Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ cũng có mô típ và một vài chi tiết khá giống với truyền thuyết trong huyền sử các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, truyền thuyết của người Việt còn có những ý nghĩa cao đẹp khác nói về hòa hợp dân tộc.

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và chuyện hòa giải dân tộc

19/12/2017, 07:00

Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ cũng có mô típ và một vài chi tiết khá giống với truyền thuyết trong huyền sử các nền văn hóa khác. Tuy nhiên, truyền thuyết của người Việt còn có những ý nghĩa cao đẹp khác nói về hòa hợp dân tộc.

Kỳ 1: Sử gia nhà Nguyễn phủ nhận yếu tố hoang đường của Con Rồng - Cháu Tiên

Kỳ 2: Thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ vẫn tiến bộ hơn huyền sử của Trung Quốc​

Đa phần người Việt chúng ta đều quan niệm rằng Lạc Long Quân là quốc tổ và mẹ Âu Cơ là quốc mẫu để rồi chúng ta tự hào mình là Con Rồng, Cháu Tiên. Nhưng chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi tại sao Lạc Long Quân lại bắt đầu tên bằng chữ Lạc, còn Âu Cơ thì bắt đầu bằng chữ Âu?

Theo truyền thống của người Việt thì tiếng đầu trong tên đầy đủ là họ. Nếu Lạc Long Quân là quốc tổ của chúng ta và có họ Lạc thì tại sao trong các dân tộc ở Việt Nam hiện giờ, họ Lạc không phổ biến. Theo cuốn Họ và tên người Việt Nam của Lê Trung Hoa do NXB Khoa học xã hội phát hành (2005) thì trong các dòng họ phổ biến gồm: Nguyễn 38,4%, Trần 12,1%, Lê 9,5%, Phạm 7%, Hoàng/Huỳnh 5,1%, Phan 4,5%, Vũ/Võ 3,9%, Đặng 2,1%, Bùi 2%, Đỗ 1,4%, Hồ 1,3%, Ngô 1,3%, Dương 1%. Ngay cả hơn 150 họ ít phổ biến hơn được liệt kê cũng hoàn toàn không thấy nêu tên họ Lạc. Như vậy thì có thể thấy một điều rất lạ rằng dù Lạc Long Quân được coi là quốc tổ nhưng trong lịch sử, chúng ta hiếm thấy ai mang họ Lạc và ngày nay cũng vậy.

Tương tự, với họ Âu thì chúng ta cũng không thấy được liệt kê trong danh sách các dòng họ ở Việt Nam. Ở Trung Quốc thì họ Âu cũng có nhưng ít phổ biến (không có trong danh sách 100 họ phổ biến của Trung Quốc), chẳng hạn như viên tướng Âu Bằng trong Thủy Hử hay Âu Dương Phong trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Tất nhiên, quốc mẫu Âu Cơ của người Việt thì không liên quan gì đến những người thuộc dòng họ Âu bên Trung Quốc cả.

Chữ Lạc trong Lạc Long Quân và Âu trong Âu Cơ theo chúng tôi không hẳn là họ mà là để chỉ vùng đất. Chúng tôi đặt giả thiết chữ Lạc ở đây có thể hiểu là Lạc Việt và Âu có thể hiểu là Âu Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ giúp người Việt sống trong 2 vùng đất Âu Lạc cổ có ý thức rằng cho rằng dù mình là người từ Lạc Việt hay Âu Việt thì cũng chung một nguồn gốc. Truyền thuyết này đặc biệt có giá trị gắn kết người Việt trong thời gian đầu thành lập nhà nước Âu Lạc.

Như báo điện tử Một Thế Giới từng phân tích, cuộc chiến giữa người Lạc Việt và người Âu Việt là cuộc nội chiến đầu tiên trong lịch sử nước ta. Nhà nước Văn Lang đầu tiên của nước ta gồm người Lạc Việt do vua Hùng lãnh đạo, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ hiện giờ) với địa bàn là khu vực đồng bằng sông Hồng. Còn người Âu Việt được cho là sống ở khu vực Đông bắc nước ta hiện giờ với kinh đô thuộc khu vực Cao Bằng hiện giờ. Thời kỳ đó, biên giới chưa rạch ròi và người Âu Việt, Lạc Việt sống chung với nhau.

Trong cuốn Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 1 do GS Trương Hữu Quýnh chủ biên có nói từ trước cuộc xâm lăng của quân Tần, giữa vua Hùng và họ Thục đã xảy ra một cuộc xung đột kéo dài chưa phân thắng bại. Khi kháng chiến thắng lợi, Thục Phán với tư cách người chỉ huy chung đã được thay thế Hùng Vương làm vua, đặt tên nước mới là Âu Lạc.

Mức độ và quy mô các cuộc chiến trong vùng cũng được thể hiện qua các di tích khảo cổ là việc tăng nhanh số lượng vũ khí trong thời kỳ đó. Theo cuốn Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, số lượng vũ khí có trong 4 khu di tích nổi tiếng thời Đông Sơn như sau: Ving Quang chiếm 63,5% trong tổng số hiện vật, Làng Cả 64,1%, Đông Sơn 50,5%, Thiệu Dương 57,8%. Còn các mộ thời trước đó, đặc biệt như thời Phùng Nguyên thì số hiện vật tùy táng chủ yếu là vật dụng, trang sức và rất ít vũ khí. Theo Đại cương Lịch sử Việt Nam, việc gia tăng tỷ lệ vũ khí chóng mặt từ thời Phùng Nguyên đến Đông Sơn đã chứng tỏ một hiện tượng nổi lên là xã hội có nhiều mối đe dọa và xung đột.

Trong mọi cuộc nội chiến thì dù bên thắng hay bại cũng phải chịu những nhát cắt không dễ chịu. Người Âu Việt và Lạc Việt có lẽ cũng phải trải qua những ký ức đau buồn trong cuộc nội chiến như vậy. Nhưng từ sâu thẳm thì người Việt không muốn chiến tranh, không muốn nội chiến và nếu có nội chiến thì cần nhanh chóng khép lại vết thương của nó.

Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ ra đời phải chăng thể hiện khát vọng của ông cha ta muốn hàn gắn một vết thương sau cuộc chiến của người Lạc Việt – Âu Việt? Phải chăng thông điệp của truyền thuyết này là nhắc nhở con cháu rằng dù là người khu vực Lạc Việt hay Âu Việt cùng chung cội nguồn, dù có người theo mẹ lên núi, có người theo cha xuống biển thì cũng là anh em?

Huyền sử hay lịch sử buổi đầu chưa có ghi chép là một vấn đề khó không chỉ ở Việt Nam mà ở trên cả thế giới vì không có tài liệu tin cậy để khảo cứu. Trong bài viết này, chúng tôi không hề đưa ra kết luận mà chỉ nêu ra một gợi mở để mọi người suy ngẫm. Chúng tôi tin rằng các câu chuyện trong Lịch sử không chỉ để thuộc, nhớ mà còn để suy ngẫm.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ngân hàng Nhà nước làm việc với TP.HCM triển khai công tác quản lý thị trường vàng
Lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ chỉ đạo Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thực hiện ngay công tác bình ổn thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và chuyện hòa giải dân tộc