Có lần mọi người đi đám giỗ chung đã về nhà từ rất lâu nhưng trông hoài không thấy bà về, cả nhà đi tìm, hỏi thăm nhà đám giỗ cũng nói bà về lâu lắm rồi. Mọi người đang nghĩ tới điều gì đó không may. Cuối cùng đã có người thấy bà chui vô mấy đám cây cỏ um tùm mà không thấy trở ra. Kêu réo um xùm vẫn không thấy bà trả lời, mọi người hốt hoảng tầm theo dấu thì bắt gặp bà đang hè hụi với mớ cây cỏ…

Làm điều thiện đâu nệ gì tuổi tác

Ngọc Tùng | 12/07/2018, 09:22

Có lần mọi người đi đám giỗ chung đã về nhà từ rất lâu nhưng trông hoài không thấy bà về, cả nhà đi tìm, hỏi thăm nhà đám giỗ cũng nói bà về lâu lắm rồi. Mọi người đang nghĩ tới điều gì đó không may. Cuối cùng đã có người thấy bà chui vô mấy đám cây cỏ um tùm mà không thấy trở ra. Kêu réo um xùm vẫn không thấy bà trả lời, mọi người hốt hoảng tầm theo dấu thì bắt gặp bà đang hè hụi với mớ cây cỏ…

Nhà tài trợ ngoài bát tuần vẫn lặn lội đi tìm cây thuốc

Đã quá trưa mà Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền nhân đạo thuộc P.Tân Phú (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) vẫn khá đông bệnh nhân đến chờ khám bệnh, hốt thuốc. Chị Năm Hương, phụ trách chung các hoạt động ở đây nói rằng, đội ngũ làm thuốc ở đây khá vất vả vì thiếu nhân lực để phục vụ bệnh nhân. Nhưng tất cả đều phải cố gắng để không phụ lòng tin của các nhà tài trợ đã tạo điều kiện vật chất để phòng thuốc có thể hoạt động.

Chị Hương cho biết: “Ông Năm Phấn (tên đầy đủ là Mai Văn Phấn, 87 tuổi, ngụ KV.Phú Tân, P.Tân Phú) chính là nhà tài trợ vàng của phòng thuốc này”. Là nhà tài trợ, nhưng cách ăn mặc của ông Năm Phấn khi đến thăm địa chỉ nhân đạo này còn bình dân hơn cả những người bệnh thường lui tới với phòng thuốc. “Mình cũng đâu dư giả gì, nhưng còn nhiều người bệnh có lẽ còn khó khăn hơn mình, nên tui kêu gọi nhiều người cùng chung tay giúp đời chứ có gì lớn lao đâu”, ông Năm Phấn phân bua.

Phòng thuốc nhân đạo nằm trong khuôn viên đình thờ ông Nguyễn (cụ Nguyễn Trung Trực), dân địa phương gọi là đình Bến Bạ. Để có thể hình thành phòng thuốc như hiện tại, ông Năm Phấn đã đứng ra tài trợ chính cho việc xây dựng, trang bị thêm cơ sở vật chất. Từ mái che, giường bệnh, kệ thuốc, bàn ghế… đều do một tay ông Năm.

Khoảng sân nhỏ là nơi ông bà Năm phơi thuốc- Ảnh: Thanh Ngọc

Không chỉ tài trợ về cơ sở vật chất, vợ ông là bà Năm (Lê Thị Dồi,76 tuổi) còn mạnh dạn cam kết với các thành viên ở phòng thuốc, là ông Năm và bà sẽ đảm trách luôn việc đi tìm cây thuốc theo yêu cầu sử dụng của các thầy thuốc ở đây. Bà Năm nói: “Nếu ở phòng cần dùng thuốc Nam thì tui với ổng (ông Năm) sẵn sàng bao hết chuyện cung cấp, thứ gì cũng kiếm được. Chỉ có điều tên gọi của cây thuốc không ít khi có cách gọi khác với tên gọi địa phương thì tui cần được nhận dạng mặt thuốc”.

“Tui với bả hồi nào tới giờ mạnh giỏi là nhờ chú tâm làm điều thiện. Từng tuổi này chứ còn đi kiếm thuốc ngon lành lắm”, ông Năm Phấn khẳng định. Ông Năm kể: “Có lần mọi người đi đám giỗ chung đã về nhà từ rất lâu nhưng trông hoài không thấy bả về. Cả nhà đi tìm kiếm khắp nơi, hỏi thăm nhà đám giỗ cũng nói bả về lâu lắm rồi. Mọi người đang nghĩ tới điều gì đó không may. Cuối cùng đã có người thấy bả chui vô máy đám cây cỏ um tùm mà không thấy trở ra. Kêu réo um xùm vẫn không thấy bả trả lời, mọi người hốt hoảng tầm theo dấu thì bắt gặp bả đang hè hụi với mớ cây cỏ…”

Lúc đó bà Năm chỉ cười xòa phân bua là có dịp đi ngang qua thì lội vô lục lạo kiếm thuốc Nam luôn cho khỏi mất công trở lại lần nữa. Bà không nghĩ là nhiều người đã lo lắng quá cho độ tuổi đã ngoài thất thập của bà.

Cuộc sống cơ cực từ thuở thiếu thời

Thời chiến tranh ác liệt, gia đình ông Năm Phấn phải tản cư ra ở tạm tại khu vực xóm chài (P.Hưng Phú, TP.Cần Thơ bây giờ). Sự tàn khốc của chiến tranh đã biến ông trở thành đứa trẻ mồ côi cha từ lúc lên 3. Chiến tranh không chừa một ai, bà Năm cũng sống trong cảnh mồ côi từ rất sớm. Lớn lên 2 người cùng cảnh ngộ đã gặp nhau thành đôi vợ chồng có tên ghép chung dù ngẫu nhiên nhưng khá mỹ miều: Dồi - Phấn.

Ông Năm Phấn, người hết lòng làm việc thiện - Ảnh: Thanh Ngọc

Tên ghép của cặp vợ chồng trẻ lúc ấy khiến người ta nghĩ tới cô gái nhà giàu chuyên lo trau chuốt ngoại hình. Nhưng ông Phấn và bà Dồi lại có cuộc sống rất long đong, cơ cực. Lúc đó ông chuyên đi ở mướn, làm công dài hạn cho những người khá giả. Còn bà nhận giữ trẻ, hoặc chèo ghe đi tận Phụng Hiệp (Hậu Giang) cắt lá môn đem bán chợ kiếm tiền đong gạo. Theo bà Năm, 1 mình bà phải cắt 3 ngày ròng rồi bán hết số lá môn cắt được mới đủ tiền mua thùng gạo (20 kg).

Giai đoạn quá khó khăn, sinh con ngoài tháng, bà Năm Dồi đã phải lội ruộng nhổ mạ, mùa đập lúa thì ra đồng đập rạ, giũ rơm tận thu những hạt lúa còn sót lại. Vài năm như vậy mới tích cóp mua được hơn trăm con vịt con để mở đường cho ông thôi kiếp ở đợ. Ông quay về cầm sào chăn vịt, chạy đồng từ miệt Phong Dinh (Cần Thơ lúc đó) qua Long Xuyên, sang tận núi Sập, Ba Thê… (tỉnh An Giang).

Vịt thì chạy đồng, còn ông thì chạy theo vịt để trốn quân dịch. Bà lại quảy nóp theo ông đi mót lúa, dệt chiếu mướn cho dân địa phương thời đó. Bà Năm còn nhớ hồi đó dệt 1 đôi chiếu được trả công 5 cắc. Lúc không dệt chiếu bà lại chèo chiếc ghe (ghe sức tải 3 tấn) về Cần Thơ mua khoai lang, bí đỏ… chèo ngược trở lên An Giang bán lại kiếm lời.

Sợ đi lính chết chóc nhưng trốn theo vịt thì có lần pháo bắn rớt gần bên cái chòi giữ vịt. Ông Năm kể: “Sau tiếng nổ long trời thì cái chòi vịt tan hoang, đàn vịt tan xác gần phân nửa. Ngay cả cái mùng, cái gối cũng rách nát… Nhưng tui đang nằm ngủ tại đó thì chỉ rơi từ trên vạt tre xuống đất mà không bị thương tích gì”.

Nghiệp vịt chạy đồng níu bước chân ông Năm Phấn đi qua nhiều nơi từ Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và có lúc còn sang tận Campuchia. Cho tới bây giờ ông vẫn chiêm nghiệm nhiều về cuộc sống và những gian nan, vất vả cũng như những điều kỳ diệu trong cuộc sống đã từng đến với gia đình ông để ông bà có thể nuôi trưởng thành tới 11 người con, trong đó có 6 người con trai.

Sống sót để làm điều thiện

Sau 1975, cuộc sống cũng chỉ mới dễ thở đôi chút, ông bà Năm trở về quê cũ sinh cư ven con rạch Bến Bạ - vùng xa ánh điện của tỉnh Hậu Giang (cũ) thời bấy giờ. Qua thời chăn vịt, ông chuyển sang canh tác 3 công ruộng là tài sản thừa kế của cha mẹ. Mặc dù chưa có của ăn của để, nhưng theo lời của nhiều phụ huynh học sinh, ông cho mượn 1 nền đất và xin thêm cây lá để cất lên căn nhà tạm bợ cho địa phương mượn làm phòng học cho lớp 1 và 2. Ấy vậy mà mái trường tre lá này cũng góp phần đem con chữ đến cho con em trong vùng thiếu chữ nghĩa này trong suốt gần 20 năm.

“Mình hồi nhỏ khổ sở, không được học chữ nào nên giờ phải giúp cho con trẻ biết chữ”, ông Năm nói. Tuyến đường Nam Sông Hậu mở ra, phòng học tạm bợ nhưng đầy nghĩa tình này bị giải tỏa trắng. Ông Năm chạy đến ngân hàng xin vay 50 triệu đồng để cất lại 3 phòng học bán kiên cố khác ngay bên cạnh nhà ông lúc đó, cách phòng học bị giải tỏa khoảng 2km.

3 phòng học giờ trở thành nhà kho chứa thuốc Nam - Ảnh: Thanh Ngọc

Hơn 10 năm sau, khi ông bà Năm hoàn tất việc trả nợ ngân hàng cũng là lúc những phòng học từ tâm này đã dời về trường mới khang trang hơn, trả lại 3 phòng học đã đến hồi xuống cấp. Kể từ đó ông Năm dùng các phòng học này để làm kho chứa thuốc Nam. Trước đây, cây thuốc đem về được phơi khô chở đi giao cho các cơ sở bào chế làm thành thuốc viên. Mỗi lần như vậy, ông bà xin nhận lại 1 phần đem về chia lại cho các phòng thuốc hoặc cá nhân cần sử dụng.

Dần về sau, khi bén duyên sâu với nghiệp thuốc, ông bà đi tìm xin các bài thuốc gia truyền, tự đi tìm cây thuốc về ngâm thuốc rượu giúp cho những người bệnh đang cần. Hiện tại ông bà có hơn chục công ruộng, của ăn cũng tạm đủ nếu so với nhiều người. Nhưng theo ông Phấn, bà Dồi, tài sản đáng quý hơn của ông bà là lượng cây thuốc Nam do chính tay ông bà tìm thấy và thu về, giúp cho các địa chỉ từ thiện.

Thanh Ngọc
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm điều thiện đâu nệ gì tuổi tác