Ngày 28.4.1975 là “một ngày dài hơn thế kỷ” của Nhà Trắng (Washington) với hai cuộc họp khẩn cấp, kết thúc bằng mệnh lệnh của tổng thống Ford về đợt di tản cuối cùng khỏi Sài Gòn, bắt đầu từ 10 giờ 51 sáng hôm sau…

Kỳ 3: William Colby với mật mã O.F.W: “cuốn theo chiều gió”...

Một Thế Giới | 24/04/2015, 06:18

Ngày 28.4.1975 là “một ngày dài hơn thế kỷ” của Nhà Trắng (Washington) với hai cuộc họp khẩn cấp, kết thúc bằng mệnh lệnh của tổng thống Ford về đợt di tản cuối cùng khỏi Sài Gòn, bắt đầu từ 10 giờ 51 sáng hôm sau…

William Colby - Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ CIA, từng có nhiều năm trực tiếp chỉ đạo hoạt động tình báo vùng Viễn Đông và Việt Nam, cố vấn Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam, sáng 28.4 đã vội vã bước vào căn phòng đặc biệt nằm dưới tầng ngầm Nhà Trắng.
Phòng này không trổ cửa sổ ra bên ngoài, mà được kiến trúc liên thông với các phòng đảm trách an ninh tình báo bên trong tòa nhà. Ở đó, các nhân vật chủ chốt trong nhóm “tháo gỡ khủng hoảng” và “phản ứng nhanh” mang tên: Nhóm hành động đặc biệt của Washington (Washington Special Action Group - WSAG) ngồi sẵn, như: Jim Schlesinger - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bill Clements, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; George Brown, Tổng tư lệnh quân đội. Có mặt cả Henry Kissinger - Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia; Brent Scowcroft, Phó Cố vấn An ninh quốc gia…
su kien lich su 30.4
William Colby - Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ C.I.A

Colby khai mạc cuộc họp theo đúng thể thức và cảnh báo ngay về tình hình nguy ngập của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đại để :

- Hiện chính quyền của tướng Dương Văn Minh đã không theo kịp đà phát sinh của thời cuộc với nguy cơ lớn nhất là Cộng quân (quân đội Cộng sản Việt Nam) đang tiến đến cửa ngõ Sài Gòn và sẽ đặt chân vào nội đô trong vòng ngày mai hoặc có thể ngay trong hôm nay…

Vì Quân giải phóng đã và đang đánh chiếm các mục tiêu quan trọng theo 5 hướng tiến về Sài Gòn. Ngay hạ tuần tháng 4.1975, theo tài liệu Quân ủy Trung ương, các lực lượng lớn đã lần lượt điều động vào vị trí tiến quân: 1. Ở hướng bắc: Quân đoàn 1 đã có mặt ở khu vực nam Sông Bé. 2. Ở hướng tây bắc: Quân đoàn 3 tiến về Dầu Tiếng (về sau tràn ngập căn cứ Đồng Dù, bắt sống tư lệnh sư đoàn 25 bộ binh Lý Tòng Bá). 3. Ở hướng tây: Đoàn 232 áp sát tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa. 4. Ở hướng nam: Trung đoàn 88 và Trung đoàn 24 được tăng cường thêm Trung đoàn 271b đứng chặn ở Cần Giuộc. Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 áp sát đường số 4 đoạn từ Tân An đến Cai Lậy, khống chế Mỹ Tho. Đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Miền, Phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, trực tiếp chỉ huy hướng tây và hướng nam. 5. Ở hướng đông: Quân đoàn 4, sau khi giải phóng Xuân Lộc, áp sát Trảng Bom. Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 52 (Quân khu 5) tiến sát Long Thành, Vũng Tàu, Nước Trong, Bà Rịa. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh cánh quân phía đông, nay là Phó tư lệnh chiến dịch chỉ huy hướng này.

Tất cả 6 trung đoàn đặc công và hàng chục đội biệt động đã sẵn sàng từ vùng ven đến nội thành”.

Xét diễn tiến, đã quá bất lợi, nên Colby yêu cầu di tản gấp rút tất cả người Mỹ. Nhưng đại sứ Mỹ Martin ở Sài Gòn còn chần chừ, trì hoãn, vì hy vọng sẽ thương lượng với “Bắc Việt về một giải pháp hòa bình” vào giờ cuối. Nên Colby cùng Nhóm hành động đặc biệt của Washington gắng đợi thêm. Nhưng “phép lạ” đã không xảy đến. Vì :

Cuối chiều hôm ấy, sau cuộc họp bất thường ở Nhà Trắng, lúc 16 giờ 5 phút 28.4 - giờ Washington (tức 4 giờ 5 phút, sáng 29.4 ở Sài Gòn), Quân giải phóng từ trận địa pháo Nhơn Trạch bắn hơn 300 quả đạn 130mm vào phi trường Tân Sơn Nhất, phá hủy máy bay C130, làm nổ kho nhiên liệu, đào lên xới xuống đường băng với những vết đạn pháo lổ chổ nên máy bay không cất cánh được và dĩ nhiên cuộc di tản theo đường Tân Sơn Nhất bế tắc.

Nhận tin, tổng thống Ford triệu tập ngay cuộc họp bất thường với Hội đồng An ninh quốc gia lúc 19 giờ 30 tối 28.4 (giờ Washington) và quyết định triển khai kế hoạch di tản chỉ bằng trực thăng (chứ không bằng máy bay vận tải lớn ở Tân Sơn Nhất nữa) bốc đi từ nóc Tòa đại sứ và một số cao ốc ở trung tâm Sài Gòn. Đợt di tản cuối cùng này mang mật mã O.F.W, viết tắt của mật danh “Operation Frequent Wind”, có nghĩa đen: “Cuộc hành quân gió nhanh”- song người ta vẫn thích diễn dịch là: “Cuộc hành quân cuốn theo chiều gió”cho hợp với tình cảnh lúc ấy. Sau cuộc họp chỉ vài giờ, tổng thống Ford hạ lệnh bắt đầu đợt O.F.W ngay trong đêm 28.4.1975, lúc 22 giờ 51 - giờ Washington (nhằm 10 giờ 51 sáng 29.4.1975 - ở Sài Gòn).

Colby viết trong hồi ký, khi O.F.W cất cánh có “đám đông người Việt Nam tìm cách nhập vào đợt di tản của người Mỹ” đưa đến tình trạng hỗn loạn. Hôm sau nữa, ngày 30.4:

“Một số sĩ quan người Việt đã tự bắn vào đầu tự vẫn, người thì vì danh dự bị hoen ố trước thất bại, người thì lo sợ trước những nhục hình tàn bạo đang chờ đợi họ trong những “trại cải huấn” của cộng sản. Còn ở rất xa đấy, tại Washington, tôi không có cách nào để cứu họ. Suốt ngày hôm ấy, tôi đã sống trong một tâm trạng cay đắng ê chề khi cảm thấy mình bất lực  trước thảm kịch của những sinh mạng bị mất đi và của biết bao năm nỗ lực của cả người Việt Nam và người Mỹ đã từng đổ ra để hy vọng biến Việt Nam thành một đất nước tự do” (William Colby - Một chiến thắng bị bỏ lỡ, bản dịch của Nguyễn Huy Cầu, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2007, tr. 14).

Đến 3 giờ 15 ngày 30.4, lúc trời chưa sáng, một phi công Mỹ lái chiếc CH-46 đáp xuống nóc tòa đại sứ chuyển bức thư viết tay cho ông Martin do đô đốc Gayler gửi, cho biết Gayler được lệnh chỉ gửi thêm 19 trực thăng, và không gởi thêm nữa. Đại sứ Martin sẽ phải ra đi chuyến cuối cùng (trên chiếc trực thăng thứ 19). Sau này ông Gayler tiết lộ là ông đã có thẩm quyền để áp giải (cưỡng bức) nếu ông đại sứ (Martin) cưỡng lại lệnh tổng thống” (David Butler, dẫn theo Nguyễn Tiến Hưng trong sđd. Kỳ 2). Đúng là trước đó đại sứ Martin đã “cưỡng” lại lệnh “di tản nhanh chóng người Mỹ” của tổng thống Ford. Mục đích của Martin nhằm có thì giờ để đưa thêm nhiều người Việt ra đi hơn nữa và tránh khả năng không quân Sài Gòn trong lúc tức giận vì bị bỏ rơi có thể dội bom xuống tòa đại sứ… (còn nữa).

Giao Hưởng

Bài liên quan
Loạt cựu quan chức vướng vòng lao lý trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh
Bị cáo Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)… là những bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 3: William Colby với mật mã O.F.W: “cuốn theo chiều gió”...