Nguyễn Công Khế là nhà báo, đồng thời rất nhiều năm làm tổng biên tập báo. Đó là cái may rất lớn của anh, cũng là cái may cho tờ báo mà anh dẫn dắt.

Làm báo với Nguyễn Công Khế

Nhà thơ Thanh Thảo | 24/10/2021, 09:19

Nguyễn Công Khế là nhà báo, đồng thời rất nhiều năm làm tổng biên tập báo. Đó là cái may rất lớn của anh, cũng là cái may cho tờ báo mà anh dẫn dắt.

nhabao-nck.jpg
Nhà báo Nguyễn Công Khế

Nguyễn Công Khế là cái tên không xa lạ gì với bạn đọc báo, không chỉ riêng Thanh Niên là tờ báo anh làm Tổng biên tập. Người giữ chức vụ ấy đương nhiên là người quản lý báo và cũng dễ thành một quan báo. Ở ta bây giờ có hơn 800 tờ báo và tạp chí và cũng có không ít những quan báo. Không ai đòi hỏi một tổng biên tập phải thường xuyên viết bài, dù là bài bình luận hay xã luận. Nhưng cái ranh giới nhiều khi mong manh để một tổng biên tập từ một nhà báo chuyển thành một quan báo là ở chỗ vị ấy có thật sự “máu” với nghề báo, có thật sự sống chết với tờ báo của mình hay không? Nếu có, sẽ ở trường hợp thứ nhất; nếu không, thì thuộc trường hợp thứ hai, không thể khác.

Nguyễn Công Khế là nhà báo, đồng thời làm Tổng biên tập báo. Đó là cái may rất lớn của anh, cũng là cái may cho tờ báo anh quản lý, dẫn dắt, đứng đầu. Tôi quen anh Khế từ sau khi đất nước thống nhất, tháng 6.1975, ở Đà Nẵng. Ngày đó Khế còn rất trẻ và thuộc nhóm những học sinh tranh đấu ở Đà Nẵng. Tôi nhớ, có đêm bên sông Hàn, tôi với Ngô Thế Oanh, Trần Vũ Mai đã gặp nhóm của Khế chuyện trò rất vui và sau đó đi… ăn chè. Đơn sơ vậy thôi. Rồi năm 76 tôi vào Đà Nẵng gia nhập trại sáng tác Quân khu 5, lại gặp Khế là thành viên của trại, cùng Ngô Thị Kim Cúc, là hai cây bút trẻ nội thành. Nhà văn Nguyễn Chí Trung muốn trại sáng tác về đề tài chiến tranh này có nhiều giọng nói khác nhau, nhiều lứa tuổi và cũng từ nhiều địa bàn khác nhau trong chiến tranh. Tôi vốn ở chiến trường Nam Bộ còn anh Khế lại hoạt động nội thành Đà Nẵng và đã từng nếm mùi tù ngục ở nhiều nhà lao của chế độ cũ. Nói từ ngày đó anh Nguyễn Chí Trung đã nhìn ra Khế có phẩm chất của một nhà báo và thích hợp với nghề báo là nói… khoác, vì hồi đó có mấy tờ báo đâu mà thi thố bản lĩnh. Nhưng đúng là nhà văn Nguyễn Chí Trung sau một thời gian đã nhận ra rằng để Khế về một tờ báo sẽ thích hợp hơn với chàng trai rất năng động này. Anh Khế về báo Phụ nữ Việt Nam từ đó. Nhiều năm sau, mỗi khi có dịp vào Sài Gòn tôi đều gặp anh, để… chơi là chính. Tuy Khế ít tuổi hơn lứa tôi, Ngô Thế Oanh, Thái Bá Lợi nhưng chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Tình bạn ấy bền được cho tới bây giờ một phần cũng nhờ Nguyễn Công Khế tổ chức cho ra đời tờ Tuần Tin Thanh Niên, một thời gian sau chuyển thành tờ Thanh Niên. Thú thật, tôi đã không ngờ Khế ra được tờ báo ấy, và nó lại sống được, sống khỏe cho tới ngày nay, thành tờ nhật báo hàng đầu. Vào thời đỉnh cao của báo giấy, Thanh Niên có ti-ra tới mấy trăm nghìn bản/ngày. Và tờ báo vẫn phát triển ngay khi người sáng lập ra nó đã rời “đi chỗ khác chơi”, nói theo nhà văn Trang Thế Hy. Tôi nghĩ, đó chính là niềm vui lớn nhất của một người làm báo mà anh Khế có được.

Cách đây nhiều năm, Khế có cho in cuốn Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ. Đây là tập sách thứ 2 tuyển chọn những bài báo của Nguyễn Công Khế nói lên niềm vui được làm báo của một nhà báo. Xin thưa, với người làm báo, đó là niềm vui lớn nhất, niềm vui được hành nghề, bất chấp mọi rủi may khó khăn vất vả thậm chí hiểm nguy. Từ tập thứ nhất (Cảm ơn ngọn lửa) sang tập thứ 2, văn phong của nhà báo Nguyễn Công Khế đã dày dạn và chững chạc hơn nhiều. Cách nhìn sự việc nhìn vấn đề cũng sâu và bao quát hơn. Cách đưa những tư liệu những con số cũng thuyết phục người đọc hơn. Nhưng cái nhất quán giữa hai tập sách này cũng rõ hơn: đó là cách nhìn cách nói cách viết trung thực không né tránh của một nhà báo có bản lĩnh, và đặc biệt hằng số nhân dân vẫn hiện lên ở gam chủ trong bất cứ bài viết nào của Nguyễn Công Khế.

Tôi đặc biệt đánh giá cao điều đó trong lý tưởng sống của anh và trong từng bài viết dù nhỏ của anh. Chúng ta làm báo là vì nhân dân, cho nhân dân. Có thể nói, chúng tôi đã gặp nhau ở đó, và từ nhiều năm nay, cứ báo Thanh Niên “ới” là tôi hưởng ứng ngay, viết bài ngay. Cũng như anh Khế, tôi viết vì niềm vui được làm báo, và vì báo Thanh Niên có cùng kênh với mình, kênh ấy luôn mở về nhân dân, luôn nối mạng với nhân dân. Sôi sục hay lắng đọng trong suốt tập sách Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ là những khát khao trăn trở yêu cầu phải làm sao để cuộc sống của nhân dân ta được thực sự ấm no, thực sự dân chủ, và mỗi con người Việt Nam được thực sự là người tự do, ý thức được niềm vui và nghĩa vụ công dân của mình. Đó cũng là lý tưởng của những nhà báo chân chính.

Còn nỗi sợ của nhà báo thể hiện trong tập sách này? Cũng giản đơn thôi, xin trích một đoạn trong bài Tự sự của một người làm báo in trong tập sách (trang 14): “ Làm báo, tôi chỉ sợ mỗi một điều là ta làm việc gì đó để cho những người tốt, người trung thực ghét mình, xa lánh mình và coi thường mình chứ tôi tuyệt đối không sợ người xấu ghét bỏ và thù hằn mình”. Thế là rõ: niềm vui và nỗi sợ của một người làm báo đều nằm trong chính lý tưởng sống, cách sống cách viết và cách điều hành tờ báo. Nói tắt: ta vui ở ta mà cũng sợ ở ta vậy!

Mười mấy năm nay, sau khi bị "tai nạn" ở tờ Thanh Niên, mà cũng do "không sợ người xấu ghét bỏ và thù hằn mình", nhà báo Nguyễn Công Khế lại tổ chức được tờ báo online Một Thế Giới. Có lần gặp Khế ở Sài Gòn, tôi đùa: "Bây giờ có nhiều thế giới lắm, cạnh tranh nhau dữ lắm. Làm sao cho cái "Một Thế Giới" của mình coi được thì làm".

Tôi cũng cứ nghĩ mình nói chơi chơi, bỗng một ngày, cũng gần đây thôi, tự nhiên thấy mình lại muốn làm báo với Nguyễn Công Khế. Mình cũng chỉ thuộc cái thế giới chung chung này thôi, nơi mọi người đang cùng nhau sống không dễ dàng, nhưng mình cũng muốn thể hiện một chút gì nỗi khát khao làm báo của mình. Nghĩa là mình muốn thêm "Một thế giới" nữa, cho nó vui, và cũng để kiếm thêm ít đồng nhuận bút góp nuôi mấy đứa trẻ, vậy thôi. Ai chả biết bây giờ nhuận bút "hẻo" đến cỡ nào, nhưng mình thì còn biết làm gì. Thơ thì tuyệt đối không bán được, chỉ còn báo là hy vọng viết có nhuận bút. Vậy mà, có tờ báo mình hăng hái viết, người ta hăng hái đăng, nhưng không hăng hái trả nhuận bút lắm. Biết sao giờ?

Tôi nghĩ, làm một tờ báo có hai điều rất cần: một là kiên nhẫn, hai là nắm được cơ may. Kiên nhẫn thì nhiều, cơ may thì ít, nhưng có. Ta cứ kiên nhẫn, và khi cơ may tới, phải nhanh tay nắm lấy. Lúc ấy, tự nhiên tờ báo có bước tiến vọt. Nguyễn Công Khế có kinh nghiệm quý báu này khi cầm tờ Thanh Niên. Còn với "Một Thế Giới", tôi hy vọng anh Khế sẽ có lúc "tóm" được cơ may nào đó. Cho tờ báo phát triển. Và không chỉ thế, còn cho bạn đọc, cho người làm báo. Bây giờ, đến trẻ con lớp 1 còn phải học online, thì mình làm báo online có gì đâu phải lo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm báo với Nguyễn Công Khế