Giếng nước ấy ở xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang, chỉ sâu 1 mét. Điều kỳ lạ là, theo người dân nơi đây, nước của giếng không cạn bao giờ, quanh năm trong vắt.

Kỳ lạ giếng nước không bao giờ cạn giữa cánh đồng khô cháy

06/05/2019, 21:21

Giếng nước ấy ở xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang, chỉ sâu 1 mét. Điều kỳ lạ là, theo người dân nơi đây, nước của giếng không cạn bao giờ, quanh năm trong vắt.

Giếng nước kỳ lạ, múc bao nhiêu nước vẫn giữ nguyên mức đó - Ảnh: Tô Văn

Múc bao nhiêu nước vẫn đầy nguyên mức đó

Từ lâu lắm rồi, tại xã Ô Lâm, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang xuất hiện một giếng nước trong xanh. Xung quanh giếng nước là những cây thốt lốt (có người gọi là thốt nốt) đặc trưng của vùng đất Bảy Núi. Chỉ cách trục lộ khoảng 200 mét, nhưng con đường tới giếng phải len lỏi qua những đoạn đất đầy cát núi, băng qua cánh đồng cháy khô. Giếng nước có đường kính chừng 3 mét, sâu hơn 1 mét, tựa như con mắt nhìn lên trời cao. Phía dưới đáy giếng là chiếc thùng bê (loại thùng đựng sơn - PV).

Điều lạ nước ở giếng bị mặt đáy thùng bê ép xuống, nhưng chỉ thông qua các khe nhỏ (do bà con khoét rọc vào thùng trước lúc đặt xuống đáy giếng), không hiểu sao nước lại trào ra nhanh hơn khi có người tới múc, và nước tràn lại vào thùng bê rất nhanh, trong vắt một cách khó tin. Nhìn thẳng xuống giếng thì thấy rất sâu vì mặt nước in hình bóng của bầu trời trông như “bức tranh thủy mặc”.

Đáy giếng là 1 thùng bê được khoét vài lỗ nhỏ, nhưng nước chảy vào rất nhanh - Ảnh: Tô Văn

Ông Châu Sol - ông lão chăn bò người của xã Ô Lâm, kể: “Giếng nước này xuất hiện hàng chục năm về trước, còn thời gian nhớ chính xác thì không ai nhớ rõ. Tôi chỉ nghe kể lại do một người dân địa phương tên Chau Choi có công khai mở. Ông Choi hằng đêm vừa thắp nhang cúng thần linh vừa rà coi chỗ nào có mạch nước là ổng xác định rồi lập bàn cúng vái. Sau đó ổng thảy đồng tiền lên trên không trung, khi đồng tiền rớt xuống chỗ nào thì ổng đánh dấu vị trí. 3 ngày sau đó là ổng đào. Lần đào đầu tiên xuống tới 1m bỗng một nguồn nước xuất hiện, nhưng lạ kỳ là ông liền lấp lại rồi qua vị trí khác đào tiếp. Đào sâu 2-4 mét thì không thấy xuất hiện nguồn nước. Ông tiếp tục những vị trí khác thì chỉ là những hố sâu trơ trọi. Từ vị trí ban đầu đào được mạch nước, ông đào lên lại và đánh dấu”.

Từ đó cái giếng ra đời và cung cấp nước nấu ăn, giặt giũ cho cả ấp Phước Lộc này. Mà lạ thay, hễ người dân nơi đây ra lấy nước, mặc dù thấy giếng nông nhưng nước không bao giờ cạn. Vì không thể tin có chuyện như vậy, nên có lần ông Sol cùng một tốp 8-9 người rủ nhau thử xem, mỗi người mộ ca múc nước, múc liên tục xem có cạn nước hay không. Nhưng kết quả là múc bao nhiêu nước giếng vẫn giữ y nguyên mức đó.

Cũng theo ông Sol, giếng nằm trên bãi đất trống, nếu đứng đó có thể thấy được bốn bề toàn là dân cư dưới chân núi. Cách giếng này không xa là những thảm cỏ cháy khô, đất nứt nẻ khô cằn nhưng mực nước giếng này vẫn giữ nguyên dù có hạn hán. Những lúc như thế, hàng trăm hộ dân ở vùng này lại tìm đến "giếng thần" để lấy nước về sinh hoạt.

“Vào mùa mưa, đất cát bị trôi theo nước mưa tràn lấp giếng. Tới mùa khô, cây cối trơ trọi, thì đất nứt nẻ, giếng lại hiện ra, cứ thế tiếp diễn theo từng năm, chú thấy kỳ lạ không vậy?”, ông Sol nói.

Giúp dân có nguồn nước sạch

Bà Nàng Kim Doen (ngụ xã Ô Lâm) vừa múc nước tại giếng, vừa hồ hởi: “Tụi tôi thường đem theo can nhựa 20 lít lấy chừng 15 phút là đầy 1 can, cứ liên tục như vậy 10 can là 150 phút. Thấy đủ dùng là tôi thôi, rồi tiếp đến những hộ khác. Việc xuất hiện giếng nước kỳ lạ này nên hồi xưa tới giờ một số bà con vùng lân cận thấy nước giếng sạch cũng chạy qua đây lấy nước đem về ăn uống. Nước giếng ở đây coi vậy sạch sẽ và ngọt mát, uống một ngụm là thấy trong người sảng khoái dù trời đang nắng gắt”.

Bà con ra giếng múc nước đem về xài - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo bà Doen, giếng này công cộng, không có việc giành giật nhau. Ai lại trước lấy trước, còn người nào kế đến thì tiếp tục lấy, cho tới khi nào hết người lấy thì thôi. Nhiều khi lúc 10 giờ đêm, bận công việc về trễ, nhiều gia đình ra lấy nước sẵn tiện uống tại chỗ vài ngụm cho đã khát. “Dù đêm đã khuya, trên cánh đồng hiu quạnh, chỉ nghe tiếng cóc nhái kêu vang, nhưng chúng tôi vẫn thấy tinh thần sảng khoái, khỏe khoắn khi uống vài ngụm nước”, bà nói thêm.

Ở xã này thường bị hạn hán, mấy chục năm về trước, nhiều người thường lấy nước cho gia đình sinh hoạt hằng ngày phải đi lên trên núi mới có được nguồn nước. Từ khi có cái giếng kỳ lạ này, bà con đỡ vất vả hơn. “Tôi nhớ không lầm là năm 2002 chính quyền thấy việc lấy nước sinh hoạt của bà con vất vả nên mới đặt trạm nước cho bà con tiêu thụ. Từ khi có trạm nước số lượng người dân đi lấy nước ở giếng cũng ít hơn, đỡ tốn công chờ, vì một lần đi lấy nước tốn nguyên… 1 ngày.

Mà một lần chỉ lấy được 7 can. Nhưng theo thói quen, người dân đi làm đồng hay chăn bò gặp trời nắng gắt thiếu nước, họ cũng chạy lại giếng nước kỳ lạ này múc uống cho đã khát để tiếp tục công việc của mình. Cái giếng nước này bà con rất quý, hơn nữa nó thuộc giếng nước để uống để tiêu thụ nên bà con ở phum này không ai dám phá hoại gì hết” - bà Doen kể thêm.

Lấp giếng đảm bảo sức khỏe cho người dân

Bà Phạm Thị Kiều Oanh - Phó chủ tịch xã Ô Lâm, cho biết: “Đúng là hiện tại địa phương có 1 giếng nước ở giữa cánh đồng. Nhưng giếng này chỉ cung cấp cho 7 - 8 hộ dân ở phum. Phần lớn người dân ở đây xài nước máy, còn một số người dân xài nước ở giếng ấy vì người dân thấy nước rất trong và theo thói quen từ trước”.

Theo bà Oanh, địa phương cũng đã tuyên truyền để cho người dân sử dụng nước đúng cách đảm bảo sức khỏe của mình, và hỗ trợ mỗi hộ dân trên địa bàn xã 1 đồng hồ nước và 1 cây nước giếng khoan có nắp đậy. Việc giếng nước độc đáo xuất hiện là do địa chất ở nơi đây có mạch nước ngầm, nên khi đào sâu xuống thì nước chảy ra, đó là quy luật tự nhiên, nhưng việc người dân tự ý lấy nước từ giếng là chưa đảm bảo sức khỏe, có thể nhiễm dịch bệnh.

“Vì thế địa phương đã họp và báo cáo cấp trên thống nhất lấp giếng, sẵn tiện cho bà con xuống giống vào những ngày mưa lũ sắp tới, phòng tránh những trường hợp sụp hố, hay lún, lở đất để bà con không thất thu mùa màng. Địa phương có giếng nước độc đáo này cũng vui lắm nhưng bảo vệ dân là trên hết, buộc lòng chúng tôi phải lấp giếng mới thấy an tâm phần nào”, bà Oanh nói.

Nước ở giếng rất ngọt và thơm - Ảnh: Tô Văn

Tuy nhiên, người dân lại nghĩ khác. “Từ việc cái giếng kỳ lạ cung cấp cho hàng trăm hộ dân ở vùng Bảy Núi, người dân ở xã Ô Lâm chúng tôi rất hãnh diện về giếng nước độc đáo này. Chú biết không, vào những dịp lễ tết, đêm đến người dân trong xã ra tụ tập đốt lửa, hát hò, nhảy múa, những người cao niên thì đại diện dâng chè xôi cúng “giếng thần”. Lễ cúng kết thúc, lộc được chia đều cho tất cả những người có mặt. Sau đó người dân lấy 1 ít nước từ giếng mang về nhà cúng để cầu cho sức khỏe, ruộng nương trúng mùa, tài lộc quanh năm, vui lắm”, chị Kim Siêng tâm sự.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ lạ giếng nước không bao giờ cạn giữa cánh đồng khô cháy