông Lâm An Dậu, Vĩnh Tiến và TIE có ký Hợp đồng cầm cố tài sản số 268/2014/HĐT-TIE ngày 4.9.2016 (có công chứng), theo đó để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho Vĩnh Tiến, ông Lâm An Dậu đã chấp thuận cầm cố 100.000 cổ phiếu do ông đứng tên tại Vĩnh Tiến, với giá trị thỏa thuận cầm cố là 10 tỉ đồng. Với lý do Vĩnh Tiến chưa thanh toán toàn bộ số nợ đã quá hạn cho TIE thì TIE hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết số tài sản cầm cố nêu trên theo đúng quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật.

-Thêm một vấn đề nữa đó là, tại sao từ thời điểm ký Hợp đồng thương hiệu đến khi ông Lâm An Dậu không còn là Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến – TIE, Giấy Vĩnh Tiến không làm rõ số phí sử dụng thương hiệu và yêu cầu Vĩnh Tiến – TIE thanh toán mà chỉ khi ông Dậu hoàn tất chuyển nhượng phần vốn góp cho TIE mới đề cập đến việc thanh toán phí.

Có phải việc chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên trong Vĩnh Tiến – TIE (Tân Duy Lợi và Vĩnh Tiến) có dấu hiệu gian trá. Theo chúng tôi, việc ông Dậu đơn phương chấm dứt Hợp đồng thương hiệu từ ngày 8.6.2015 và “âm thầm” chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho TIE (90% vốn điều lệ tại TIE Miền Bắc) để rồi quay lại “tố cáo” TIE, TIE Miền Bắc xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Vĩnh Tiến” là có sự toan tính.

Tuy nhiên, việc Giấy Vĩnh Tiến đơn phương chấm dứt Hợp đồng thương hiệu tại thời điểm tháng 6.2015 là trái với thỏa thuận trong hợp đồng và trái với quy định của pháp luật. Nói khác đi, Hợp đồng thương hiệu ký kết giữa hai bên vẫn có hiệu lực cho đến thời điểm mà Báo Người Tiêu Dùng đã thông tin. Trường hợp nếu Giấy Vĩnh Tiến đã chuyển nhượng lại thương hiệu cho ông Lâm An Dậu thì xem như Giấy Vĩnh Tiến đã vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng thương hiệu thì phải chịu bồi thường nếu có hậu quả xảy ra.

Đối với nội dung bài báo nêu: “Tuy nhiên, sau khi nhận thông báo, TIE Miền Bắc vẫn phớt lờ và tiếp tục sử dụng nhãn hiệu của Vĩnh Tiến. Hơn thế, doanh nghiệp này còn "ngang ngược" ra văn bản gửi các đối tác cũng như khách hàng Vĩnh Tiến, quả quyết: Việc in nhãn hiệu Vĩnh Tiến trên sản phẩm là hoàn toàn hợp pháp (!)...”.

Căn cứ theo nội dung đã phân tích nêu trên thì việc Báo Người Tiêu Dùng đăng nhận định như trích dẫn đã có phần quá chủ quan và có dấu hiệu xúc phạm doanh nghiệp khi cho rằng Vĩnh Tiến – TIE “ngang ngược”, trong khi Vĩnh Tiến – TIE đã và đang sử dụng thương hiệu hoàn toàn hợp pháp.

Cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm sử dụng thương hiệu “Vĩnh Tiến”, hơn ai hết ông Lâm An Dậu biết rất rõ vấn đề này trên cương vị là Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến – TIE. Những sản phẩm có gắn thương hiệu “Vĩnh Tiến” đều xuất phát căn cứ theo Hợp đồng thương hiệu ký kết giữa Vĩnh Tiến – TIE và Giấy Vĩnh Tiến (Giấy Vĩnh Tiến cũng có sự tham gia điều hành của ông Lâm An Dậu từ khi thành lập cho đến nay).

Ngoài ra, ông Lâm An Dậu với tư cách là người đại diện theo pháp luật của Vĩnh Tiến đã có ký kết nhiều hợp đồng với TIE, trong đó có hợp đồng cho TIE là nhà phân phối để bán các sản phẩm do chính Vĩnh Tiến sản xuất. Nói khác đi, mọi giao dịch liên quan đến thương quyền “Vĩnh Tiến” giữa Vĩnh Tiến – TIE, Vĩnh Tiến và TIE đều có sư tham gia của ông Lâm An Dậu. Vì vậy, chúng tôi mới có cơ sở để khẳng định “Việc in nhãn hiệu Vĩnh Tiến trên sản phẩm là hoàn toàn hợp pháp”.

Đối với nội dung: “Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền và sự gia tăng sản xuất (dẫu đã bị "nhắc nhở" nhiều lần) của TIE Miền Bắc, sự vụ được Vĩnh Tiến "đáo tụng đình". Ngày 28.9.2016 Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ra kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH381-16YC/KLGĐ. Theo đó, “Dấu hiệu “VĨNH TIẾN” gắn trên sản phẩm vở ghi là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “VINH TIEN và hình” được bảo hộ”.

Kết luận của cơ quan chức năng là vậy, song hệt như "nước chảy lá môn", Công ty TIE Miền Bắc vẫn mở rộng sản xuất hàng loạt sản phẩm giấy, tập vở in nhãn hiệu “VINH TIEN” cùng logo “chữ T và hình con nai” ngay trên địa bàn TP.HCM để “tung” ra thị trường cả nước. Không dừng ở đó, TIE Miền Bắc còn treo các biển quảng cáo có nhãn hiệu của Vĩnh Tiến, và thậm chí, còn phát sóng "mạnh mẽ" trên ti vi”.

Chúng tôi thấy các nhận định nêu trong nội dung trên hoàn toàn phiến diện, thiếu căn cứ và có ý quy chụp trách nhiệm cho TIE Miền Bắc, bởi về nguyên tắc, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền trưng cầu giám định khi phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền. Ở đây, ông Lâm An Dậu và Giấy Vĩnh Tiến có quyền như vậy và đương nhiên, kết luận của cơ quan giám định chỉ mang tính chất tham khảo hoặc làm cơ sở để giải quyết tranh chấp trước tòa.

Tuy nhiên vấn để ở đây chính là chỗ TIE Miền Bắc không hề xâm phạm thương hiệu “Vĩnh Tiến” vì việc sử dụng thương hiệu ở đây đã có sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp thông qua Hợp đồng thương hiệu. Ngay trong nội dung Kết luận giám định số NH380 – 16YC/KLGĐ và NHNH381 – 16YC/KLGĐ ngày 28.9.2016 của Viện Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ gửi cho Vĩnh Tiến - TIE có nêu:

“Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là đối tượng đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện sau:

Điều kiện thứ nhất: …

Điều kiện thứ hai: …

Điều kiện thứ ba: Được sử dụng một cách không hợp pháp, cụ thể là đối tượng được người thứ ba sử dụng nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu (đồng ý) hoặc không được pháp luật cho phép”.

Như vậy, có thể thấy Vĩnh Tiến – TIE không rơi vào trường hợp điều kiện thứ ba nên vô hình trung sẽ không bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Vĩnh Tiến”. Một khi đã không vi phạm thì căn cứ theo Hợp đồng thương hiệu, TIE có quyền sử dụng nhãn hiệu “Vĩnh Tiến” theo chiến lược kinh doanh của mình trong thời hạn hiệu lực của Hợp đồng thương hiệu và đương nhiên sẽ trả phí cho Giấy Vĩnh Tiến sau khi hai bên chốt được doanh thu thực các sản phẩm đã bán ra thị trường.

Việc Báo Người Tiêu Dùng nhận định chủ quan nêu trên dù vô tình hay hữu ý cũng gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp đã được pháp luật thừa nhận của Vĩnh Tiến – TIE (nay là TIE Miền Bắc).

Thêm vào đó, vào tháng 12.2014, trong giai đoạn ông Lâm An Dậu vẫn còn là Chủ tịch HĐTV, Vĩnh Tiến – TIE có ký Hợp đồng dịch vụ số 13/2014/HĐT-VTTIE với Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu T, T-BOOK, T-PIC và T-PAPER (có liên quan đến chữ “T” và “con nai”) và hiện nay hồ sơ vẫn đang trong giai đoạn thẩm định.

Như vậy có thể thấy, tại thời điểm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu T, ông Lâm An Dậu vẫn có trách nhiệm liên quan đến nhãn hiệu T này. Thêm vào đó, khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho TIE thì quyền và nghĩa vụ liên quan của Vĩnh Tiến bao gồm cả quyền kế thừa nhãn hiệu T do chính ông Lâm An Dậu thống nhất chủ trương lúc bấy giờ.

Do đó việc cá nhân ông Lâm An Dậu cũng như các cá nhân, tổ chức có liên quan “sử dụng” Viện Khoa học công nghệ để giám định hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu của TIE Miền Bắc nói riêng và TIE nói chung ngay sau khi thoái vốn khỏi Vĩnh Tiến – TIE là có dấu hiệu lừa dối trong giao dịch chuyển nhượng vốn góp.

Liên quan đến mối quan hệ giữa Vĩnh Tiến – TIE với ông Lâm An Dậu và Công ty cổ phần Giấy Vĩnh Tiến không chỉ dừng lại ở mối quan hệ về thương quyền mà còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa. Tuy nhiên có thể khẳng định một điều rằng, những hành động hiện nay của ông Lâm An Dậu và các cá nhân, tổ chức có liên quan đang gây phương hại đến TIE Miền Bắc nói riêng và Công ty cổ phần TIE nói chung.

Với tư cách là thành viên góp vốn chủ yếu trong TIE Miền Bắc, vì những thông tin mà ông Dậu cùng các cá nhân, tổ chức có liên quan công bố trên phương tiện truyền thông, trên thị trường là không đúng với bản chất sự việc và có dấu hiệu vu khống, gây tổn hại đến môi trường kinh doanh lành mạnh vốn được Nhà nước khuyến khích và bảo hộ.

Việc Báo Người Tiêu Dùng đăng tải thông tin bất lợi cho TIE Miền Bắc mà chưa qua kiểm chứng, xác thật thông tin đã có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí bởi đăng tải thông tin không đúng sự thật.

Trên đây là toàn bộ ý kiến của Công ty TIE với tư cách là bên có liên quan và là thành viên góp vốn chủ yếu trong TIE Miền Bắc về vụ việc nêu trên.

Công ty TIE đã nêu quan điểm của mình về toàn bộ diễn biến của vụ việc. Tất nhiên, cơ quan báo chí không phải là tòa án có trách nhiệm phân xử đúng sai. Chúng tôi chỉ nêu thông tin về vụ việc này khi có dấu hiệu của những uẩn khúc, thiếu công bằng, thiếu minh bạch… Dù vẫn biết thông tin bên phía tố cáo trong vụ việc đã được cung cấp rất nhiều cho các cơ quan báo chí trước đây, chúng tôi cũng rất hoan nghênh những thông tin đối chứng từ phía ông Lâm An Dậu và các công ty của ông để cho rộng đường dư luận.

Hữu Phú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 3: Công ty TIE nói gì?