1972 – chiến tranh Việt Nam đã lên đỉnh điểm của khốc liệt. Báo chí Sài Gòn tràn ngập tin tức về những trận đánh kinh hoàng từ Quảng Trị cổ thành, những cuộc đánh chiếm và tái chiếm.

Kỳ 3: Sài Gòn ra lệnh động viên năm 1972

22/08/2016, 07:53

1972 – chiến tranh Việt Nam đã lên đỉnh điểm của khốc liệt. Báo chí Sài Gòn tràn ngập tin tức về những trận đánh kinh hoàng từ Quảng Trị cổ thành, những cuộc đánh chiếm và tái chiếm.

6. Thời của nhạc, thời của Sartre…

Quán cà phê của mẹ ra đời muộn màng khi bên kia đường Mai Khôi quán Thăng Long đã quá nổi tiếng. Ông chủ người Hà Nội dáng vẻ thể thao, lịch lãm. Quán nổi tiếng với món bánh mì điểm tâm, nó thành thương hiệu một thời “bánh mì Thăng Long“ vùng Ông Tạ ai cũng biết tiếng. Bà mẹ trẻ mở quán chỉ để nuôi con, còn danh tiếng có lẽ (tôi đoán thế) vì cô chủ quán rất đẹp, chỉ xấp xỉ 30 tuổi lại… không chồng. Món mà cánh đàn ông thời nào cũng rình rập lượn lờ (xin hương hồn mom bỏ qua cho).

Tôi 15 tuổi, ria mép và mụn tùm lum. Đi học về buông cặp nhảy vào trước dàn máy Akai Nhật với chồng băng to đùng, mẹ giao tôi lo chuyện nhạc nhẽo cho khách, cứ dòm mặt khách mà để nhạc. Trẻ, tóc Beatles thì nhạc Mỹ; trông mơ mộng, đài các thì nhạc Pháp; ngó buồn bã, thất tình thì cứ Sang ngang của Đỗ Lễ mà để. Đỗ Lễ gọi mẹ tôi bằng chị, vào Nam một mình nên mẹ tôi nhận làm em nuôi. Xấu giai nhưng rất nổi tiếng sát gái với chương trình “Thời trang nhạc tuyển" trên truyền hình. Mở lớp dạy nhạc vô vàn cô gái xinh đẹp đóng phí tiền lẫn tình. Khi ấy Đỗ Lễ đã nổi tiếng với Sang ngangTình phụ, mỗi tháng một đôi lần ghé quán đưa những băng nhạc mới "tặng chị".

Thằng cháu là tôi cười thầm ôm chồng băng mới toanh nhảy vào cư xá Chu Mạnh Trinh chỗ phòng thu của nhạc sĩ Tuấn Khanh Hoa xoan bên thềm cũ xóa sạch, thu nhạc mới của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An hay Carpenters, Francoise Hardy, Dalida, v.v.. cho khách nghe. Mẹ giao thêm nhiệm vụ nếu thấy quán cà phê nào có những album nhạc mới ra, quán nhà chưa có thì tôi đi thâu về. Tôi được cho phép la cà quán xá sớm với nhiệm vụ vinh quang, bà chẳng biết thằng con toàn đút đầu vào những quán tối mù với cuốn sách triết dày cộm kẹp nách, những Hố thẳm tư tưởng, Mặt trời không bao giờ có thật ... Krishnamurti... đọc chả hiểu gì, trí tuệ không khai sáng được mấy, vẫn tối mò mò nhưng kính cận thì ngày một dày thêm.

Những quán cà phê khung cảnh lãng mạn hay có bảng hiệu nghe rất hiện sinh như "Đỉnh thiêng" "Trầm vọng"... luôn có một cô “vai nhỏ tóc mềm“ đứng cashier, ít nói ít cười, gương mặt khói sương như tranh Đinh Cường, Nguyên Khai, Trịnh Cung… là đủ để những cây si tóc phủ gáy, gầy như cò hương, cận lòi mọc lên nườm nượp trong quán. Tôi cũng không ngoại lệ, cũng ngồi đồng, cũng đốt thuốc dù ban đầu ho sù sụ. Nhưng thu băng cho mẹ vẫn đàng hoàng dù có khai khống tiền thu để đút túi la cà ngoài số tiền được cấp. Có những cô gái đứng cashier, nghe chủ nói đã nghỉ việc, lấy chồng thì lập tức cũng xuất hiện nhiều thi sĩ rũ rượi, những bài thơ long lanh hơn nước mắt len lén để lại trên bàn.

Quán cà phê là nơi khai sinh vô vàn thi sĩ, triết gia hơn mọi chỗ trên đời. Khi ấy tôi chưa làm thơ - thật phúc đức cho bà mẹ hiền lành.

Trở về với quán xá nhà mình, tôi nhớ một cô gái có lẽ hơn tôi vài tuổi thường đến một mình, rũ tóc buồn rầu, hút thuốc một mình. Thấy cô là lập tức bài Sang ngang, "thôi nín đi em lệ đẫm vai rồi… buồn thương nữa chi” được tua đi tua lại nhiều lần. Giọng hát Lệ Thu không thất tình nghe cũng đủ chết, nói gì kẻ đã bị “ if you go away…”. Nếu cô còn sống có lẽ đã thành một cụ bà, như tôi - một cụ ông, bây giờ.

Quán đứng vững 3 năm rồi sụp đổ vì một lý do riêng từ gia đình. Có người vướng vào nghiện ngập, đấy cũng là lý do tôi thề suốt đời không chạm vào ma túy dù hàng chục năm sau trên tay không rời điếu thuốc lá.

Để bớt gánh nặng cho mẹ, tôi xách gói ra đi. Mẹ khóc nhưng thằng con cười, nó sẽ được tự do một mình. Hành lý vỏn vẹn 2 bộ quần áo. Chấm hết.

Năm 1972 - tôi 18 tuổi.

7. Bầy phượng vĩ khác thường

1972 - chiến tranh Việt Nam đã lên đỉnh điểm khốc liệt. Báo chí Sài Gòn tràn ngập tin tức về những trận đánh kinh hoàng từ Quảng Trị cổ thành, những cuộc đánh chiếm và tái chiếm đầy xương máu của cả hai bên tham chiến.

Lịnh động viên và đôn quân bắt đầu. Đôn quân là thuật ngữ chỉ việc đẩy tuổi quân dịch lên sớm hơn quy định vì đòi hỏi bổ sung lực lượng ở chiến trường quá gấp gáp, ác liệt.

Tôi cũng nằm trong lịnh đôn quân dù khai sinh đã được giảm xuống một tuổi khi làm lại để mang họ mẹ.

Những buổi học không còn thú vị nữa dù gương mặt khả ái dán bết những sợi tóc mai trên đôi má rất hồng và tà áo trắng của cô gái lớp bên kia vẫn mỗi ngày đi dưới bóng lá hàng cây trong sân trường. Tôi bắt đầu hút thuốc, hút dữ dội và hầu như không nhìn đến sách vở. Đến trường cứ đến nhưng học thì không. Bạn bè bắt đầu cùng nhau quậy phá, có hôm lật bàn ghế mang ra giữa sân trường chất đống. Giám thị cũng chùn tay trước lũ ngựa chứng. Ban giám hiệu trường họp hành liên tục để thông báo học sinh nào muốn nghỉ học cứ nghỉ nhưng đừng phá phách đồ vật của trường.

Trả lại em yêu, Thương ca chiến trường, Em hỏi anh bao giờ trở lại... của Phạm Duy ra đời, những ca khúc khét mùi khói súng. Trịnh Công Sơn với Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời… Những quán cà phê đặc quánh không khí u trầm, những gương mặt non trẻ im lặng nhả khói thuốc như tượng đá. Tôi để tóc dài chấm vai, ngón tay vàng khè khói thuốc. Lầm lũi tìm việc làm thêm kiếm tiền không phải để đóng học phí mà để đóng chặt mình vào quán xá, bắt đầu chạm đến những chai bia đầu tiên trong đời nhưng rồi cũng quay về với vị đắng cà phê.

Tôi ở trọ trên bờ kinh Nhiêu Lộc, đi tìm những rạp chiếu bóng không ở quận trung tâm sang trọng, chỉ tầm tầm Thanh Vân, Đại Lợi, Long Phụng, Cao Đồng Hưng, Văn Hoa (Đa Kao) xin một chân phụ vẽ quảng cáo, nhưng quảng cáo phim không phải vẽ bích báo trong trường học. Tôi không được học vẽ ngày nào, chỉ làm công việc sai vặt đi mua hay mang những lon bột màu cho người thợ chính. Xóa, rửa những pano phim đã sử dụng để vẽ loạt phim quảng cáo mới, tiền chỉ đủ bánh mì cơm bình dân vỉa hè (khi ấy chưa có từ cơm bụi) và ly cà phê nhỏ kèm cóng sữa bò bỏ vào 4 điếu Lucky, Capstan.

Bạn bè bỗng thích gây gổ đánh nhau trong quán cà phê mà nguyên nhân cũng thường không biết tại sao, khởi sự bởi điều gì.

Bầy ngựa non tuyệt vọng.

Bầy phượng vĩ khác thường là tên một tác phẩm của nữ sĩ Nhã Ca dành cho chúng tôi, lứa thanh niên còn trong trường học 17, 18 tuổi thời ấy.

Tôi mắt cận 8 đi ốp tạm được nằm chờ giấy gọi nhập ngũ. Lũ bạn cùng lớp đi trước, khoác áo lính ra chiến trường 10 đứa hết 9 “anh trở về hòm gỗ cài hoa… anh trở về bằng chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng …”.

Năm 1973 - hiệp định Paris được ký kết. Tạm đình chiến. Tôi trở lại trường với những gương mặt lạ. Để rồi hàng chục năm sau đó vẫn thường quay về xóm cũ tìm thắp hương cho lũ bạn một thời.

Toàn chết trẻ. Người yêu chắc cũng chỉ là “em tan trường về... đường mưa nho nhỏ... anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê” là hết chuyện. Chiến tranh luôn đi cùng sex nhưng chúng tôi chỉ vừa mới lớn chưa hiểu gì cuộc đời.

Bọn con trai đánh nhau dễ hơn là một lời tỏ tình.

Hình như thời nào cũng thế.

(còn tiếp)

Đỗ Trung Quân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 3: Sài Gòn ra lệnh động viên năm 1972