Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cung cấp thông tin về vụ án buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị liên quan đến Công ty Ngọc Hưng.

Kỳ án gỗ trắc: Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói tất cả hồ sơ đều được làm giả

Hoài Lam | 09/11/2022, 10:43

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quốc hội quan tâm, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cung cấp thông tin về vụ án buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị liên quan đến Công ty Ngọc Hưng.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay Công ty Ngọc Hưng nhập một lô hàng theo số liệu trên hồ sơ hơn 535 mét khối vào Việt Nam. Gỗ có xuất xứ từ Lào, sau đó bán cho phía Hồng Kông toàn bộ lô gỗ này. Trong quá trình xuất nhập khẩu, cơ quan chống buôn lậu của hải quan phát hiện có vấn đề, nên đã bắt lô hàng này, khởi tố và chuyển giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra rất lâu và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng tình với quan điểm của Bộ Công an và truy tố toàn bộ lô hàng hơn 500m3 này là buôn lậu, lý do toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của lô hàng là hồ sơ giả, hợp đồng giả, công ty bán gỗ bên Lào không có thật, chữ ký giả, vận đơn giả. Ngoài ra, 3 giấy kiểm dịch thực vật thì được phía Lào cấp cho Công ty Tâm Tâm ở Đông Hà và Công ty 407 ở Vinh, không phải cấp cho Công ty Ngọc Hưng. Việc thanh toán thì Bộ Công an cũng chứng minh là giả.

binh.jpg
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tương trợ tư pháp hình sự cho Viện kiểm sát tối cao Lào, và Lào cũng khẳng định công ty bán gỗ không có thật. Trên cơ sở nhiều mặt đó, Bộ Công an và Viện kiểm sát kết luận toàn bộ lô hàng này là hàng buôn lậu.

Ông Bình cho hay tòa án cấp sơ thẩm xét xử do có việc khai báo nên chỉ coi hàng buôn lậu một phần, tới tòa án cấp phúc thẩm thì nói là buôn lậu, kết luận buôn lậu 78m3, bởi vì hồ sơ khai là 535m3 nhập khẩu nhưng hồ sơ giám định là 614m3, chênh lệch 78m3. Tòa án cấp phúc thẩm tuyên tội buôn lậu phần không khai báo 78m3.

Không đồng tình với bản án của tòa án, Viện kiểm sát tối cao kháng nghị yêu cầu phải tăng nặng hình phạt, bởi vì buôn lậu toàn lô chứ không phải buôn lậu 78m3.

Còn Công ty Ngọc Hưng và ông Trương Huy Liệu kêu oan, đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm với lý do cơ quan giám định là một viện của Bộ Nông nghiệp - PTNT ở Đà Nẵng giám định, không đủ tư cách pháp nhân và không đúng phương pháp.

“Đấy là lý do trong đơn đề nghị giám đốc thẩm của Công ty Ngọc Hưng đưa ra, hoàn toàn không nói gì đến hành vi hồ sơ giả. Cơ quan điều tra còn chứng minh được hồ sơ nhập khẩu là giả như tôi đã nói ở trên”, ông Bình nói.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hồ sơ xuất khẩu cho công ty ở Hồng Kông cũng là hồ sơ giả, bởi vì theo lời khai của nhân viên Công ty Ngọc Hưng có một nhân vật mang 2 tờ giấy vào có chữ ký, đóng dấu của công ty với công ty của Hồng Kông, có chữ ký, đóng dấu sẵn của người ký hợp đồng này.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Interpol Hồng Kông xác minh. Kết quả xác minh công ty này không có người đó và tất nhiên không ký hồ sơ này. Hồ sơ nhập giả, hồ sơ xuất cũng giả.

Hơn nữa, việc chuyển tiền của Công ty Ngọc Hưng cũng có vấn đề. Công ty Ngọc Hưng có chuyển 5 tỉ đồng cho một người buôn bán đổi tiền tại Móng Cái nhiều lần để người này sang Trung Quốc chuyển tiền ngược trở lại tài khoản của Công ty Ngọc Hưng nhiều lần, tổng số tiền 33 tỉ đồng, lấy hồ sơ này để làm tiền đóng thuế, coi như tiền hoàn thuế đã đóng tại Quảng Trị.

Với kết luận là hồ sơ giả cả đầu vào và đầu ra, nên Bộ Công an và Viện kiểm sát yêu cầu tòa án phải xét xử, mà xét xử 78m3 là không đúng mà phải xét xử cả lô mới đúng. Đó là tài liệu trong vụ án.

Hiện nay, Công ty Ngọc Hưng đang vin vào chuyện không đúng chức năng và không đúng phương pháp nên yêu cầu giám đốc thẩm, các cán bộ ở Quảng Trị cũng đồng tình với việc này.

“Tôi hiểu là nội dung gian dối thì không nói gì cả, chỉ nói về thẩm quyền, chức năng của Viện sinh thái Đà Nẵng thôi. Ý kiến về Viện sinh thái Đà Nẵng hiện nay đang khác nhau. Công ty Ngọc Hưng nói là giám định sai, thẩm quyền sai và phương pháp sai, Quảng Trị cũng nói sai”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Bình, những cơ quan như Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp lại khẳng định là đúng.

“Hiện nay là đang có ý kiến khác nhau, xin Thường vụ Quốc hội kết luận về nội dung này trước khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm”, ông Bình nêu.

tri.jpg
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao phát biểu

Nêu thông tin về vấn đề này, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng hiện nay có 2 vấn đề: Thứ nhất là quá trình điều tra, xác minh của vụ án thì các cơ quan chức năng có một số sai phạm, tuy nhiên đã được phát hiện, xử lý và đang xử lý theo quy định của pháp luật. Những sai phạm này không làm thay đổi hành vi buôn lậu, nhưng thiếu về trách nhiệm của các bị can, bị cáo.

Thứ hai là Ủy ban Tư pháp có ý kiến về pháp lý cũng như kết quả giám định của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, cơ quan kiểm lâm vùng 2. Ở đây có xung đột về căn cứ pháp lý, pháp luật. Theo hệ thống pháp luật chúng ta hiện nay, vấn đề này chưa đủ và chưa đồng bộ cũng như chưa thống nhất trong việc áp dụng nó theo cách hiểu của vụ án đang được đặt ra.

Ủy ban Tư pháp có băn khoăn về việc coi kết quả giám định của Viện sinh thái là chứng cứ quyết định. Về quan điểm của cơ quan truy tố thì đây là một trong những chứng cứ buộc tội chứ không phải là chứng cứ quyết định.

Lý do là ngoại trừ kết luận giám định ra thì còn có lời khai của 8 lái xe liên quan đến hành vi buôn lậu gom gỗ từ Lào về làm hồ sơ giả. Hai là lời khai của 3 đại diện của nhà máy chế biến gỗ của Lào và kết quả giám định hồ sơ, chữ ký, con dấu và sự mâu thuẫn trong 3 giấy kiểm dịch thực vật.

Trước đó, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Vẫn còn đó vụ án buôn lậu gỗ trắc xảy ra ở Quảng Trị và TP.Đà Nẵng cách đây 10 năm có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng trong xử lý vụ án, nghi ngờ tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án nhân dân.

"Đoàn ĐBQH tỉnh đã xem xét cụ thể vụ việc, giám sát tại hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời đã có kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét đánh giá lại vụ án này, những mong công lý, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân được bảo vệ, pháp luật được thượng tôn, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm", ông Thắng nói.

Đại biểu tỉnh Quảng Trị tha thiết: "Một lần nữa chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý dứt điểm. Đừng để thời gian trôi đi trong nỗi khắc khoải chờ mong của người dân, trong sự chờ đợi của ĐBQH và công luận. Cũng xin đừng để tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ án gỗ trắc: Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói tất cả hồ sơ đều được làm giả