Lãi suất ngân hàng liên tục giảm mạnh, đầu tư vào đâu để tăng lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, an toàn là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.
Tài chính và đầu tư

Lãi suất tiết kiệm của 'Big 4' ngân hàng chạm đáy, kênh đầu tư nào sẽ hút tiền?

Tuyết Nhung 13/12/2023 21:55

Lãi suất ngân hàng liên tục giảm mạnh, đầu tư vào đâu để tăng lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, an toàn là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư.

Nhóm "Big 4" ngân hàng quốc doanh tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiết kiệm, trong đó có ngân hàng điều chỉnh liên tục trong 3 ngày.

Cụ thể, khảo sát ngày 13.12 cho thấy ngân hàng BIDV công bố biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến mới với mức giảm cao nhất lên tới 0,4%/năm. Theo đó, kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm 0,4%/năm còn 2,7%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,1%/năm; 6 - 11 tháng còn 4,1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 - 18 tháng là 5%/năm. Trước đó, ngân hàng BIDV đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất vào ngày 11 và 12.12.

lai-suat-1.jpg
Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng liên tục giảm mạnh thời gian qua - Ảnh minh họa

Tại ngân hàng Agribank, lãi suất tiết kiệm trực tuyến giảm đến 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất tại nhà băng này ở kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm 0,5%/năm về mức 2,7%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm 0,3%/năm còn 3,3%/năm. Kỳ hạn 6 - 11 tháng còn 4,2%/năm, 12 - 18 tháng giảm 0,3%/năm còn 5%/năm.

Ngân hàng VietinBank giảm lãi suất tiết kiệm lên tới 0,6%/năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, lãi suất ngân hàng chỉ còn 2,6%/năm đối với kỳ hạn 1 - 2 tháng và 3%/năm đối với kỳ hạn 3 - 5 tháng. Đối với kỳ hạn 6 - 11 tháng, mức giảm là 0,5%/năm xuống chỉ còn 4%/năm, 12 - 18 tháng giảm 0,3%/năm xuống còn 5%/năm. Kỳ hạn từ 24 tháng trở lên giữ nguyên 5,5%/năm.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm ngân hàng Vietcombank đang ở mức thấp nhất nhóm "Big 4" và thị trường. Kỳ hạn 1 - 2 tháng tại Vietcombank là 2,2%/năm, 3 - 5 tháng là 2,5%/năm, 6 - 11 tháng là 3,5%/năm, 12 - 18 tháng là 4,8%/năm.

So với cùng thời điểm năm ngoái, lãi suất tiết kiệm tại nhóm ngân hàng quốc doanh đã giảm từ 2 - 3%. Còn tại một số ngân hàng tư nhân, lãi suất thậm chí giảm lên tới 4 - 5% so với cuối năm ngoái. Từ đầu tháng 12 đến nay, đã có ít nhất 14 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank.

Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng giảm sâu ở mức kỷ lục, các chuyên gia kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như: bất động sản, chứng khoán, vàng...

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect cho rằng, đây thời điểm thích hợp để đầu tư trung và dài hạn vào kênh chứng khoán do định giá thị trường khá hấp dẫn khi đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp hiện nay và thu nhập toàn thị trường được dự báo có thể cải thiện kể từ quý 4/2023.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận hiện nay nhu cầu đầu tư của người dân giảm mạnh nên dòng tiền vẫn sẽ chảy về lĩnh vực ngân hàng. Hầu hết các kênh đầu tư đều có mức độ rủi ro cao và biến động khó lường. Trong 5 kênh đầu tư kênh tư hiện nay (chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm) thì ngân hàng được coi là nơi cất trữ dòng tiền an toàn nhất. Dù lãi suất có giảm mạnh thì việc bỏ tiền vào ngân hàng vẫn an toàn, không rủi ro như các kênh đầu tư khác, mà vẫn có lợi nhuận thu về.

"Thực tế hiện nay có thể thấy, tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định và chênh lệch khá cao so với thế giới; ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm. Vì vậy, không ít người vẫn quyết định gửi tiền ngân hàng dù lãi suất thấp nhưng vẫn có lợi nhuận thu về. Như vậy, dù lãi suất thấp nhưng vẫn an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư đang rất bấp bênh", ông Hiếu cho hay.

Bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng vẫn tăng trong suốt 13 tháng qua. Tính đến cuối tháng 9.2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt hơn 6,44 triệu tỉ đồng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 6,449 triệu tỉ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.

Như vậy, đây là tháng thứ 13 tiền gửi của người dân "chảy" vào ngân hàng. So với cuối tháng 8, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỉ đồng. Còn so với cuối năm 2022, tiền gửi tăng thêm 583.494 tỉ đồng.

Còn đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9 này, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỉ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỉ đồng so với cuối tháng 8.

Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng. Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3 trở lại đây.

Bài liên quan
Khởi tố kẻ cho vay với lãi suất 'cắt cổ' tại Hà Tĩnh
Không có việc làm nhưng muốn thu nhập cao nên Phạm Tuấn Anh đã cho người khác vay tiền với lãi suất từ 4.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm của 'Big 4' ngân hàng chạm đáy, kênh đầu tư nào sẽ hút tiền?