Tôm nuôi của Việt Nam lép vế toàn diện so với tôm nuôi của Ấn Độ. Chi phí đầu vào (giá con giống , chi phí thức ăn…) cao hơn hẳn, đến khi xuất khẩu cùng mức giá lợi nhuận từ xuất khẩu tôm nuôi của Việt Nam thua xa so với Ấn Độ.
Tôm tự nhiên của Việt Nam không thua kém bất cứ chỉ số nào so với tôm tự nhiên của Ấn Độ, thậm chí tôm tự nhiên của Việt Nam còn có phần nổi trội hơn. Tôm nuôi thì hoàn toàn ngược lại. Tôm nuôi của Việt Nam thua kém mọi mặt so với tôm nuôi của Ấn Độ.
Tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam chỉ ở mức 33-35%. Nghĩa là tôm nuôi của Việt Nam bị chết yểu chiếm gần 70%. Tai họa nặng nề luôn ập đến với con tôm Việt.
Tại Ấn Độ, tôm nuôi thành công đạt tỉ lệ lên đến xấp xỉ 70%, gần gấp đôi so với Việt Nam. Tôm nuôi của Ấn Độ được nhiều hơn mất, vui nhiều hơn buồn. Việt Nam thì ngược lại.
Cùng sản xuất tôm giống phục vụ thị trường nội địa nhưng giá thành tôm giống của Việt Nam đắt hơn 2 lần so với Ấn Độ. Cùng một đơn vị tiền như nhau, người dân Ấn Độ mua được 2 con giống, trong khi người dân Việt Nam chỉ mua được 1 con giống.
Tôm nuôi đương nhiên phải cho ăn, không có chuyện “ thả rông” như tôm tự nhiên. Chi phí thức ăn cho tôm nuôi của Việt Nam cao hơn 40% so với Ấn Độ. Lượng thức ăn như nhau và chất lượng không thua kém nhưng người nuôi tôm ở Việt Nam phải cõng thêm chi phí 40% so với người nuôi tôm ở Ấn Độ.
Tôm nuôi của Việt Nam lép vế toàn diện so với tôm nuôi của Ấn Độ. Chi phí đầu vào (giá con giống , chi phí thức ăn…) cao hơn hẳn, đến khi xuất khẩu cùng mức giá lợi nhuận từ xuất khẩu tôm nuôi của Việt Nam thua xa so với Ấn Độ.
Lấy số lượng hàng hóa xuất khẩu làm thành tích đang là “chiêu” của nhiều ngành hàng, chứ không riêng sản phẩm tôm nuôi. Diện tích nuôi tôm vượt xa quy hoạch, gây hệ lụy không nhỏ cho môi trường và hệ sinh thái. Các nước giàu phát triển hàng hóa dựa vào giá trị gia tăng của sản phẩm. Việt Nam xuất khẩu hàng hóa chủ yếu dựa vào số lượng. Cùng xuất khẩu lượng tôm như nhau, lợi nhuận của Việt Nam chỉ bằng khoảng một nửa so với Ấn Độ.
Sẽ rất vô lý nếu đổ hết mọi thua kém lên đầu con tôm. Con tôm là nạn nhân chứ không phải thủ phạm.
Là nạn nhân nhưng tôm nuôi không biết lên tiếng cầu cứu. Hiện trạng trên thị trường của tôm nuôi còn nhức nhối hơn cả sự cầu cứu. Giải oan cho con tôm bằng cách làm cho tôm Việt Nam bằng tôm Ấn Độ cũng là một cách nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Bá Tân