Sáng 17.2, Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam đã được khai trương tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, góp phần chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi mẹ sau khi chào đời.

Làm sao để được nhận sữa từ ngân hàng sữa mẹ?

Tố Loan | 17/02/2017, 15:01

Sáng 17.2, Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam đã được khai trương tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, góp phần chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi mẹ sau khi chào đời.

Ngân hàng sữa mẹ là mô hình thiết lập tuyển chọn bà mẹ hiến tặng sữa, thu nhận sữa, sau đó xử lý, sàng lọc, và phân phối để đáp ứng nhu cầu cụ thể của trẻ nhằm đạt được sức khỏe và sự phát triển tối ưu. Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên trên thế giới được thành lập năm 1909 tại Áo. Cho đến nay, có khoảng 550 ngân hàng sữa mẹ trên thế giới, trong đó Brazil được xem là nước tiên phong với khoảng 220 ngân hàng có qui mô khác nhau.
Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam

Trong khi đó, ở Việt Nam, ngân hàng sữa mẹ vẫn chưa là một khái niệm phổ biến. Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng là một bước tiến quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. Bằng việc cung cấp sữa mẹ hiến tặng an toàn với chất lượng cao cho những trẻ sơ sinh cần sữa mẹ nhưng không được bú sữa mẹ, Ngân hàng sữa mẹ Đà nẵng góp phần thúc đẩy hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em của thành phố và khu vực.

Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam đã được khai trương tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức phi chính phủ PATH, FHI 360 - ẢNH: NHSMĐN

TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng, cho biết mỗi năm, tại bệnh viện có từ 13.000-15.000 trẻ chào đời và gần 30% trong số đó là trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao. “Vì vậy, kỳ vọng Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên này sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh cho khoảng 3.000-4.000 trẻ mỗi năm, mang lại cơ hội cho các bé”, Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ Trần Thị Hoàng.

Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ là cơ sở để Bộ Y tế xem xét nhân rộng mô hình trên cả nước. “Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ. Chúng tôi hy vọng các cháu sẽ được tiếp cận với sữa mẹ an toàn, bất kể trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh nào”, bác sĩ Trần Văn Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), khẳng định.

Làm sao để được nhận sữa?

Đối với trẻ sơ sinh dù có nguy cơ hay khỏe mạnh thì đều cần ưu tiên dùng chính sữa mẹ đẻ. Tất cả các bà mẹ cần được tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và tích cực kích sữa. Việc sử dụng sữa mẹ hiến tặng chỉ thực hiện tạm thời khi người mẹ vì lý do đặc biệt chưa đủ sữa cho con mình.

Tùy thuộc vào sự sẵn có sữa thanh trùng của Ngân hàng sữa mẹ, trẻ sơ sinh sẽ được nhận nguồn sữa hiến tặng từ các bà mẹ hiến sữa đầy lòng nhân ái theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 1.500g) bệnh lý
2. Trẻ sơ sinh non tháng (dưới 32 tuần) bệnh lý
3. Trẻ sơ sinh bệnh lý nặng
4. Trẻ sơ sinh non tháng hoặc nhẹ cân không bệnh lý
5. Trẻ sơ sinh đủ tháng con của người đã từng hiến sữa
6. Trẻ sơ sinh đủ tháng không bệnh lý
7. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có bệnh lý đặc biệt (ung thư, suy giảm miễn dịch, bệnh tim, bệnh đường tiêu hóa)

Hiện nay, các khoa sơ sinh và đơn vị hậu sản trong bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng vẫn hàng ngày xác định các trường hợp trẻ sơ sinh thiếu sữa mẹ và gửi nhu cầu sử dụng tới Ngân hàng sữa mẹ.

Tiêu chuẩn hiến sữa

Nhờ vào hành động quyên góp sữa, các bà mẹ sẽ góp phần giúp trẻ có nhu cầu có được sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng vì nó chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh. Sàng lọc và tuyển chọn sữa mẹ được hiến tặng là một quy trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo nguồn sữa mẹ hiến tặng một cách tự nguyện và an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Các bà mẹ đều phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong suốt quá trình hiến tặng sữa, từ khám sàng lọc các loại bệnh đến kỹ năng vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh bình sữa, máy hút sữa.

Sữa được hiến tặng cũng trải qua các quy trình sàng lọc, xét nghiệm trước và sau thanh trùng, các quy trình trữ đông (-24 độ) và rã đông tự nhiên, điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng.

Từ hướng dẫn của Hiệp hội Ngân hàng sữa mẹ Bắc Mỹ và của Ngân hàng sữa mẹ Himan (Ấn Độ), Ngân hàng sữa mẹ Đà Nẵngđã có những điều chỉnh để xây dựng tiêu chí lựa chọn bà mẹ hiến tặngphù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Tiêu chuẩn của người hiến tặng sữa:
- Là người tình nguyện hiến tặng sữa mẹ đủ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe tốt.
- Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên.
- Không nhiễm HIV, viêm gan B, vViêm gan C và giang mai.
- Không dùng các thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú
- Không có bằng chứng tiếp xúc với bất cứ nguồn lây / ô nhiễm nào (hóa chất, khói thuốc...)

Tiêu chí loại trừ:
- Truyền máu hoặc sản phẩm máu hoặc cấy mô/bộ phận trong vòng 6 tháng qua.
- Hiện đang điều trị hoặc có tiền sử điều trị các bệnh viêm gan (vàng da), lao, ung thư.
- Đang sử dụng thuốc chống chỉ định trong trường hợp đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- Đã từng có kết quả (+) đối với bất kỳ xét nghiệm sau: HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai.
- Tiêm phòng Rubella hoặc MMR (quai bị, sởi và rubella) trong vòng 4 tuần tính đến ngày sàng lọc.
- Đang hút thuốc lá hoặc các sản phẩm chứa nicotine (miếng dán, viên ngậm, thuốc xịt chứa nicotine; kẹo cao su nicotin; thuốc lá điện tử…).
- Thường xuyên uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn mỗi tuần. Một đơn vị cồn tương đương với với 1/2 chén rượu mạnh, hoặc 1 cốc nhỏ rượu vang, hoặc 1 cốc bia.
- Đang sử dụng một trong các chất gây nghiện (thuốc phiện, cần sa, cocaine, heroin, marijuana, ma túy đá, thuốc lắc…).
- Quan hệ tình dục không an toàn (không dùng bao cao su) trong vòng 6 tháng qua với nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh viêm gan B, viêm gan C, giang mai.
- Xăm/ trổ vĩnh viễn trong vòng 6 tháng qua.

Tiêu chí dừng hiến tặng:
- Bà mẹ đang hiến tặng sữa mẹ cần phải sử dụng một trong các thuốc chống chỉ định cho bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
- Bà mẹ bị viêm vú, hoặc có các bất thường ngoài da – vùng xung quanh vú.
- Không muốn tiếp tục hiến tặng sữa vì bất kỳ lý do gì.

HOÀNG ANH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
30 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm sao để được nhận sữa từ ngân hàng sữa mẹ?