Sau này, khi biết được Ẩn là một điệp viên cộng sản, Tuyến nói “không bao giờ nghi ngờ Phạm Xuân Ẩn” và nói thêm: “Nếu quả như vậy thì đó là một thảm họa vì Ẩn biết tất cả những gì tôi biết”. Ẩn vẫn giữ quan hệ với gia đình bác sĩ Tuyến định cư tại London. Tại đây, nguyên trùm mật vụ Nam Việt Nam đã từ trần hai tuần trước khi bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Kỳ cuối: Phạm Xuân Ẩn giải cứu ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến như thế nào?

06/06/2017, 16:08

Sau này, khi biết được Ẩn là một điệp viên cộng sản, Tuyến nói “không bao giờ nghi ngờ Phạm Xuân Ẩn” và nói thêm: “Nếu quả như vậy thì đó là một thảm họa vì Ẩn biết tất cả những gì tôi biết”. Ẩn vẫn giữ quan hệ với gia đình bác sĩ Tuyến định cư tại London. Tại đây, nguyên trùm mật vụ Nam Việt Nam đã từ trần hai tuần trước khi bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Chiếc Renault 4 CV của tướng Phạm Xuân Ẩn

>> Kỳ 1: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và những câu chuyện sau ngày chiến thắng

>> Kỳ 2: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn về hưu ở tuổi 75, chấm dứt hàng chục năm tự kiểm

>> Kỳ 3: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và những câu chuyện với Đại tướng Giáp

>> Kỳ 4: Phạm Xuân Ẩn tiếp xúc với thế giới bên ngoài như thế nào sau năm 1975?

Mối quan hệ giữa Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến

Năm 1959, khi trở về Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn đã ba mươi hai tuổi. Lạ nước, lạ cái, không còn ai quen biết, khi máy bay hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất, ông vô cùng lo lắng: “Liệu nhân viên an ninh có thể chộp mình khi từ trên máy bay bước xuống?”. Nhưng không xảy ra chuyện gì. Và suốt tháng sau ông vẫn sống yên ổn tại nhà mẹ để tìm hiểu xem mình có đang bị giám sát, theo dõi không. Ẩn cũng không biết Đảng có biết rằng ông đã trở về không và làm sao bắt liên lạc với các đồng chí trong lưới còn sống hoặc đang nằm yên trong nhà tù. Ông thận trọng chờ cho lưới chủ động trước. Trong khi chờ đợi, ông muốn tìm hiểu thêm thái độ của chế độ Sài Gòn đối với ông ra sao nên đến thăm bác sĩ Trần Kim Tuyến, là người mấy năm trước được CIA giúp đỡ, đã lập cơ quan tình báo gọi là “mật vụ” của chế độ Sài Gòn.

Bác sĩ Tuyến, hồi đó được mệnh danh là ông đốc-tờ “nhỏ thó” vì tầm vóc thấp bé, là một người tính tình vồn vã, dễ gần, cặp mắt tinh nhanh. Tôi đã được ông Ẩn giới thiệu làm quen trước khi chiến tranh kết thúc.Tuyến là người mạnh mẽ, theo đạo Thiên Chúa, gốc miền Bắc, tính hay tò mò để ý đến chuyện người khác, lúc nào cũng tươi cười, đôi khi ăn nói ngọt xớt nhưng cũng mất nhiều thiện cảm trong khi làm không ít người phải sợ hãi. Năm 1959, mặc dù có thái độ dè dặt đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em rất có thế lực là cố vấn Ngô Đình Nhu - lúc này đã trở nên mất lòng dân và xa rời thực tế - nhưng bác sĩ Tuyến vẫn là trùm đặc vụ của chế độ, rất thân cận với Tổng thống Diệm.

Ông Trần Kim Tuyến năm 1964 - Ảnh tư liệu

Năm 1957, với tư cách ấy, ông Tuyến đã giúp Phạm Xuân Ẩn hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để được phép rời Việt Nam đi Mỹ du học. Vậy nên việc Ẩn khi từ Mỹ trở về theo phép lịch sự đến thăm Tuyến không thể dấy lên những mối nghi ngờ dù nhỏ nhất. Ông Ẩn còn nhân dịp đó thăm dò tình hình thử xem “đối phương” có ý tứ gì với mình không, dù Trần Kim Tuyến không phải là hạng người dễ bộc lộ suy nghĩ của bản thân.

Ông đốc-tờ “nhỏ thó” đó đề nghị Ẩn làm việc cho ông ta và để che mắt người khác, xin cho Ẩn một chỗ làm tại Việt Tấn xã - cơ quan thông tấn chính thức của chế độ Sài Gòn - vì ông đã được đào tạo có bài bản về nghiệp vụ báo chí ở Mỹ. Cuộc đời lắm chuyện éo le và đó thật sự là một cơ hội hiếm có đối với ông Ẩn. Ẩn được đề nghị chọn nghề làm báo để nắm tình hình mật, nhưng chủ động đưa ra lời đề nghị làm việc lại là chế độ Sài Gòn chứ không phải các đồng chí cộng sản của ông - những người đầu tiên nghĩ ra mưu kế này. Ông tự nhủ nếu Văn phòng Tổng thống bật đèn xanh để tuyển dụng ông thì điều đó có nghĩa là ông được bình yên vô sự, giữ kín được tung tích của mình. Thế là ông nhận lời. Vì Phủ Tổng thống không nói gì nên Phạm Xuân Ẩn được đưa lên làm nhân viên mật vụ cho Dinh Độc lập, tức Phủ Tổng thống ở Sài Gòn.

Ông Phạm Xuân Ẩn (giữa) chụp ảnh cùng những người bạn Mỹ tại Thủ Đức, Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Được sự che chở của cấp cao, Ẩn đã đặt chân được vào giới báo chí ở Sài Gòn. Thật là kịp thời, vì sau đó Tuyến bị thất sủng do có một mưu toan đảo chính bất thành năm 1960. Ông Ẩn nhớ lại: “Tuyến đã được cử đi làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Ai Cập nhưng Abdel Nasser - Tổng thống Ai Cập lúc đó không chấp thuận một cựu trùm mật vụ làm Đại sứ. Bị gạt ra rìa, Tuyến được chứng kiến sự tan rã dần dần của các lưới do mình lập ra trước đây”.

Cuộc giải cứu Trần Kim Tuyến của tướng Phạm Xuân Ẩn

Phạm Xuân Ẩn đã trải qua những lo lắng tồi tệ nhất trước khi chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ ngày 30.4.1975.

Trong khi các sư đoàn Bắc Việt nhanh chóng tràn ngập từng vùng lãnh thổ miền Nam hãy còn nguyên vẹn, hàng vạn dân tị nạn lần lượt bị ném ra đường cái hay ra biển. Bác sĩ Tuyến âm mưu chống lại Thiệu. Ý tưởng của ông đốc-tờ “nhỏ thó” là lập một chính phủ liên hiệp hòng cứu vãn những gì có thể cứu được và chấm dứt chiến tranh. Ông ta đi thăm một trong những người cầm đầu phong trào giáo phái là Đại đức Thích Trí Quang. Thiệu cho người theo dõi chặt chẽ Tuyến và đêm ngày 3 rạng sáng 4.4 đã quăng một mẻ lưới: mười bốn người trong gia đình Tuyến trong đó có em của ông và các đại biểu Hạ viện đối lập, các nhà báo và một thượng nghị sĩ đều bị bắt vô khám Chí Hòa. Riêng Tuyến, nhờ Phó thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Nguyễn Văn Hảo can thiệp nên thoát nạn. Nhưng nhà của Tuyến bị giám sát và những ai “qua lại” đều bị tình nghi. Ẩn hoảng sợ vì ông có quan hệ chặt chẽ với ông đốc-tờ “nhỏ thó”. Hai ngày ông không ăn uống gì. Buổi tối ông không về nhà, nằm lỳ ở tòa soạn báo Time đặt tại khách sạn Continental. Sau này kể lại, ông nói về Tuyến: “Ổng đã làm mình sợ đái ra máu”.

Cuối cùng, Hoa Kỳ đành chịu chấp nhận khuynh hướng thỏa hiệp mà chính họ cũng không tin vào kết quả. Ngày 21.4, Thiệu tuyên bố từ chức trên đài truyền hình. Ngay sau đó, ông ta đáp máy bay đi Đài Bắc giao lại chính quyền cho Phó tổng thống Trần Văn Hương, một ông già ốm yếu không có chút uy quyền gì. Sài Gòn rơi vào cảnh hỗn loạn trong khi quân đội cộng sản đang siết chặt vòng vây. Người Mỹ hấp tấp tổ chức cầu hàng không di tản hết những nhân viên Mỹ còn lại và một số người Việt Nam đã từng hợp tác với họ.

Trong ngày 29.4.1975, từ sân Đại sứ quán, các chuyến trực thăng CH-53 và CH-47 đã liên tục lên xuống để đưa hàng trăm sĩ quan, nhân viên Mỹ cùng gia đình rời khỏi Sài Gòn. Ảnh: Getty

Trước khi di tản sang Mỹ, bác sĩ Tuyến nấn ná chờ đến ngày em ông và những người dính líu vào âm mưu đảo chính được trả tự do. Một nhà ngoại giao Anh đảm nhiệm đưa vợ con Tuyến di tản trước. Nhưng Tổng thống Hương, bất chấp nhiều cuộc vận động, từ chối không chịu thả những người dính líu thật sự hay coi như dính líu vào âm mưu lật đổ. Họ chỉ ra khỏi nơi giam giữ vào ngày 28.4, tức hai ngày trước khi chấm dứt cuộc chiến, khi Trần Văn Hương bị thúc ép phải từ chức và nhường quyền cho Dương Văn Minh, có biệt danh là “Minh Lớn” vì thân hình cao lớn.

Lúc này đã quá muộn đối với Tuyến. Tòa đại sứ Mỹ lúc này cũng đang bấn lên. Qua điện thoại, Tuyến nhận được câu trả lời: nhân viên CIA phụ trách công việc di tản cũng ra đi rồi. Trong danh sách những người Đại sứ quán phải đưa đi vào giờ chót không có tên Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến đã đến cổng Tòa đại sứ nhưng chật cứng người, không len vào nổi. Trên nóc nhà, máy bay trực thăng như con thoi, hối hả bốc người di tản đưa ra tàu chiến Mỹ neo đậu gần bờ biển nhất. Thất vọng, cựu trùm mật vụ thời Diệm đến khách sạn Continental leo lên tầng một cầu cứu ông Ẩn đang ngồi trong tòa soạn báo Time. Từ đây, bác sĩ Tuyến gọi điện đi khắp nơi nhưng không ăn thua. Cuối cùng, Ẩn tự đánh xe đưa Tuyến đến Tòa đại sứ. Trong ngày 29.4 ấy, cảnh náo loạn diễn ra trước cổng sứ quán Mỹ. Nhiều vị bộ trưởng, tướng tá Nam Việt Nam cũng không chen vào lọt bên trong. Ẩn và Tuyến lại quay về khách sạn.

Ông Ẩn gọi điện đến một vài mối thân cận ở Tòa đại sứ nói rõ tình hình và đòi CIA can thiệp. Một nhà ngoại giao Mỹ gọi lại khá nhanh sau đó và nói: CIA tổ chức chuyến đi cuối cùng, dặn ông ta đến phố Gia Long nơi nhân viên CIA ở trong một tòa cao ốc lẫn với các cơ quan văn hóa Pháp. Ẩn nhớ lại: “Trên nóc nhà cao ốc có một sân thượng có thể tiếp nhận trực thăng hạ cánh trong tình trạng khẩn cấp để chở hai phó trưởng chi nhánh CIA ở hai căn hộ bên dưới sân thượng. Nhà ngoại giao Mỹ còn cho tôi mật khẩu để được vào nhà”.

Nhưng khi hai người đến tòa cao ốc thì lính gác là người thuộc dân tộc Nùng, cư dân thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, từ chối không cho hai người vào. Ẩn và Tuyến lại đến Văn phòng chi nhánh CIA ở một phố khác thuộc trung tâm thành phố. Tại đây, Ẩn xin gặp Trưởng chi nhánh là người rất thân quen với ông. Lại một lần nữa, người gác cổng không cho vào vì không tin ông.

Ông Ẩn kể tiếp: “Ngay lúc đó, vợ của người gác cổng đến. Anh chồng mở cửa để vợ vào”. Ẩn lúc đó đứng chắn ngay lối ra vào và đã đẩy được Tuyến vào bên trong. Thế là người khách cuối cùng đi trên chiếc trực thăng cuối cùng của CIA - nguyên trùm mật vụ của chế độ đã có thể rời khỏi Sài Gòn nhờ sự giúp đỡ kiên trì của một đại tá an ninh của Hà Nội.

Sau này, khi biết được Ẩn là một điệp viên cộng sản, Tuyến nói ông ta “không bao giờ nghi ngờ Phạm Xuân Ẩn” và nói thêm: “Nếu quả như vậy thì đó là một thảm họa vì Ẩn biết tất cả những gì tôi biết”. Ẩn vẫn giữ quan hệ với gia đình bác sĩ Tuyến định cư tại London. Tại đây, nguyên trùm mật vụ Nam Việt Nam đã từ trần hai tuần trước khi bình thường hóa quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Trích Một người Việt trầm lặng do NXB Tri Thức, First News phát hành​

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ cuối: Phạm Xuân Ẩn giải cứu ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến như thế nào?