Đây là lúc không thể chậm trễ trong việc quy hoạch, cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn để hướng tới một thành phố hiện đại và giữ gìn cho muôn đời con cháu mai sau.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân về “Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM”, trong đó có vấn đề quy hoạch không gian ngầm của TP được nhấn mạnh. Tuy nhiên, tôi cho là chuyện quy hoạch không gian ngầm vẫn là khá xa vời và thứ đáng quan tâm hơn, ngay trước mắt chúng ta là quy hoạch lại cảnh quan sông Sài Gòn.
Người xưa đã đúc kết: Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ để nói về một địa điểm được cho rằng sẽ thuận lợi cho an cư, lạc nghiệp. TP.HCM có sông Sài Gòn và hội đủ cả 3 yếu tố nêu trên.
Có lẽ ít có thành phố nào trên thế giới được trời phú cho một dòng sông vừa hiền hòa, vừa xinh đẹp như sông Sài Gòn. Chỉ riêng đoạn sông chảy qua TP.HCM đã dài 80km. Dòng sông Sài Gòn không chỉ góp phần tạo ra thuận tiện trong giao thông, vận tải mà hầu như tất cả những gì liên quan đến lịch sử phát triển của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM đều gắn liền với dòng sông Sài Gòn. Vậy nên, nếu chúng ta quy hoạch, phát triển tốt hai bên bờ sông không chỉ làm thay đổi diện mạo của thành phố mà còn thúc đẩy việc phát triển du lịch sông nước gắn với các di tích lịch sử hai bên bờ sông. Hiện nay, nếu đi dọc sông Sài Gòn chúng ta không khó để bắt gặp tình trạng quy hoạch không đồng đều ven sông, việc lẫn chiếm dọc sông để làm các công trình nhà ở, dịch vụ buôn bán. Sông Sài Gòn là tài sản chung của tất cả mọi người dân thành phố, nó không phải là tài sản của một doanh nghiệp hay của một nhóm nào đó. Thế nhưng, những đoạn bờ sông đi qua khu trung tâm thành phố rất nhiều lối ra bờ sông đã bị che chắn bằng các dự án đô thị lớn.
Đây là lúc không thể chậm trễ trong việc quy hoạch, cải tạo cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn để hướng tới một thành phố hiện đại và giữ gìn cho muôn đời con cháu mai sau.
Một là, cần có một quy hoạch tổng thể dọc hai bên sông Sài Gòn. Nếu không khẩn trương ngay từ bây giờ, với tình trạng lộn xộn và lấn chiếm như đang chứng kiến hiện nay, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ để mất dòng sông xinh đẹp này và sẽ có tội với con cháu mai sau.
Hai là, theo chúng tôi, cần phải vạch ra một ranh giới bằng chính con đường chạy dọc hai bên sông Sài Gòn. Nửa phía về bờ sông cần có quy định bề ngang tối đa và tối thiểu cho từng khu vực. Khu vực ven sông sẽ có quy hoạch cụ thể nơi làm làm các dự án nhà ở cao cấp, nơi nào là các công trình bến cảng, du lịch, nơi nào là hệ thống công viên, cây xanh.
Ba là, khi làm được điều nêu trên, chúng ta sẽ hình thành được hệ thống siêu đô thị ven sông. Chúng tôi nghĩ nếu công việc này được thực hiện một cách bài bản thì việc đấu giá đất một cách công khai, minh bạch sẽ giúp thành phố không phải lo lắng về chi phí bỏ ra.
Bốn là, giải quyết bài toán quy hoạch bài bản hai bên bờ sông Sài Gòn, chúng ta sẽ khắc phục được việc bờ bao ngăn nước, sẽ có các hệ thống cửa xả tiêu dọc sông Sài Gòn. Khi ấy bà con nông dân thành phố sẽ không còn phải lo tình trạng triều cường và ngập úng. Cũng vậy, làm tốt quy hoạch này sẽ góp phần cho việc chống ngập của thành phố.
Ngay bây giờ, có lẽ thành phố cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để quy hoạch hai bên bờ sông bài bản hơn, biến hai bên bờ sông trở thành những đô thị hiện đại gắn với bảo vệ cảnh quan, di sản văn hóa và môi trường, giữ lại dòng sông này cho con cháu.