Kỳ 50: Cà phê trong phẩm tính của người Do Thái

nguyễn tuyết | 08/09/2020, 08:00

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Quán cà phê chưa từng là không gian của riêng người Do Thái, nhưng quán cà phê đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc tạo nên phẩm tính người Do Thái hiện đại.

Quán cà phê – nơi con người được hiện hữu là chính mình

Từ khi người Hồi Giáo sử dụng cà phê trong những buổi lễ Dhikr, người Do Thái cũng đã nhận ra sức mạnh của thức uống giúp tâm trí tỉnh thức và tiếp nhận cà phê là thức uống truyền thống. Họ thưởng thức cà phê trong lối ẩm thực Kosher, thánh lễ Shabbathay để khởi đầu nghi thức Tikun Hatzot thực hành vào nửa đêm.

Thế kỷ 8 cho đến 16, người Do Thái di cư đã tạo nên những cộng đồng nhỏ khắp đế chế Ottoman và lục địa Á – Phi – Âu. Tuy nhiên, dù ở quốc gia nào, cộng đồng người Do Thái cũng tách biệt bởi văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng và lối sống riêng. Vì ý thức bản sắc tôn giáo - dân tộc mãnh liệt, người Do Thái đã luôn bị cô lập. Chỉ trong không gian quán cà phê – nơi chấp nhận mọi tư tưởng, chào đón mọi tầng lớp, giai cấp, dân tộc… người Do Thái cảm nhận được rằng họ có thể tham gia vào đời sống xã hội cùng những dân tộc khác.

Người Do Thái đến quán cà phê không đơn thuần vì thức uống - họ có thể thưởng thức tại nhà, điều thu hút người Do Thái tập trung về quán cà phê chính xác là những hoạt động bên trong không gian hàn lâm này. Do Thái vốn là dân tộc thượng tôn tri thức, coi kiến thức trí tuệ là tài sản quý nhất của con người. Nhiều trào lưu văn học, nghệ thuật, khoa học hình thành từ quán cà phê, người Do Thái đã đến quán cà phê để tiếp cận và tìm kiếm những có cùng trường phái tư tưởng. Họ học hỏi những dân tộc tôn giáo khác và mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan. Họ cũng được chia sẻ tri thức với người khác theo cách được tôn trọng.

Từ tính chất tranh luận bình đẳng, người Do Thái cũng đã mong cầu xã hội bản địa thấu hiểu, chấp nhận bản sắc văn hóa của họ. Khẳng định người Do Thái là dân tộc khác biệt nhưng vẫn tồn tại hòa hợp và hơn nữa còn đóng góp nhiều giá trị nhân văn cho cộng đồng. Ở quán cà phê, người Do Thái chia sẻ những công trình nghiên cứu của mình nhằm bày tỏ khát khao chứng minh tính hiện hữu.


Moses Mendelssohn - người được coi là cha đẻ của phong trào Khai sáng Do Thái đã viết các bài tiểu luận và những cuốn sách nền tảng cho triết lý Haskalah (trí tuệ Do Thái thế tục) tại quán cà phê Gelehrtes Kaffeehaus (Đức). Yonatan Ratosh - người sáng lập phong trào Canaanite chia sẻ quan điểm của mình tại Bitan Café (Israel), Quán cà phê Ziemiańska (Ba Lan) là nơi Hiệp hội Nhà văn Do Thái khảo luận và truyền bá những tác phẩm tiếng Yiddish và Hebrew. Quán Kassit Café (Israel) đăng tải tác phẩm của những bậc thầy văn học Do Thái trên tờ báo Davar phát hành hàng tuần. Quán cà phê Herrick's Café là nơi tụ tập quan trọng của các nhà văn và nhà báo người Do Thái sinh sống tại New York (Mỹ)…

Những học giả trí thức Stefan Zweig, Alfred Adler, Theodore Herzl, Sholem Aleichem, Isaac Bashevis… cũng đã dành phần lớn cuộc đời mình ở các quán cà phê Berlin, Viên, Budapest, Prague để sáng tạo những tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng. Trong quán cà phê, các hoạt động diễn ra theo cách xã hội hóa, một không gian của những cuộc bàn luận khai mở về tất cả vấn đề thời thế nhân sinh, dành cho tất cả mọi người. Vì thế người Do Thái đã xem quán cà phê như trường học tự do hay trường học xã hội.

Không gian định hình người Do Thái hiện đại

Cuối thế kỷ 19, quán cà phê đã trở thành nơi chốn làm nên lịch sử đương đại của dân tộc Do Thái. Bước ngoặt trong hành trình 4.000 năm lưu lạc là sự xuất hiện của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism). Zionism cho rằng việc hoàn thành phục hưng dân tộc cần phải đạt được bằng cách phát huy bản sắc Do Thái.

Khởi đầu, giới trí thức Do Thái quần tụ về những quán cà phê do người Do Thái thành lập như Sheleg Levanon Café, Hermon Café, Kassit Café ở Tel Aviv (Israel) nỗ lực bồi dưỡng phẩm tính dân tộc Do Thái hiện đại. Những hoạt động manh nha trong hàng quán cà phê lan rộng trở thành làn sóng “tìm về nguồn cội” của người Do Thái khắp các châu lục. Monopol Café và Romanisches Café ở Berlin được biết đến là trung tâm của Zionism tại Đức. Rehavia Café, Hermon Café, Atara Café và đặc biệt là Tmol Shilshom Café ở Jerusalem được xem là diễn đàn của những nhà dẫn dắt Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Theodor Herzl – “Người cha tinh thần của Nhà nước Do Thái” đã liên kết những người cùng chí hướng tại hàng quán cà phê Viên (Áo) và xuất bản tuần báo Die Welt là diễn ngôn chính của Zionism cũng trong quán cà phê.

Văn hóa Do Thái hiện đại được định hình thông qua các bài diễn thuyết lý luận, tác phẩm văn học nghệ thuật công bố hoặc trình diễn tại quán cà phê. Những tờ báo tuyên truyền của Zionism như Ha-Tsefirah, Ha-Tsofeh, Ha-Olam… phát hành trong quán cà phê. Những vở kịch của Jacob Gordin, Peretz Hirschbein và Max Reinhardt biểu diễn tại Theater Café và Monopol Café (Berlin) đã phần nào làm cho văn hóa Do Thái hiện đại rõ nét và khát vọng phục quốc Do Thái bùng nổ hơn.

Từ thế kỷ 20 và chủ yếu vào những năm 1930, hàng quán cà phê tại Tel Aviv được xem là địa điểm thần thoại để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Do Thái. Tel Aviv tiếp nhận làn sóng người Do Thái nhập cư về Israel và thành phố này đã đóng vai trò lớn trong suốt quá trình phục quốc Do Thái. Giới kinh doanh chia sẻ các vấn đề kinh tế ở Haachim Café, Carlton Café, giới văn nhân gặp nhau ở Kassit Café, MediaWiki Café và Maor Café, giới nghệ thuật tìm đến Sheleg Levanon Café… Diện mạo bản sắc Do Thái dần hình thành tại Tel Aviv từ kiến trúc, âm nhạc, giáo dục, văn hóa, lối sống… Tel Aviv phát triển như trung tâm văn hóa Yishuv (cộng đồng người Do Thái khao khát phục hưng quốc gia) và thu hút người Do Thái khắp thế giới trở về. Ngày 14/5/1948, tại Tel Aviv, Nhà nước Israel tuyên bố thành lập sau 4.000 năm lưu lạc.

Vì đặc tính thức uống tỉnh thức, người Do Thái đã chấp nhận cà phê từ thế giới Hồi Giáo là thức uống được sử dụng trong nghi lễ truyền thống dân tộc. Vì tinh thần tự do, khai sáng tri thức, người Do Thái xem hàng quán cà phê là không gian mang tính di chỉ ký ức cộng đồng. Bởi lẽ, từ sự hội tụ chung quanh quán cà phê mà người Do Thái đã thật sự chất vấn căn cước của chính dân tộc mình. Đến quán cà phê mưu cầu sự hội nhập công bằng vào nhiều địa bàn, bộc lộ khát vọng đóng góp trí tuệ Do Thái cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội sở tại, hướng đến khát vọng khẳng định tính tồn tại của dân tộc. Và trên hành trình phục quốc, hàng quán cà phê là yếu tố quan trọng định danh văn hóa, phẩm tính dân tộc Do Thái hiện đại – một điều cần thiết để người Do Thái được quay về vùng đất quê hương và trở thành một quốc gia thực sự.

Đón đọc kỳ sau: Thương mại cà phê xác lập vị thế cường quốc Hà Lan.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 50: Cà phê trong phẩm tính của người Do Thái