“Việc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cấp cao”, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu.
Sáng 8.11, báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ…
Theo ông Tô Lâm, về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Đã điều tra, khám phá đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao", ông Tô Lâm thông tin.
Bộ trưởng Công an nhấn mạnh tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng chống dịch bệnh...
Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm.
Đồng thời cơ quan pháp luật tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Nổi lên là: Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet; tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...; mua bán văn bằng, chứng chỉ giả; giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt...
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết năm 2022 Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa.
Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ ra một số loại tội phạm gia tăng như: giết người tăng 13,17%, cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng như các tội phạm về ma túy, cướp, cướp giật.
“Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID -19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cấp cao”, bà Nga nêu.
Ngoài ra, một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi xảy ra hậu quả chết người mới bị phát hiện. Kết quả phát hiện và xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính; tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp.
Bà Lê Thị Nga cũng cho hay, năm 2022 công tác điều tra, xử lý tội phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn và công tác thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 82,96%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao.