Trong bối cảnh vàng, chứng khoán, bất động sản… có nhiều biến động, rủi ro do dịch bệnh COVID-19 thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm mạnh.

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, người dân vẫn ham gửi tiền

07/09/2020, 11:28

Trong bối cảnh vàng, chứng khoán, bất động sản… có nhiều biến động, rủi ro do dịch bệnh COVID-19 thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm mạnh.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng được đánh giá là kênh đầu tư ít rủi ro nhất trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh: Internet

Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 - 0,4%, thậm chí 1%. Đà giảm mạnh lãi suất của các ngân hàng khiến mặt bằng kỳ hạn ngắn thấp hơn hẳn so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong 8 tháng đầu năm 2020, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và đứng ở mức thấp. Nguyên nhân là thanh khoản dồi dào, nhu cầu tín dụng chưa cao khi dịch COVID-19 trở lại ở một số địa phương. Xu hướng hạ lãi suất huy động còn do Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08 gia hạn thêm 1 năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Đáng chú ý, dù lãi suất giảm mạnh song huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cao hơn tăng trưởng tín dụng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nói rằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng trên địa bàn tháng 8 giảm ở các kỳ hạn.

Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm từ 0,15 - 0,55%/năm, còn ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 0,11 - 0,48%/năm. Khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài cũng giảm khoảng 0,1 - 0,61%/năm. Lãi suất huy động tiền đồng hiện phổ biến ở 3,8 - 4,11%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, từ 6 - 12 tháng từ 4,35 - 6,99%/năm; từ 12 tháng trở lên từ 6 - 7,1%/năm.

Mặc dù lãi suất giảm mạnh nhưng huy động vốn của các ngân hàng vẫn tăng 0,38% so với tháng trước, đạt hơn 2,663 triệu tỉ đồng, tăng 4,55% so với cuối năm 2019 và tăng 11,66% so với cùng kỳ. Trong số này, tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế và cá nhân chiếm tỷ trọng 51,3% tổng huy động, tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 6,27% so với cuối năm 2019. Số còn lại hơn 1,1 triệu tỉ đồng là tiền gửi tiết kiệm dân cư, chiếm tỷ trọng 41,4% tổng vốn huy động, tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 0,35% so với cuối năm 2019.

Như vậy, tính đến hết tháng 8.2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã tăng 4,55% so với cuối năm ngoái; trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ là 3,68%.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết chỉ trong 2 tháng cuối quý 2/2020, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng khá mạnh lên mức 5,3 triệu tỉ đồng.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng sở dĩ tiền gửi ngân hàng vẫn hấp dẫn người dân trong giai đoạn này là có 3 lý do. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi tuy giảm nhưng nếu khách hàng chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm, trong khi kỳ vọng lạm phát năm nay dưới 4%. Thứ hai, nhà đầu tư vẫn luôn coi gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Thứ ba, một số nhà đầu tư đang đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình, trong đó có chọn gửi tiết kiệm. Điều này chứng tỏ gửi tiết kiệm làm kênh đầu tư ít rủi ro, hiệu quả nhất trước những bấp bênh về dịch bệnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, người dân vẫn ham gửi tiền