Liệu làn sóng thu mua tài sản ngoại ồ ạt có giúp ích được cho nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ trì trệ của Trung Quốc? Câu trả lời là: Chưa chắc.

Phía sau làn sóng thâu tóm tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc

02/04/2016, 19:39

Liệu làn sóng thu mua tài sản ngoại ồ ạt có giúp ích được cho nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ trì trệ của Trung Quốc? Câu trả lời là: Chưa chắc.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào tình trạng trì trệ nhất trong vòng gần ba thập niên trở lại đây, và đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng Trung Quốc cũng đang là nước chi tiền hào phóng nhất ở thời điểm hiện tại, không phải để kích thích nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh trở lại, mà là trong việc thâu tóm nhiều tài sản ở nước ngoài hơn bao giờ hết. Trong cả năm 2015, Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 104 tỉ USD để thu mua các tài sản ở nước ngoài, và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016 con số này đã là hơn 80 tỉ USD. Liệu làn sóng thu mua tài sản ngoại ồ ạt này có giúp ích được cho nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ trì trệ của Trung Quốc? Câu trả lời là: Chưa chắc.

Một thực tế dễ nhận thấy ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, đó là sự gia tăng thu mua các tài sản ở nước ngoài của các công ty và tập đoàn Trung Quốc đang tỷ lệ nghịch với sự sa sút và trì trệ của nền kinh tế nước này. Năm 2015 lần đầu tiên tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1990, thì đây lại là năm mà tổng số tiền các công ty Trung Quốc bỏ ra cho các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập thương hiệu) đạt mức kỷ lục là khoảng 104 tỉ USD. Xu hướng này tiếp tục tăng lên trong năm 2016, khi đây là năm kinh tế Trung Quốc trì trệ hơn hẳn so với 2015 nhưng số tiền mà nước này bỏ ra để M&A lại lớn hơn nhiều, khi đã lên tới hơn 80 tỉ USD chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm.

Cụ thể, thương vụ đình đám nhất hẳn phải là vụ thâu tóm tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao Syngenta của tập đoàn hóa chất Trung Quốc ChemChina với giá trị lên tới 43 tỉ USD. Ngoài thương vụ đình đám Syngenta, tổng cộng đã có tới hơn 40 tỉ USD được các công ty và tập đoàn Trung Quốc bỏ ra trong 3 tháng qua để thâu tóm các tài sản, chủ yếu là các thương hiệu lớn và hầu hết là ở Mỹ. Lĩnh vực thực hiện các thương vụ M&A khá đa dạng, từ kinh doanh khách sạn, đồ điện tử, sản xuất phần mềm, sàn chứng khoán cho đến các hãng phim ở Hollywood.

Nguyên nhân dẫn đến làn sóng đầu tư ồ ạt vào các tài sản ở nước ngoài của các công ty và tập đoàn Trung Quốc không quá khó hiểu. Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc đang buộc các công ty và tập đoàn nước này phải tìm kiếm cơ hội tại thị trường nước ngoài như một giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi nhuận. Sau ba thập niên phát triển nóng, khá nhiều công ty và tập đoàn ở Trung Quốc đã tích lũy được những khoản vốn khổng lồ, và họ đủ khả năng để tiến hành các phi vụ M&A tầm cỡ quốc tế. Chẳng hạn như Tập đoàn bảo hiểm Anbang – đối tượng đang hỏi mua lại Tập đoàn khách sạn Starwood ở Mỹ với lời đề nghị gần nhất đã lên đến 14 tỉ USD; các nhà lãnh đạo của Anbang tuyên bố tập đoàn này đang có số tài sản lên đến 254 tỉ USD và đang đặt ra mục tiêu trở thành 1 trong 10 đế chế tài chính lớn nhất thế giới thay vì an phận làm một công ty bảo hiểm như trước.

Tuy nhiên, làn sóng này đang được đánh giá là ẩn chứa nhiều rủi ro. Trước hết, lĩnh vực được đầu tư và thu mua tài sản khá đa dạng, trong khi các công ty và tập đoàn Trung Quốc ít có kinh nghiệm quản lý và điều hành ở các thị trường bên ngoài nước này. Theo thống kê của chính phủ và các bộ ngành Trung Quốc, thì có tới hơn 70% các thương vụ đầu tư ra nước ngoài trong hơn 10 năm qua của các công ty Trung Quốc nằm trong diện không sinh lời. Một phần nguyên nhân là do các công ty Trung Quốc hầu hết đều có quan hệ với chính phủ, và họ đặt mục tiêu vào sự đảm bảo nguồn cung cấp nguyên vật liệu cần thiết cho quá trình tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc thay vì hướng đến lợi nhuận. Điều này ở thời điểm hiện tại vẫn không có nhiều thay đổi, khi mà thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc là Syngenta cũng nằm trong nhóm này. Theo đó, lý do mà chính phủ Trung Quốc tài trợ cho tập đoàn hóa chất ChemChina mua lại tập đoàn công nghệ Syngenta của Thụy Sĩ với cái giá lên đến 43 tỉ USD là vì muốn hướng đến lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất thực phẩm biến đổi gien – một yếu tố căn bản để giải quyết tình trạng thiếu lương thực và gia tăng dân số trong những năm sắp tới tại Trung Quốc.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố đang ngăn cản mục tiêu sinh lời của các thương vụ M&A ồ ạt hiện tại của Trung Quốc. Trước hết là phản ứng từ phía chính phủ và người dân Mỹ - nơi Trung Quốc tiến hành phần lớn các thương vụ mua tài sản hiện tại của mình. Làn sóng dân túy đang nổi lên trên khắp nước Mỹ mà sự thành công của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một điển hình. Người Mỹ đang nhìn các thương vụ M&A của Trung Quốc với một con mắt nghi ngại hơn bao giờ hết. Đã có tới hàng chục nghị sĩ ký tên đề nghị chính phủ xem xét khi phía Trung Quốc đề nghị mua lại sở chứng khoán Chicago, dù sở này chỉ thực hiện có 0,5% tổng khối lượng giao dịch trên TTCK Mỹ. Thương vụ mới nhất mà Trung Quốc bị gây sức ép và có thể bị đổ bể là thương vụ hỏi mua mảng đồ điện gia dụng của General Electric của tập đoàn Trung Quốc Haier với cái giá lên đến 5,4 tỉ USD do vấp phải sự phản đối từ Bộ Tư pháp Mỹ.

Thứ hai là kinh nghiệm của các quốc gia từng thực hiện làn sóng M&A tại thị trường Mỹ trước Trung Quốc, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong thời kỳ thịnh vượng và bùng nổ tăng trưởng của mình, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cũng đã thực hiện nhiều thương vụ M&A tại Mỹ, nhưng khi nền kinh tế hai nước này giảm tốc thì phần lớn các thương vụ M&A này cũng đổ bể và phải bán lại. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất thương vụ mua hãng phim Columbia Pictures của Sony thời điểm đó được xem là thành công và vẫn được duy trì. Trung Quốc cũng có thể sẽ đi vào vết xe đổ nếu nền kinh tế nước này trở nên xấu đi trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Khi đó, các tập đoàn Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ phải bán các tài sản mà họ đã mua ở nước ngoài trước đó để chữa cháy.

Và kể cả trong trường hợp các thương vụ M&A này diễn ra suôn sẻ và hoạt động thành công, và đem lại lợi nhuận cho các tập đoàn Trung Quốc, thì nó cũng không đồng nghĩa với việc sẽ giúp ích cho nền kinh tế Trung Quốc. Lợi nhuận thu được từ đầu tư ở nước ngoài của các công ty và tập đoàn không đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nội địa Trung Quốc. Ngoài yếu tố đóng thuế, thì các thương vụ này không giải quyết được vấn đề tạo công ăn việc làm cũng như tăng thu nhập cho người lao động qua đó tăng sức mua của thị trường nội địa, vốn là vấn đề lớn nhất để kích thích tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay. Đó là chưa kể đến việc chính phủ Trung Quốc cũng đang có kế hoạch hạn chế các công ty và tập đoàn của nước này đầu tư ra nước ngoài trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như quy định cấm các hãng bảo hiểm được đầu tư vượt quá 15% tài sản ra nước ngoài – một quy định mà các hãng bảo hiểm như Anbang đang bị tác động nghiêm trọng.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF, Nhipcaudautu)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau làn sóng thâu tóm tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc