Nền kinh tế thế giới đã có một khoảng thời gian tồi tệ trong 3 tháng đầu năm 2016, khi hầu hết các nền kinh tế hàng đầu trừ Mỹ đều rơi vào tình trạng trì trệ. . Ngay cả Nhật và EU, hai trụ cột của kinh tế thế giới cũng không thoát khỏi tình cảnh này trong năm 2016.

Lãi suất âm cũng không cứu nổi 2 trụ cột kinh tế thế giới

05/04/2016, 10:25

Nền kinh tế thế giới đã có một khoảng thời gian tồi tệ trong 3 tháng đầu năm 2016, khi hầu hết các nền kinh tế hàng đầu trừ Mỹ đều rơi vào tình trạng trì trệ. . Ngay cả Nhật và EU, hai trụ cột của kinh tế thế giới cũng không thoát khỏi tình cảnh này trong năm 2016.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không những trì trệ mà còn bị cảnh báo sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, trong khi những tín hiệu từ kinh tế Nhật Bản và EU cũng đang ngày càng xấu đi. Hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang làm đủ mọi cách để vực dậy nền kinh tế đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát của mình, kể cả việc áp dụng một giải pháp mạo hiểm là đưa lãi suất về mức âm. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu đang cho thấy rõ kết quả nghèo nàn của giải pháp mạo hiểm này.

Có thể nói, cả Nhật Bản lẫn Liên minh châu Âu (EU) đều đang ở chân tường trong cuộc chiến chống nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế của mình. Việc cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều áp dụng chính sách lãi suất âm cho thấy các nhà lãnh đạo của họ đã hết cách và đó giải pháp cuối cùng mà họ có thể làm.

Về lý thuyết, cả Nhật Bản lẫn EU đều vẫn còn một lựa chọn khác là tái cấu trúc lại nền kinh tế một cách căn bản, nhưng đây là một nhiệm vụ gần như bất khả thi khi mà nền kinh tế Nhật Bản lẫn EU đều đang ở một quy mô quá lớn để có thể cải cách cấu trúc tận gốc rễ, mà không phải đối mặt với nguy cơ suy sụp toàn diện. Giải pháp tiếp tục chính sách kích thích tiền tệ bằng cách hạ lãi suất được xem là an toàn hơn, nhưng khả năng thành công cũng không khác gì một trò chơi đổ xúc xắc.

Thực tế cho thấy, việc đưa lãi suất về âm cũng không giúp cải thiện tăng trưởng và lạm phát như mức kỳ vọng mà BOJ và ECB mong đợi. BOJ và ECB hy vọng việc đưa lãi suất về âm (tức đánh thuế lên khoản tiền gửi ở ngân hàng của người dân) sẽ buộc các ngân hàng phải cho vay nhiều hơn, đồng thời các hộ gia đình và người dân sẽ rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng để hoặc đầu tư vào nền kinh tế hoặc tăng chi tiêu. Đó đều là các động thái sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng, và có thể sẽ đẩy lạm phát lên mức kỳ vọng. Tuy nhiên, các dấu hiệu thực tế lại đang ngược lại với những gì mà BOJ và ECB mong muốn.

Tại châu Âu, các khoản vay ở các ngân hàng đã giảm khoảng 10% so với mức đỉnh vào năm 2009, cho thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và các cá nhân trong nền kinh tế thực đang thấp hơn mức ECB kỳ vọng. Việc ECB đang ép buộc các ngân hàng châu Âu phải thúc đẩy việc cho vay còn đang dẫn đến hệ lụy là nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên khá nhanh. Theo báo cáo của ECB trong năm 2015, nợ xấu tại châu Âu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2008. Hiện tại, mức nợ xấu tại hệ thống ngân hàng Pháp là khoảng 4%, Tây Ban Nha 7% trong khi ở Italia lên đến 17-20%, chỉ có duy nhất Đức ở mức thấp với tỷ lệ 2%. Tác động của gia tăng nợ xấu đang là một trong những nguy cơ có thể dẫn tới sự tan rã của EU, mà điểm yếu nhất của liên minh là Italia đang bị đe dọa nặng nề. Một số ngân hàng ở phía Nam Italia nợ xấu đã lên tới 40% - một mức cực kỳ nguy hiểm. Nếu hệ thống ngân hàng Italia sụp đổ và kéo theo nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới này thì việc EU tan rã là điều gần như chắc chắn.

Ngoài nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng, việc áp dụng lãi suất âm cũng đang khiến ngành ngân hàng châu Âu bị suy yếu nghiêm trọng. Lãi suất âm đang khiến lợi nhuận của các ngân hàng châu Âu giảm mạnh, từ mức 0,6% năm 2007 xuống còn 0% năm 2013, còn hiện tại thì gần như không ai có thể thống kê xem nó đang ở dưới số 0 bao nhiêu nữa. Điều này khiến giá cổ phiếu của các ngân hàng sụt giảm không phanh tới 70%, kể từ mức cao nhất vào năm 2007. Khả năng vỡ nợ của các ngân hàng châu Âu giờ đây đã tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 9.2014.

Rõ ràng, chính sách lãi suất âm đang không đem lại kết quả gì đáng kể mà còn đang dẫn tới những rủi ro rất lớn đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế châu Âu.

Điều tương tự đang diễn ra trong nền kinh tế Nhật Bản, dù về diễn biến cụ thể có hơi khác một chút. Nếu như các khoản vay tại hệ thống ngân hàng châu Âu giảm đi bất chấp chính sách lãi suất âm hướng đến việc kích thích cho vay vì các doanh nghiệp và người dân không có nhu cầu, thì tại Nhật Bản các khoản vay tại hệ thống ngân hàng vẫn tăng đều đặn. Chỉ có điều là phần lớn lượng tín dụng mà BOJ bơm ra thị trường lại quay về điểm xuất phát thông qua hệ thống ngân hàng. Về bản chất điều này cũng tương tự như điều đang diễn ra ở châu Âu, tức là các khoản vay đang giảm đi vì thị trường không có nhu cầu, tại châu Âu thì doanh nghiệp và người dân từ chối vay tiền, còn tại Nhật thì doanh nghiệp và người dân trả lại các khoản vay mà chính phủ đã dúi vào tay họ.

Một biểu hiện quan trọng khác cho thấy sự thiếu hiệu quả của chính sách lãi suất âm tại Nhật Bản là lượng tiền mặt được các công ty và hộ gia đình ở nước này tích trữ đang ở mức kỷ lục. Theo số liệu mà BOJ công bố vào ngày 25.3.2016, tài sản bằng tiền mặt và tiền gửi của các công ty Nhật Bản đạt mức kỷ lục 246.000 tỷ yen (tương đương 2.200 tỷ USD). Còn tại các hộ gia đình Nhật, lượng tiền mặt tích trữ đã lên tới mức 902.000 tỷ yen, cao gấp gần 4 lần lượng tiền mặt tích trữ của các công ty và là mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này đang đi ngược lại với kỳ vọng của chính phủ Nhật Bản và BOJ, khi họ hy vọng lãi suất âm sẽ khiến các công ty sẽ vay vốn nhiều hơn để mở rộng kinh doanh, còn người dân sẽ rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng để đầu tư vào nền kinh tế hoặc tăng tiêu dùng. Nhưng kết quả là cả các công ty lẫn gia đình tại Nhật đã rút tiền từ ngân hàng về tích trữ ở nhà.

Theo dự báo, nếu các dấu hiệu không được cải thiện trong thời gian tới, nhiều khả năng cả châu Âu lẫn Nhật Bản có thể sẽ phải chấm dứt duy trì lãi suất âm và có thể, cả hai nền kinh tế này sẽ buộc phải chấp nhận giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế nếu như không muốn bị giảm phát nhấn chìm.

Đó là nếu như những nhà lãnh đạo của cả EU lẫn Nhật Bản đủ quyết tâm, vì EU hiện nay vẫn chưa có cơ chế đủ quyền hạn để thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế của tất cả các quốc gia thành viên trong khu vực đồng tiền chung eurozone, còn tại Nhật Bản thì thủ tướng Shinzo Abe cũng không đủ quyền hạn để tái cấu trúc cả nền kinh tế Nhật mà không gặp phải sự phản đối đáng kể. Cả ông Shinzo Abe lẫn thống đốc ECB là Mario Draghi hiện chỉ có đủ quyền hạn để thúc đẩy chính sách kích thích tiền tệ mà thôi, và thực tế thì cả hai đều đã đẩy chính sách này đến tận cùng thông qua việc đưa lãi suất về mức âm rồi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất âm cũng không cứu nổi 2 trụ cột kinh tế thế giới